Đổi thay nhờ đẳng sâm
Phó Chủ tịch UBND xã A Xan - Pơloong ANhiết cho biết, trước khi địa phương trồng đẳng sâm theo các mục tiêu, kế hoạch, chương trình của huyện thì gần như 100% các hộ gia đình trong xã là hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Kể từ khi cây đẳng sâm được chú trọng trồng trọt, đời sống của người dân khá lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, qua đó thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.
Người đi đầu trong trồng cây đẳng sâm ở A Xan là ông Alăng Zênh - Bí thư Chi bộ thôn A Rầng 1.
Alăng Zênh (đội mũ) và Alăng Tên với những củ đẳng sâm.
Vào năm 2007, khi chính quyền có chương trình trồng cây đẳng sâm, sau nhiều lớp học và được tuyên truyền, ông Zênh nhận ra hiệu quả từ đẳng sâm nên về rủ người dân trong thôn trồng nhưng ai cũng lắc đầu.
Bởi đa phần nhận thức của người dân là đẳng sâm chỉ dùng để ngâm rượu uống, còn muốn có cái ăn, cái bán được tiền thì phải làm rẫy, đi rừng… Để thuyết phục bà con, ông Zênh quyết làm cho bằng được.
Ban đầu, ông vay 50 triệu, đầu tư trồng 10ha đẳng sâm.
Sau 2 năm bị người trong thôn gọi là “khùng”, đến năm 2009, ai cũng ngạc nhiên khi thấy ông thu tiền từ đẳng sâm.
“Lần thu hoạch đầu tiên được khoảng 8 triệu đồng, đây là số tiền khá lớn của chúng tôi.
Trước đây, dù bám rẫy nhưng gia đình cũng chỉ đủ ăn, nhờ đẳng sâm mà cuộc sống cải thiện đáng kể” - ông Zênh cho biết.
Từ đó đến nay, tính ra mỗi năm ông Zênh thu được từ 7 - 8 triệu đồng từ đẳng sâm, riêng năm ngoái ông lãi hơn 10 triệu đồng.
Thấy ông Zênh thoát nghèo và ổn định nhờ đẳng sâm, người dân trong và ngoài thôn đến xin ông học kinh nghiệm.
Thời điểm hiện tại, toàn bộ 47 hộ ở thôn A Rầng 1 đều trồng đẳng sâm, với diện tích khoảng từ 0,5ha trở lên.
Anh Alăng Tên (thôn A Rầng 1) cho biết, trước đây vùng rừng núi quanh nhà anh ở cũng có nhiều đẳng sâm, nhưng chỉ dùng để ngâm rượu uống, lại khai thác bừa bãi nên bị cạn kiệt.
Với diện tích 0,5ha đẳng sâm đang trồng, tuy chưa được dư giả, nhưng chuyện ăn, chuyện mặc của gia đình anh đã bớt phần căng thẳng.
“Mình dự định năm tới sẽ vay thêm tiền để mở rộng diện tích.
Mở rộng đầu tư để tích góp cho các con ăn học” - anh Tên chia sẻ.
Cũng như anh Tên, chị Hồ Trinh cho biết mình cũng mới trồng đẳng sâm và hiện có 1ha.
Ngoài ra, vợ chồng chị còn thử trồng thêm táo mèo, ba kích tím.
Hiệu quả kinh tế từ trồng đẳng sâm đã được khẳng định nhưng cách làm theo kiểu “ăn đong” của một số hộ làm giảm giá trị loại cây này.
Thường mỗi ký đẳng sâm có giá từ 100 - 120 ngàn đồng nhưng nhiều hộ bán non khi củ chưa đủ lượng nên giá chỉ còn 30 - 50 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm này chưa ổn định, người dưới xuôi lên mua không theo chu kỳ, tập trung nhất là thời điểm trước tết.
Ông Pơloong Đinh - Chủ tịch UBND xã A Xan cho biết kể từ khi được trồng từ năm 2007, cây đẳng sâm đã thực sự làm đổi thay đời sống của người dân nơi đây.
Ban đầu, người dân trồng nhỏ lẻ và rải rác, nay đã tập trung lại với nhau để dễ bề đổi công, chăm sóc… “Nhận thấy hiệu quả từ cây đẳng sâm, xã đã kiến nghị lên cấp trên đầu tư mở rộng diện tích, đào tạo kỹ thuật cũng như tìm thị trường ổn định hỗ trợ người trồng” - ông Đinh nói.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao