Mô hình kinh tế Đói vốn đóng tàu vỏ sắt

Đói vốn đóng tàu vỏ sắt

Publish date Wednesday. July 8th, 2015

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có ý nghĩa quan trọng đối với nghề đánh bắt xa bờ, thể hiện rõ quyết tâm hiện đại hóa tàu cá để ngư dân tiếp tục bám biển.

Vào cuối tháng 6, theo ghi nhận của PV NNVN tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), trong chuyến đi biển vừa qua chỉ có một số tàu khai thác được số lượng lớn cá ngừ nhưng khâu bảo quản chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, giá thu mua giảm nên hầu hết chỉ hòa đến lỗ.

Đơn cử, trường hợp tàu của ông Huỳnh Liên ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang đánh bắt được 3 tấn cá ngừ nhưng chỉ bán với giá 97.000 đồng/kg, trừ chi phí vẫn chỉ hòa vốn. Một số tàu có sản lượng cá ít hơn thì cầm chắc lỗ.

Trong khi đó, tàu cá Yanmar 01 (liên doanh Cty Tư vấn đóng tàu Việt - Nhật và Cty Yanmar Nhật Bản) ra khơi trong vòng 9 ngày (bình thường là 1 tháng), số thuyền viên khoảng 6 người (bằng một nửa so với tàu khai thác cá ngừ thông thường), đánh bắt cách bờ khoảng 40 hải lý (bình thường trên 70 hải lý mới gặp luồng cá lớn) sau khi dùng vệ tinh hiện đại xác định được ngư trường khai thác.

Khi cập cảng, tàu Yanmar 01 khai thác hơn 1 tấn cá ngừ, cùng với cách thức bảo quản hiện đại của Nhật nên bán được 150.000 đồng/kg, tính hết chi phí vẫn đạt lợi nhuận cao.

Từ hiệu quả của việc hiện đại hóa tàu cá mang lại, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67 để nghe Cty CP Dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá Biển Đông báo cáo về đề án đầu tư chuỗi tàu khai thác cá ngừ và dịch vụ hậu cần.

"Đề án của Cty Biển Đông có khả năng thành công không tôi vẫn chưa biết, bởi điều này phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tập trung giải quyết các trường hợp cá nhân ngư dân vay vốn theo NĐ 67. Hiện vẫn còn 48 hồ sơ của ngư dân đề nghị vay vốn để đóng mới tàu cá đang chờ xét duyệt", ông Én cho biết thêm.

Theo đại diện DN này thì Cty sẽ đầu tư 807 tỷ đồng để đóng mới 33 tàu vỏ sắt bao gồm 24 tàu lưới vây khai thác cá ngừ chủ yếu đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, 6 tàu hoạt động nghề lưới rê hỗn hợp và 3 tàu dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, Cty muốn được tạo điều kiện để vay vốn theo NĐ 67 với tổng số vốn vay tín dụng là 776 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị, Cty Biển Đông cần hoàn chỉnh lại đề án. Điều cần nhất là chứng minh được hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản sau khi đề án được duyệt, đảm bảo được đầu ra, năng lực tài chính, kinh nghiệm khai thác thủy sản…

Theo đại diện các ngân hàng, đây là dự án cho vay tín dụng lớn nên việc quyết định cuối cùng không thuộc thẩm quyền của giám đốc chi nhánh, với số tiền vay như trên đều phải thông qua hội sở thẩm định và duyệt.

Ngoài ra, thị trường cá ngừ trên thế giới đang có dấu hiệu trầm, lao động biển ở các nơi thiếu hụt, nhiều người có kinh nghiệm với nghề sau những chuyến đi biển lỗ vốn đã đổi nghề khác mưu sinh. Vì thế các tổ chức tín dụng rất dè dặt với việc cho ngư dân vay vốn theo NĐ 67.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết, Cty Biển Đông được thành lập vào tháng 3/2015, các cổ đông chính góp vốn đều có nhiều kinh nghiệm trong nghề biển như Cty Đại Dương, Cty Tu Na - Phú Yên. Đề án vay 766 tỷ để đóng 33 tàu sắt của Cty Biển Đông là đề án lớn, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải làm việc hết sức nghiêm túc, thận trọng mới đánh giá được hiệu quả khả thi.


Related news

nam-moi-khan-hang Nấm mối khan hàng huong-den-lam-chu-thi-truong-ca-tra Hướng đến làm chủ thị…