Mô hình kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long Đầu Tư Phát Triển Nghề Nuôi Tôm

Đồng Bằng Sông Cửu Long Đầu Tư Phát Triển Nghề Nuôi Tôm

Publish date Monday. November 3rd, 2014

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Nuôi tôm như... đánh bạc

Dọc các tỉnh ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những nơi phát triển mạnh nghề nuôi tôm xuất khẩu, nhưng người dân luôn lo âu bởi giá cả thất thường. Ông Võ Hoàng Vũ, ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre), cho biết: “Hồi tháng rồi giá tăng nhưng đã hết tôm, vì thế người nuôi chẳng được gì.

Nay khi Hoa Kỳ tăng thuế đối với tôm Việt Nam, thì mấy ngày qua giá tôm đã giảm. Đúng là nuôi tôm bây giờ giống như đánh bạc với thị trường, mà ở đó nông dân luôn thua cuộc, bởi thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ”.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng tôm rộng bạt ngàn với gần 3.000ha, ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), bộc bạch: “Con tôm là kinh tế chính của xã. Do đó, năm nào tôm trúng mùa trúng giá là nhà tường mọc lên tới tấp, còn ngược lại thất mùa sẽ đẩy nông dân vào cảnh nợ nần”.

Theo ông Chồi, nhiều năm qua, vùng Sóc Trăng cũng như những nơi khác đều nuôi tôm sú. Tuy nhiên, 3 năm liền (từ 2010 - 2012) dịch bệnh ập tới trên diện rộng làm tôm chết tràn lan, có hộ thả đi thả lại 2 - 3 đợt nhưng tôm vẫn chết, gây thiệt hại nặng nề. Tôm sú te tua nên nông dân ào ạt chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và năm 2013 được giá cao (từ 150.000 - 220.000 đồng/kg) giúp nhiều hộ trúng đậm.

Cứ ngỡ tôm thẻ chân trắng lên đời, nên vụ nuôi 2014 này diện tích tôm thẻ tăng chóng mặt ở khắp các địa phương ven biển ĐBSCL, thậm chí những vùng nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp… vẫn xuất hiện tình trạng nông dân tự ý đào ao, khoan giếng để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Sự bùng nổ tôm thẻ chân trắng đã kéo theo hệ lụy khi giá tôm giảm mạnh, cộng với dịch bệnh bùng phát làm tôm chết hàng loạt gây thiệt hại nặng. Sở NN & PTNT các tỉnh nhìn nhận, chuyện nông dân mở rộng tôm thẻ chân trắng quá nhiều là do tự phát, chạy theo thị trường, chứ ngành chuyên môn không khuyến cáo.

Nếu như trước đây, tôm thẻ chân trắng hút hàng, giá cao là do thương lái Trung Quốc ồ ạt sang mua nguyên liệu, cộng với nhiều nước châu Á bị dịch bệnh khiến sản lượng giảm mạnh. Nay các nước đã khôi phục lại dần vùng nuôi tôm, trong khi thương lái Trung Quốc hạn chế mua nguyên liệu, từ đó khiến tôm thẻ chân trắng giảm giá. Đây cũng là bài học cho những nông dân nuôi tôm theo kiểu… tự bơi.

Nhiều hệ lụy

Điều lo ngại hiện nay là không chỉ diện tích nuôi tôm sú được chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, mà nhiều nơi nông dân mạnh dạn phá bỏ đất trồng mía, trồng dừa, hoa màu, các loại thủy sản khác… để đào ao nuôi tôm thẻ. Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), thừa nhận: “Cù Lao Dung được mệnh danh là cù lao mía với diện tích hơn 8.200ha, nay người dân đua nhau phá bỏ ruộng mía bởi giá quá thấp để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Dù là địa phương mới nuôi tôm, nhưng diện tích đến nay tăng lên 1.400ha”.

Vấn đề lo lắng hiện nay là việc bùng nổ tôm thẻ đang bộc lộ nhiều bất cập. Thực tế ở nhiều nơi như Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh… cho thấy, do diện tích tôm thẻ chân trắng phát triển quá nhanh, nên ngành chức năng không tài nào đầu tư kịp về thủy lợi.

Thế là người dân phải tự làm thủy lợi để nuôi “gấp” theo kiểu chắp vá. Tuy nhiên, khi hệ thống thủy lợi không đảm bảo sẽ là mối nguy hại sau này, bởi tôm thẻ chân trắng rất dễ phát sinh dịch bệnh và lây lan rất dữ dội. Ngoài ra, nguồn điện cũng không đủ đáp ứng cho mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mở rộng quá nhiều.

Ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua tôm” ở Bạc Liêu, cảnh báo: “Nhiều hộ ùn ùn nuôi tôm thẻ chân trắng trong điều kiện con giống, hệ thống thủy lợi, điện chưa hoàn thiện, kỹ thuật chưa vững... sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho tôm thẻ cao gấp 3 - 4 lần tôm sú, nếu thất bại thì hậu quả sẽ khó lường.

Cần nhìn bài học từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… để rút kinh nghiệm trong việc bùng nổ tôm thẻ chân trắng hiện nay”. Những ngày qua, đã có một số hộ thất bại do dịch bệnh, cộng với giá bán đợt rồi ở mức thấp dẫn tới thua lỗ và đổ nợ.

Ông Phạm Văn Hải, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), chua chát: “Bây giờ, nông dân không biết nên nuôi tôm thẻ chân trắng hay quay về với tôm sú. Tất cả đều bấp bênh như nhau, bởi nông dân tự “mò mẫm” mà làm, chứ doanh nghiệp và ngành chức năng đâu ai bao tiêu đầu ra, hoặc định hướng gì đâu?”.

Gấp rút trợ lực người nuôi

Khó có thể chấp nhận được khi xuất khẩu tôm đang đóng vai trò chính trong ngành thủy sản, nhưng người nuôi tôm luôn đối mặt với rủi ro, thua lỗ ập đến bất cứ lúc nào. Vì thế, trợ lực cho người nuôi vượt qua khó khăn hướng tới phát triển bền vững là vấn đề cấp bách đặt ra, trong đó vốn rất quan trọng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 540/QĐ - TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Theo đó, người nuôi được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, không thu lãi quá hạn, lãi phạt… đồng thời được xem xét cho vay mới để khôi phục sản xuất. Có thể nói, Quyết định 540 được ban hành đã giúp hàng triệu hộ nuôi tôm ở ĐBSCL thở phào, xem đây là cơ hội tốt để vực dậy nghề nuôi thủy sản ảm đạm thời gian qua.

Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, nhìn nhận: Chính sách tín dụng lần này tạo ra luồng gió mới cho người nuôi tôm an tâm sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài cần đầu tư mạnh hơn cho nghề nuôi tôm về thủy lợi, con giống, quy hoạch lại vùng nuôi hợp lý… Đặc biệt là nên triển khai mô hình nuôi tôm có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo đầu ra.

Theo ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, con tôm đang tỏ rõ lợi thế trong xuất khẩu thủy sản và Cà Mau phấn đấu xuất khẩu hơn 1,15 tỉ USD về mặt hàng tôm trong năm 2014 này. Vấn đề quan trọng là tăng cường trợ lực cho nông dân và doanh nghiệp về nuôi trồng lẫn xuất khẩu. Trong đó, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, tư vấn thời vụ nuôi hợp lý nhằm tránh gặp tình trạng tới mùa rớt giá như những năm qua.

Bộ NN & PTNT cho biết, tới đây sẽ điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư cho phát triển thủy sản. Nếu như giai đoạn từ năm 2011 - 2015, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực thủy sản là 7%, thì giai đoạn từ 2016 - 2020 sẽ tăng lên hơn 10% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào thủy sản.

Đến năm 2020, sẽ ổn định sản lượng tôm nuôi khoảng 700.000 tấn. Phát triển vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp, tập trung sử dụng công nghệ cao, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc…

Nghề nuôi tôm rất tiềm năng nhưng cũng lắm rủi ro. Do đó, song hành với việc cơ cấu lại nguồn vốn thì cần gấp rút tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị. Xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu; thông qua sự hỗ trợ của ngành chức năng và ngân hàng.


Related news

lien-ket-vung-de-nghe-nuoi-ca-tra-phat-trien Liên Kết Vùng Để Nghề… nuoi-ba-ba-trong-ruong-lua Nuôi Ba Ba Trong Ruộng…