Tin thủy sản Đồng Bằng Sông Cửu Long điêu đứng bởi nạn cướp nghêu, sò

Đồng Bằng Sông Cửu Long điêu đứng bởi nạn cướp nghêu, sò

Author ĐỨC KHÁNH - HUỲNH XÂY, publish date Thursday. July 14th, 2016

Người nuôi bất an

Vài năm trở lại đây, lợi nhuận từ việc nuôi nghêu và sò huyết ngày một cao nên nhiều khu vực ven biển ở tỉnh ở ĐBSCL được nhiều người dân đầu tư thả nuôi. Tuy nhiên, cũng chính nguồn lợi từ mặt hàng này đã làm nảy sinh nạn cướp phá các vùng nuôi. Cùng với đó, việc đảm bảo an ninh trật tự của chính quyền, cơ quan chức năng không tốt khiến tình trạng cướp phá vùng nuôi nghêu, sò vẫn diễn ra dai dẳng.

Không riêng gì các khu vực trên, trước đó tại khu vực bãi nghêu của HTX Rạng Đông (Cồn Chày Mười, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre); bãi nghêu giống ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang)... cũng xảy ra tình trạng cướp nghêu, sò hết sức manh động.

Tại Cà Mau, tháng 6.2015, tại bãi biển Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), nghêu giống xuất hiện sớm và nhiều hơn so với các năm trước; do đó hàng ngày có khoảng hơn 500 người, với hàng trăm phương tiện đến cào nghêu giống (nghêu cám) trái phép. Những người này làm ngày làm đêm, quân bình mỗi người khai thác được trên dưới 1 triệu đồng/ngày. Đàn ông thì dùng máy hút có công suất lớn để hút nghêu giống, còn phụ nữ, trẻ em dùng cào tay… mạnh ai nấy bắt kiểu vô chủ.

Ở thời điểm lúc bấy giờ, bên cạnh người khai thác nghêu, các tay thương lái cũng xuất hiện tại bãi Khai Long, việc mua bán nghêu giống diễn ra sôi động ngay trên biển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá nghêu giống được chào hàng tại bãi nghêu Khai Long rất cao, 1 thau nhỏ nghêu lẫn với cát được mua từ 500.000 - 1 triệu đồng (tùy loại).

Cũng trong thời gian này, bãi nghêu hơn 40ha ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bị khoảng 300 người từ các nơi  tràn vào khai thác. Khi người sản xuất ở bãi nghêu ra ngăn cản, nhóm người khai thác nghêu trái phép này sẵn sàng hành hung, chống cự.

Và từ đầu tháng 7.2016 đến nay, hàng đêm có hàng chục người chạy ghe gắn máy (ghe thông dụng ở địa phương) trang bị đèn pin, vợt, máy hút vào khu vực nuôi sò huyết giống của người dân ở xã Lâm Hải (huyện Năm Căn, Cà Mau) ngang nhiên cắt lưới, xông vào khai thác. “Họ mang theo mã tấu, chĩa nhọn nên chúng tôi không dám chống trả” - ông Nguyễn Minh Có, một trong những hộ dân bị cướp sò huyết, cho biết.

Ngày 12.7, trao đổi với Dân Việt, anh Có buồn bã cho hay: “Vốn liếng tích cóp 2 năm nay, cộng thêm vay tiền ngân hàng đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nuôi sò huyết, đâu ngờ lại xảy ra cớ sự này, tôi coi như trắng tay rồi. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm tìm ra những kẻ phá hoại, đồng thời mong muốn các cấp chính quyền có hướng hỗ trợ, bảo lãnh kịp thời về nguồn vốn để chúng tôi tái sản xuất lại”.

“Tình trạng cướp nghêu, sò vẫn cứ xảy ra liên tục nhiều năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu nào khiến người nuôi vô cùng bất an” – anh Năm Hà ở huyện Bình Đại, Bến Tre cũng bức xúc lên tiếng.

Quản lý và bảo vệ vùng nuôi chưa chặt chẽ

Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngoài việc cướp sò huyết, nghêu để thu lợi bất chính, nguyên nhân khiến cho các vụ cướp sò huyết, nghêu xảy ra nhiều năm ở ĐBSCL còn xuất phát từ bất đồng trong thu chi tiền trong ban lãnh đạo các HTX hoặc HTX “ém” tiền, không trả cho các xã viên.

Tháng 7.2014, bãi nghêu của HTX Đồng Tâm dọc theo bãi biển xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, Bến Tre) bị hàng trăm người từ khắp nơi đến khai thác trái phép. Thấy vậy, không ít xã viên cũng tràn vào bắt nghêu bán gây thiệt hại cho tài sản tập thể. Thống kê của HTX Đồng Tâm, từ ngày 7-15.7.2014, tổng giá trị nghêu thịt và nghêu giống bị thiệt hại do khai thác trái phép lên đến khoảng 50 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Thành Sa – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Đại cho biết: “Trước đây, ban chủ nhiệm HTX Đồng Tâm ở xã Thừa Đức không thống nhất trong khâu lãnh đạo, không chi tiền cho xã viên dẫn đến việc nội bộ HTX bất đồng rồi giành nghêu, theo đó người dân các tỉnh khác hay tin đã kéo đến cướp nghêu”.

Cũng theo ông Sa, vụ việc đến nay đã được khắc phục, tỉnh đã cho thay đổi ban chủ nhiệm HTX, kỷ luật nhiều cán bộ có liên quan vì buông lỏng trong khâu quản lý.

Ngày 12.7, trao đổi với phóng viên Dân Việt về vụ việc “sò tặc” lộng hành ở bãi bồi xã Lâm Hải, Phó Trưởng Công an huyện Năm Căn Phạm Thanh Tuấn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng công an huyện đang khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc. Để đảm bảo tình hình trật tự ở khu vực nuôi sò huyết trên địa bàn huyện trong thời gian tới, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể kiên quyết không để xảy ra tình trạng tương tự...

Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan vào cuộc điều tra, xác minh các đối tượng cầm đầu để có hướng xử lý theo pháp luật. Nguyên nhân vấn nạn cướp nghêu, sò thường xuyên tái diễn ở các tỉnh ven biển một phần là do khâu quản lý, tổ chức vùng nuôi, nguồn lợi ven biển chưa được quản lý khai thác chặt chẽ. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng xấu trà trộn vào đám đông khai thác trái phép...

“UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ về quy trình tổ chức vùng nuôi, việc mời gọi đầu tư, các đối tượng nuôi. Tập trung cụ thể vào 2 vấn đề chính: Việc tổ chức đối tượng nuôi phải lựa chọn người có năng lực, có kinh nghiệm, kỹ thuật cụ thể là những doanh nghiệp có tiềm năng. Cùng với đó phải kết hợp huy động dân nghèo ở địa phương, tạo việc làm cho họ, cùng nhau khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thứ hai việc triển khai nuôi phải được bảo vệ, quản lý chặt chẽ, hoàn thiện quy trình quản lý nuôi ngay từ đầu” – ông Sử nhấn mạnh.


Related news

phat-len-nho-nuoi-ca-ngua-tren-bien Phất lên nhờ nuôi cá… ngheu-chet-o-can-gio-moi-mon-cho-cau-tra-loi-thoa-dang Nghêu chết ở Cần Giờ…