Mô hình kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long Xuất Khẩu Lúa Gạo Qua Đường Tiểu Ngạch Tiềm Ẩn Nhiều Rủi Ro

Đồng Bằng Sông Cửu Long Xuất Khẩu Lúa Gạo Qua Đường Tiểu Ngạch Tiềm Ẩn Nhiều Rủi Ro

Publish date Friday. August 8th, 2014

Gần một tháng qua, dọc sông Hậu thuộc các tỉnh, thành Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… hoạt động thu mua lúa gạo nhộn nhịp “khác thường”. Theo nhiều doanh nghiệp và các thương lái bản địa, đang có một nhóm thương lái là người miền Bắc dẫn theo một số người Trung Quốc vào đây thu gom lúa gạo để xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch làm xáo trộn thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Xáo trộn thị trường

Địa bàn diễn ra thu gom lúa gạo nhộn nhịp nhất là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, đoạn dọc sông Hậu. Hầu hết các ghe thuyền từ khắp nơi tập kết về Cảng Mỹ Thới (An Giang). Theo Ban Quản lý Xí nghiệp Cảng Mỹ Thới, thời gian gần đây, số lượng các ghe lớn, đặc biệt từ các tỉnh ngoài đăng ký cập cảng tăng gần gấp đôi…

Ông Võ Thanh Phong – một trong những thương lái “gạo cội” ở vùng Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp cũng cảm thấy bất ngờ khi khoảng một tháng nay, dọc sông Hậu hoạt động mua bán lúa gạo tấp nập, đặc biệt nhiều thương lái từ miền Bắc có cả người Trung Quốc đến vùng này thu gom lúa, gạo.

Họ chỉ nhắm vào các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa như các nhà máy xay xát và thương thảo trực tiếp với các thương lái, không thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Các chủ cơ sở xay xát trực tiếp liên hệ với các thương lái mua lúa với giá cao và số lượng lớn hơn so với các mối công ty xuất khẩu trên địa bàn.

Ông Phan Công Thương, thương lái ở An Giang, nhận định: Cách mua bán cũng như hợp đồng và chọn lựa gạo khá dễ dãi, như gạo 5% tấm, thương lái sẵn sàng mua với giá 10.500 đồng/kg trong khi đó giá thị trường là 9.500 đồng/kg, thậm chí 11.000 đồng/kg họ cũng mua, và chỉ tập trung vào thu gom các loại gạo dạng trung bình và vừa như thơm nhẹ và IR50404.

Người dân vui mừng khi giá lúa, gạo tăng cao trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lại lo lắng. Theo giám đốc một công ty xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ, trong khi lượng gạo xuất qua đường chính ngạch trung bình từ 300.000 - 700.000 tấn/tháng, thì lượng gạo xuất tiểu ngạch các thương lái đến các tỉnh miền Tây thu mua để xuất sang Trung Quốc ước tính lên đến trên dưới 1.000.000 tấn/tháng.

Từ đó, việc quản lý điều hành xuất khẩu của Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc các thương lái này đẩy giá gạo lên cao sẽ làm xáo trộn về giá cả thị trường, trên thực tế thời gian qua chúng tôi đã gặp không ít khó khăn về tình trạng này…

Ở Đồng Tháp, theo tìm hiểu của chúng tôi các ngành quản lý của tỉnh này cũng đã nghe nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình trạng thương lái thu gom lúa gạo ồ ạt. Một doanh nghiệp ở Đồng Tháp thông tin, thương lái có cả người Trung Quốc đến tận các cơ sở xay xát, hay các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa đặt hàng với số lượng lớn từ 10.000 – 20.000 tấn, thời gian giao hàng tùy hợp đồng có khi giao trong vòng 2 hoặc 3 tháng.

Do hoạt động không bình thường của một số thương lái trên mà giá lúa ở vùng này tăng cao, như lúa tươi IR50404 từ 4.600 – 4.800 đồng/kg, lúa dài thường 5.000 – 5.400 đồng/kg, bình quân tăng từ 200 – 500 đồng/kg.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Qua tìm hiểu, hầu hết các thương lái ở khu vực này đều cảm thấy cách mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giống như các mặt hàng nông sản mà thương lái Trung Quốc đã làm “làm mưa làm gió” miền Tây thời gian qua, như khoai lang, sương sáo, trái cây…

Tuy nhiên, trong thời buổi mà lúa gạo Việt Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL đang dư thừa, giá cả lại thấp, thì dại gì mà không chịu bán giá cao, người nông dân có lời nhiều. Còn về việc làm xáo trộn thị trường xuất khẩu lúa gạo hay hậu quả nào khác thì lúc đó Nhà nước phải ra tay thôi - anh Lê Thanh Thắng, chủ doanh nghiệp xay xát lúa gạo Thắng Lợi ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ nói thẳng.

Cũng theo anh Thắng, do các thương lái thu gom từ nhiều nơi đến đăng ký xay xát nên nhà máy tăng công suất từ 200 tấn/ngày tăng lên 250-300 tấn/ngày.

Mặc dù Trung Quốc là thị trường khá dễ tính, việc xuất khẩu nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng qua đường tiểu ngạch hay chính ngạch đều rất thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian qua thương lái người Trung Quốc lại tận dụng tối đa hình thức giao dịch qua đường tiểu ngạch.

Cũng giống như khoai lang ở Vĩnh Long, khi thương lái Trung Quốc cần hàng thương lái trong nước đổ xô thu gom, khi bên kia ngưng đột ngột hàng hóa tồn đọng không biết xuất đi đâu. Ngoài ra, kiểu giao dịch miệng, hợp đồng thì lỏng lẻo, nên phần thiệt thòi, rủi ro người dân chúng ta phải gánh chịu.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thực trạng trên cho thấy, nông thôn miền Tây vẫn đang thiếu một kênh thu mua nông sản chính thức, năng động và ổn định; còn phải qua nhiều trung gian, mất nhiều chi phí nên các “tay buôn ngoại” và “lái trung gian” dễ lợi dụng tâm lý cả tin, hám lợi, dễ chấp nhận may rủi của người dân để “làm mưa, làm gió”.

Bài học rút ra từ các vụ thương lái ngoại thao túng thị trường nội là từng địa phương cần xác định những mặt hàng nông sản chủ yếu và lĩnh vực quản lý cần phải tăng cường, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kiên quyết xử lý các hoạt động thu gom nông sản trái phép.

Bên cạnh việc tăng cường xử phạt hành chính, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo ra nhiều thị trường tiêu thụ để không lệ thuộc vào thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệp, thương nhân trong nước phải đủ mạnh, nông dân không chỉ biết làm nông nghiệp mà còn phải có kiến thức, hiểu biết pháp luật và kinh doanh - thương mại.

Đó là cách thức cơ bản lâu dài, vừa tạo điều kiện cho thương nhân ngoại làm ăn chân chính, vừa phát huy vai trò của thương lái trong nền kinh tế thị trường và bảo vệ được lợi ích nông dân, bảo vệ uy tín, chất lượng của nông sản Việt.


Related news

thi-tran-cam-duc-khanh-hoa-thiet-hai-mi-vi-nang-han-va-sung-dat Thị Trấn Cam Đức (Khánh… nghien-cuu-can-doi-dinh-duong-va-co-cau-canh-tac-vung-trong-bap-lai Nghiên Cứu Cân Đối Dinh…