Tin nông nghiệp Đông Nam bộ tăng mạnh lúa đông xuân 2021-2022

Đông Nam bộ tăng mạnh lúa đông xuân 2021-2022

Author Bảo Thắng, publish date Friday. October 1st, 2021

Do khả năng xâm nhập mặn không gay gắt, các tỉnh Nam bộ tăng tổng diện tích lúa đông xuân thêm khoảng 2.000 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng lúa đông xuân Nam bộ được dự báo giảm khoảng 11.000 tấn. 

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, trạng thái trung tính đang chuyển dần sang La Nina, với xác suất kéo dài hết năm 2021 là khoảng 70%.

Đây là cơ sở để toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1,6 triệu ha lúa đông xuân 2021-2022, tăng 2.000 ha so với vụ năm ngoái. Tổng sản lượng toàn vùng khoảng 11,438 triệu tấn lúa, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 10,962 triệu tấn.

Tăng chủ yếu là vùng Đông Nam bộ, với diện tích tăng thêm 1.500 ha (tương đương gần 2%). Cục Trồng trọt dự kiến, khu vực này tăng sản lượng khoảng 15.000 tấn so với vụ đông xuân 2020-2021.

Với vựa lúa chính ĐBSCL, tổng diện tích gieo sạ là 1,52 triệu ha, tăng 400 ha so với vụ trước. Tuy nhiên, do khả năng xâm nhập mặn cao hơn năm trước, sản lượng dự kiến giảm khoảng 26.000 tấn. 

Giảm nhiều nhất là Bến Tre. Do chịu ảnh hưởng của cả khô hạn lẫn xâm nhập mặn, tỉnh không gieo sạ vụ đông xuân, với khoảng 11.000 ha. Thay vào đó, tỉnh ĐBSCL này chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp.

Vụ đông xuân năm nay, vùng ven biển ĐBSCL cách biển 20-30 km được dự báo chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Ngoài ra, vùng phù sa ngọt cách biển từ 30-70 km cũng có thể chịu ảnh hưởng, nếu xâm nhập mặn sớm, sâu và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao. Riêng Đồng Tháp mười và một phần tứ giác Long Xuyên gần như sẽ không chịu ảnh hưởng.

Về thời gian xuống giống, Cục Trồng trọt khuyến cáo, vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn tại ĐBSCL nên xuống giống sớm, từ 10-30/10. Những nơi còn lại sẽ rải vụ, xuống giống thành hai đợt, từ 1-30/11 và 1-31/12. Trong đó, xuống giống đợt 1 vào khoảng 700.000 ha, đợt 2 là 400.000 ha.

Với Đông Nam bộ, 20.000 ha lúa sẽ xuống giống sớm, từ tháng 10 đến đầu tháng 11. Trà chính vụ xuống giống từ đầu tháng 11 đến tháng 12, trên diện tích 35.000 ha. Trà muộn xuống giống cuối tháng 12 đến đầu tháng 1/2022, trên 25.000 ha.

Xuống giống lúa đông xuân trong tháng 10 sẽ bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa, thường cho năng suất không cao, nhưng đảm bảo được tiến độ thu hoạch ở vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Ngược lại, trà lúa muộn sẽ thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 sang năm, vào thời kỳ khô, nắng, cho chất lượng ổn định, nhưng chỉ phù hợp với vùng đảm bảo được nguồn nước. Cục Trồng trọt lưu ý, trà muộn vụ đông xuân phải xuống giống trước ngày 10/1/2022.

Về cơ cấu giống, vùng cách biển từ 20-30 km sẽ ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (90 ngày). Các vùng còn lại ưu tiên giống cho năng suất, chất lượng. Cụ thể, những giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như OM18, OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM7347, Nàng Hoa 9 chiếm tỷ lệ khoảng 60%. 

Nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản như VD20, ST24, ST25, RVT, nếp IR4625, nếp Bè... chiếm tỉ lệ 30%. Những giống đặc thù, dùng cho chế biến, hoặc phù hợp tập quán canh tác chỉ chiếm 10%.

Về vật tư đầu vào, tổng nhu cầu ít biến động so với năm ngoái, và chỉ có thể tăng cục bộ, vào một số thời điểm. Trong đó, Cục Trồng trọt đề nghị địa phương quan tâm đến đợt xuống giống đầu tiên trong tháng 10. Cục tính toán, rằng trà lúa này cần khoảng 30.000-35.000 tấn giống, 30.000-36.000 tấn ure, 27.000-32.000 tấn phân DAP, 10.000-12.500 tấn kali.

Do nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ giãn cách xã hội từ tháng 7 đến nay, việc sản xuất, thu hoạch lúa đông xuân sẽ khó khăn. Vì vậy, Cục Trồng trọt khuyên địa phương sớm thống kê diện tích xuống giống, cơ cấu giống lúa và ước thời gian thu hoạch. Cục sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp và thông tin đến Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp trước thu hoạch 30 ngày, để xây dựng kế hoạch tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vừa phục vụ cho tiêu thụ nội địa, vừa đảm bảo xuất khẩu.

Về kỹ thuật canh tác, người dân cần làm đất bằng phẳng, có hệ thống rãnh thoát nước (sâu: 20cm; rộng: 20-25 cm), khoảng cách giữa các rãnh từ 7-10m. Sau đó, xử lý triệt để rơm rạ vụ thu đông, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa đông xuân.

Để tiết kiệm lúa giống, chi phí phân bón và hạ giá thành, Cục Trồng trọt đề nghị mật độ sạ từ 80-100 kg lúa giống trên một ha. Ngoài ra, bà con cần bón theo nhu cầu của cây, bón cân đối đạm, lân và kali, tránh thừa đạm. Trong tình huống gặp hạn mặn cuối vụ, nông dân nên bơm nước vào ruộng lúc nước ở ngoài sông thấp, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, nông dân có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 0,2%), hoặc dùng nước ngọt tưới phun lá.

Đối với cây ăn quả, người dân chủ động sử dụng nguồn vật liệu hữu cơ tại chỗ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. 

Với nước tưới, Cục Trồng trọt cảnh báo, không tưới nước có độ mặn hơn 0,1%. Với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,05%. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt, đồng thời kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới.

Nếu bị nhiễm mặn, bà con bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây. Trong thời gian chịu mặn, hạn hán, người dân không rải vụ, trồng mới.

Về tổ chức sản xuất, các tỉnh Nam bộ tuyệt đối tuân thủ thời vụ theo khuyến cáo, xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Từng địa phương có kế hoạch xuống giống trong khung thời vụ chung của Cục Trồng trọt, trong đó lưu ý thông báo rầy di trú tại chỗ của ngành bảo vệ thực vật.

Trong thời gian tới, nhiều tỉnh Nam bộ còn giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Do đó, địa phương cần có kế hoạch để người lao động trong vùng nguy cơ dịch bệnh Covid - 19 có thể chăm sóc, thu hoạch vườn cây. Các phương án triển khai thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ trái cây cũng cần lập cụ thể đối với vùng bị cách ly, phong tỏa.

Trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua, vận chuyển trái cây, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh Nam bộ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, thu mua bảo quản, chế biến trái cây như hệ thống kho lạnh, cấp đông, chế biến các sản phẩm từ trái cây.

Với các cây ăn quả, khu vực Nam bộ cần đôn đốc, hỗ trợ, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tỉnh đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong nội tỉnh và ngoại tỉnh, bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử…

Với cây công nghiệp, các tỉnh không mở rộng diện tích hồ tiêu, không trồng tái canh hồ tiêu đối với diện tích già cỗi, đất không phù hợp hoặc đã bị nhiễm nặng sâu bệnh. Người sản xuất tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng; đồng thời tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất; tăng cường sản xuất có chứng nhận VietGAP, Globald GAP, UTZ, 4C, Rainforest...


Related news

nhung-sang-kien-huu-ich-trong-nganh-cao-su Những sáng kiến hữu ích… giong-lua-lai-mv2-trong-vu-nao-nang-suat-cung-cao Giống lúa lai MV2 -…