Mô hình kinh tế Đột phá thanh long

Đột phá thanh long

Publish date Monday. April 13th, 2015

Trong buổi làm việc mới đây với Bình Thuận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất quan tâm đến cây thanh long và nhắc lại nhiều lần là trong thời buổi mở cửa hội nhập sâu rộng và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, thì tìm cho được một vài sản phẩm có lợi thế so sánh cao như cây thanh long là hết sức quý báu đối với địa phương. Nếu là sản phẩm lợi thế thì phải có chương trình, kế hoạch phát triển một cách bài bản để nó dần trở thành “xương sống” của kinh tế một ngành, một địa phương.

Nhìn lại, bên cạnh mặt được của sản phẩm lợi thế này, có thể thấy tình hình phát triển cây thanh long trên địa bàn tỉnh vừa qua còn tự phát, chưa thật sự bài bản. Đó là mức tăng diện tích không phù hợp giữa quy hoạch và thực tế, từ đó phát sinh mâu thuẫn giữa các nhà quản lý với người sản xuất, một bên muốn hạn chế tăng diện tích với một bên muốn tăng nhanh diện tích do lợi nhuận đem lại. Mâu thuẫn giữa ngành điện do lượng điện cung cấp không đủ với nhu cầu chong điện trái vụ của người dân ngày càng cao.

Mâu thuẫn giữa việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm để giữ thương hiệu với việc sản xuất đại trà dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng do giá bán không có sự chênh lệch nhau là mấy. Mâu thuẫn giữa việc duy trì sự phát triển sinh trưởng tự nhiên của cây thanh long với việc khai thác quá mức làm cho cây kiệt quệ, khả năng đề kháng yếu dẫn đến phát sinh bệnh, có những thời điểm như mùa mưa 2014 có gần ½ tổng diện tích thanh long bị bệnh đốm nâu…

Như vậy để sản phẩm lợi thế thanh long cùng một số sản phẩm khác trở thành “xương sống” kinh tế của tỉnh và của ngành trồng cây ăn quả cả nước thì cần phải giải quyết cho được những mâu thuẫn trên. Một số nhà quản lý và khoa học cho rằng cần phải có sự đột phá về khoa học công nghệ thì cây thanh long Bình Thuận mới thực sự phát triển bền vững và bài bản.

Ý tưởng về việc thành lập một viện nghiên cứu về thanh long tại Bình Thuận không phải không có lý. Khi có viện nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ giúp tỉnh về các lĩnh vực như lai tạo giống bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật để tránh sâu bệnh như cách dâm cành hiện nay, về cách chăm sóc cho cây thanh long phát triển tốt, phòng trừ sâu bệnh, về tiết kiệm chi phí khi bón phân, tưới nước, chong đèn và cả về công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, thậm chí có thể giúp cả về tiêu thụ, mở rộng thị trường…

Khi sản phẩm có sức cạnh tranh cao, thì cũng tất yếu sẽ có thị trường. Lúc bấy giờ thanh long không sợ ế, thì việc gì phải hạn chế diện tích như hiện nay? Ngay thời điểm hiện tại, cùng một diện tích người trồng thanh long có thể thu nhập gấp 5 - 10 lần trồng lúa, thì không lẽ gì cứ bắt người nông dân không được trồng thanh long mà phải trồng lúa để bảo đảm “an toàn lương thực” quốc gia!

Trong khi một thực tế là hiện nay ở vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long, dù được thiên nhiên ưu đãi, người trồng lúa vẫn thua thiệt, vẫn là vùng nghèo có thu nhập thấp, hàng năm Chính phủ phải mua lúa tạm trữ để phần nào bảo đảm giá không xuống quá thấp cho nông dân.

Đã xác định thanh long là sản phẩm lợi thế, có sức cạnh tranh cao của Bình Thuận thì hãy đầu tư mạnh hơn, nhất là khoa học công nghệ để tạo ra sự đột phá cả về diện tích, năng suất, chất lượng, sơ chế bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Lúc bấy giờ Bình Thuận sẽ là vương quốc của thanh long và thanh long chính là “xương sống” của ngành trồng trọt tỉnh nhà.


Related news

anh-doan-van-tam-xu-ly-sau-rieng-nghich-vu-mang-lai-loi-nhuan-cao Anh Đoàn Văn Tâm xử… mot-so-kinh-nghiem-trong-san-xuat-va-xu-ly-ra-hoa-tren-xoai-cat-hoa-loc Một số kinh nghiệm trong…