Tin nông nghiệp Đưa công nghệ số vào hợp tác xã

Đưa công nghệ số vào hợp tác xã

Author San Nguyễn, publish date Monday. February 27th, 2017

Tập hợp những người trẻ yêu nông nghiệp, có trình độ, hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp số thuộc Liên minh HTX Việt Nam đang được kỳ vọng là lực lượng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, giá trị cao.

Trong ảnh:  Truy xuất được nguồn gốc nông sản sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm. Ảnh: S.N

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ

Theo ông Nguyễn Đình Tĩnh – Giám đốc điều hành của HTX Nông nghiệp số, HTX Nông nghiệp số là HTX về ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam, với 100% thành viên trình độ từ đại học trở lên (trong đó có 2 tiến sĩ và 6 thạc sĩ), là tâm huyết của những người yêu nông nghiệp.

HTX ra đời sẽ giải quyết 2 bài toán cho HTX, đó là sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng việc ứng dụng công nghệ cao. HTX Nông nghiệp số sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất minh bạch hóa nguồn gốc, xây dựng tính pháp lý trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, HTX sẽ tạo ra 1 kênh cung cấp thông tin từ quá trình sản xuất đến khi ra sản phẩm cho các HTX, hộ nông dân, các kênh bán lẻ của Hà Nội có thể vào đây lựa chọn sản phẩm, thay vì người sản xuất phải mang đi giới thiệu.

“Chúng tôi vừa ký hợp tác với hộ sản xuất, tổ hợp tác (THT), HTX, Hội ND huyện Cao Phong, cùng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp như: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khảo sát môi trường cho sản xuất; thiết lập bản đồ số cho các THT, HTX, tổ hội nông dân trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi; tư vấn hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho huyện Cao Phong” – ông Tĩnh cho hay.

Huyện Cao Phong (Hòa Bình) có 13 đơn vị hành chính trực thuộc và 12 xã, toàn huyện có trên 1.300 hộ sản xuất cam quả, 50 hộ kinh doanh dọc Quốc lộ 6 và một xã. Niên vụ 2016 – 2017, diện tích cam toàn huyện đạt trên 900ha, sản lượng ước 23.000 tấn, thời vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 6 năm sau. Các giống cam chính trên địa bàn là cam lòng vàng, Xã Đoài cao, Xã Đoài lùn, Valencia, cam Canh và quýt Ôn Châu.

“Việc nhận diện sản phẩm cam Cao Phong so với các loại cam khác rất khó, nhất là về mặt ngoại hình, các thương nhân còn nhầm lẫn các loại cam, giá cả thị trường chưa thống nhất đối với cùng một chủng loại, việc in ấn tem, bao bì đựng sản phẩm chưa được triển khai thực hiện. Một trở ngại khác cho sản phẩm cam Cao Phong ở thời điểm hiện tại là việc tiêu thụ sản phẩm vẫn phụ thuộc vào tiểu thương. Qua đợt phối hợp này, chúng tôi phấn đấu năm 2017 thành lập 5 - 10 HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn ở Cao Phong” – ông Tĩnh cho hay.

Công nghệ bình dân cho nông dân

Đến năm 2020, HTX Nông nghiệp số hướng tới sẽ xuất khẩu 50 dòng sản phẩm nông sản, xây dựng 100 cửa hàng nông sản. Trở thành HTX về CNNT số 1 trong nền kinh tế hợp tác. 

Một trong những mục tiêu của HTX Nông nghiệp số là hỗ trợ cho các HTX ứng dụng CNTT như hệ thống “Truy xuất nguồn gốc nông sản”, ghi chép nhật ký điện tử thông qua chip điện tử, lưu trữ dữ liệu trên Bigdata; xây dựng website; phần mềm ứng dụng và đào tạo ứng dụng CNTT cho các HTX với chi phí giá rẻ, gần như miễn phí.

Theo ông Tĩnh, hiện tại, yêu cầu của người tiêu dùng về minh bạch thông tin đối với các sản phẩm thực phẩm là vô cùng lớn. Nhiều người tiêu dùng vì lo lắng trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường mà đang dần thay đổi thói quen mua sắm và tìm đến những cửa hàng, siêu thị để mua thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, với thực tế là các siêu thị, cửa hàng hiện chỉ mới chiếm 25%, còn lại là các chợ dân sinh với lượng hàng hoá chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn chất lượng thì đây thực sự là cuộc chiến không cân sức giữa thực phẩm an toàn và không an toàn. Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… nhưng vẫn chưa đủ cho chuẩn mực chất lượng.

Trong khí đó, khái niệm “truy xuất nguồn gốc” vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, truy xuất nguồn gốc được biết đến như là giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Đó là hệ thống truy nguyên nguồn gốc sản phẩm cho phép người tiêu dùng trực tiếp tìm hiểu thông tin đầy đủ về nhóm hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Bên cạnh đó, còn cho phép người dùng rà soát thông tin từng công đoạn trong quy trình chế biến và phân phối sản phẩm. Ở các nước châu Âu, Nhật Bản hay Thái Lan rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc. Ở châu Âu, từ năm 2005, EU xác định truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã đưa ra chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí. Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho nông dân Thái Lan.

“Chúng tôi đang tập trung hỗ trợ miễn phí cho các HTX về hệ thống ghi chép nhật ký đầu vào, nhật ký canh tác bằng quẹt thẻ; giám sát nhật ký, nhân công qua hình ảnh, tự động in tem truy xuất tại ruộng; truyền dữ liệu qua wifi; đầu nhận dạng không dây; in không cần máy vi tính. Hướng tới công nghệ bình dân cho người nông dân nhưng vẫn đạt được hiệu quả tối ưu nhất. TS Trần Hồng Quang - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp số đang thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống kết nối internet vạn vật- IoT truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế. Cao Phong sẽ là huyện đầu tiên được ứng dụng truy xuất nguồn gốc tiêu chuẩn quốc tế khi đề tài hoàn thành” – ông Tĩnh chia sẻ.


Related news

du-an-nong-nghiep-cong-nghe-cao-3-000-ty-dong-tai-thai-binh Dự án nông nghiệp công… lua-giam-nang-suat-gia-tang-cao Lúa giảm năng suất, giá…