Đua Nhau Chặt Cà Phê Trồng Tiêu
Nắng tháng năm trên vùng đất Tây Nguyên dường như nóng hơn bởi cơn sốt chặt bỏ hàng trăm ha cà phê, thậm chí nhổ tung cả vườn đang thu hoạch để thay thế bằng hồ tiêu của nhiều hộ dân.
Hồ tiêu lên ngôi
Giá tiêu đang ở mức cao, lãi 2/3 sau thu hoạch đang tạo sức hút khiến nhiều người dân ở các tỉnh Tây Nguyên bất chấp thổ nhưỡng, chất đất có phù hợp hay không, họ tìm đủ mọi cách để mở rộng vườn hồ tiêu của mình.
Có mặt tại vùng trọng điểm hồ tiêu như: Huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ðác Ðoa, Chư Prông (tỉnh Gia Lai); Cư Kuin, Ea H’Leo, Krông Buk, Krông Năng, Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk); Cư Jút, Đắk Song, Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông)… chứng kiến hàng trăm hộ dân trồng tiêu phất lên thành tỷ phú một cách nhanh chóng chỉ sau một vụ thu hoạch. Cũng chính điều này đã khiến nhiều nông dân khác đua nhau mở rộng diện tích, nhiều hộ sẵn sàng chặt bỏ cả héc ta cà phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Trần Văn Tiến ở thôn 25, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 3 sào hồ tiêu đang cho thu hoạch, với hơn 300 trụ tiêu, năng suất bình quân đạt 5 tạ/sào. Không những được mùa mà giá tiêu vụ này cũng luôn ở mức cao (gần 130.000 đồng/kg) nên sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình còn thu lãi gần 170 triệu đồng”.
Chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Song ở thôn 7, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin cũng cởi mở chia sẻ: “Hơn 7 sào tiêu cũng đã cho thu hoạch với năng suất cao, dự kiến sản lượng tiêu của gia đình đạt khoảng 3,8 tấn. Vừa được mùa, lại trúng giá nên năm nay gia đình tôi cũng thu được số tiền cả trăm triệu đồng từ vườn tiêu”. Còn ông Trương Văn Khánh ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) từ đầu năm đến nay đã phá gần 1 héc ta cà phê, tính cả cuối năm ngoái diện tích cà phê ông chặt bỏ đã hơn 1 héc ta để thay thế bằng cây hồ tiêu.
Ông Khánh cho biết trồng tiêu lãi hơn cà phê rất nhiều. Giờ giá cà phê chẳng lên được bao nhiêu, chi phí lại cao, bán được giá may ra lãi chỉ được ¼, phần lớn nông dân trồng cà phê lấy công làm lãi. Còn tiêu dù có rớt giá thì bán vẫn lời, không có chuyện ế hạt tiêu bán không được như cà phê. Vì vậy, không chỉ riêng hộ ông Khánh, hàng chục hộ dân ở đây cũng đã thẳng tay phá bỏ vườn, đào tung gốc cà phê để trồng tiêu. Nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát để trồng thêm mấy trụ tiêu.
Tiêu chết, giá rớt... vẫn trồng
Việc nông dân ồ ạt phá cà phê để đầu tư trồng tiêu đang diễn ra tràn lan sẽ là một rủi ro rất lớn cho nông dân nếu hồ tiêu bị nhiễm bệnh, hoặc thị trường hồ tiêu biến động rớt giá. Và rủi ro đó đang xảy ra, khi tiêu chết hàng loạt, giá tiêu đang đi xuống.
Ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn 2A, xã Ea HLeo, huyện Ea HLeo (Đắk Lắk) có vườn tiêu hơn 2.000 trụ, hàng năm thu khoảng 10 tấn hạt. Thế nhưng mấy tháng nay, hơn ¾ vườn tiêu của ông bỗng dưng héo lá rồi chết khô dần. Tính cả thiệt hại do giảm sản lượng, ông Sơn đã đi tong khoảng gần 2 tỷ đồng tiền công đầu tư cứu vườn tiêu. “Nhìn vườn tiêu chết hết mà muốn khóc. Công sức gần 10 năm nay giờ xuống sông xuống bể. Nhưng giờ không trồng tiêu thì trồng cây gì giờ đây, trồng lại cà phê thì càng không thể” - ông Sơn đắng lòng chia sẻ khi gặp chúng tôi.
Thiệt hại nặng nề nhất ở vùng Ea HLeo này phải nhắc đến ông Nguyễn Thanh Hải. Là người đầu tiên nhân giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho hàng trăm hộ dân quanh vùng, nhưng giờ ông Hải cũng bất lực đứng nhìn vườn tiêu nhà mình đang dần chết trụi. Hơn 4.500 trụ tiêu của ông giờ chỉ còn phân nửa và mỗi ngày con số ấy cứ tăng thêm. Nhìn vườn tiêu, ông Hải như “đứt từng khúc ruột”.
“Dự tính năm nay tôi thu được 20 tấn hạt nhưng giờ không được một nửa. Chỉ tính sơ sơ, năm nay tôi đã mất hơn chục tỷ đồng để đầu tư cứu vườn tiêu nhưng giờ chú thấy đó, cây chết ngày càng nhiều”, ông Hải bộc bạch. Khi được chúng tôi hỏi ông sẽ tiếp tục trồng tiêu, ông Hải không ngần ngại cho biết, dù trồng tiêu rủi ro cao hơn cà phê nhưng vẫn chấp nhận vì tiêu dễ trồng, cho thu nhập cao dẫu giá cả có bấp bênh.
Vỡ quy hoạch
Ông Lê Sỹ Quý, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, khi quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ thì đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, kéo theo những rủi ro. Nếu không kiểm soát hết các cung đoạn đầu tư SX từ cây giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản thì chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ không đạt được phẩm cấp mà thị trường đòi hỏi.
Mặt khác, khi mọi người đua nhau trồng tiêu, điều tất yếu cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn sự rửa trôi của đất.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, trong quy hoạch của tỉnh diện tích cây hồ tiêu chỉ ở mức 5.000 ha, nhưng hiện đã phát triển lên hơn 6.000 ha. Diện tích tiêu chủ yếu tăng đột biến trong thời gian một đến hai năm gần đây, khi giá tiêu không ngừng tăng cao. “Giá tiêu đang cao thì người nông dân không ngừng mở rộng diện tích là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi diện tích bị phá vỡ quy hoạch đồng nghĩa với rủi ro sẽ xuất hiện như rớt giá, sản phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng… và thiệt thòi vẫn chính là người nông dân”, ông Phan Hùng Cường, Phó phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, tình trạng nông dân tự phát tăng diện tích một số loại cây trồng là điều rất đáng lo ngại bởi dễ dẫn đến thiệt hại không chỉ cho bà con mà cho cả DN.
Ngành chức năng đã khuyến cáo các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bà con dừng mở rộng diện tích cây trồng không theo quy hoạch, thay vào đó là tập trung thâm canh tăng năng suất từng loại cây trồng ổn định. Nhưng việc này trở nên khó khăn như “mò kim đáy bể” bởi tập quán của nông dân khó mà thay đổi, họ thấy cái lợi trước mắt là họ làm.
Còn ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết: “Tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù đất đai vùng này đã khan hiếm, nhưng hàng nghìn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu bằng việc chuyển đổi đất cà phê sang trồng tiêu với trung bình mỗi hộ từ vài trăm đến vài nghìn gốc. Ðối với các huyện còn nhiều đất trống như Chư Prông, Ðác Ðoa, Mang Yang...người dân đổ xô trồng tiêu ước tính diện tích tăng lên đến hàng trăm ha mỗi năm. Với những địa bàn không còn diện tích đất trống thì nông dân đã phá dần vườn cà phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu. Với năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha, giá 130 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi hơn 2/3 thì không ai mà không ham”.
+ Băm nát rừng, kiếm trụ tiêu
Nhiều hộ trồng tiêu cho biết với lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/ha, hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng cà phê hay bất kỳ các loại cây nào khác. Vì thế thật dễ hiểu khi nông dân đua nhau trồng tiêu. Ngày trước họ tạo trụ bằng cây sống mang tính chiến lược lâu dài, nhưng nay trụ sống cần rất nhiều thời gian, trụ xi măng lại không mấy hiệu quả, nên người dân đổ xô nhau vào rừng chặt cây làm trụ tiêu. Cây lớn cây bé đều bị hạ một cách không thương tiếc, hàng chục ha rừng ở Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo (Đắk Lắk) đã bị tàn phá.
+ Không thể cấm dân!
“Chỉ có khuyến cáo chứ không thể có văn bản chỉ đạo cấm nông dân trồng cây này, cấm chặt cây nọ được”, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao