Mô hình kinh tế Dựa vào dân để phát triển rừng

Dựa vào dân để phát triển rừng

Publish date Monday. October 5th, 2015

Rừng dựa vào dân

Thuận Châu là một trong những huyện vùng cao nghèo khó của tỉnh Sơn La.

Cư dân ở đây chủ yếu là đông bào Thái, Mông, Khơ Mú, La Ha... với trình độ dân trí và mức sống còn nhiều hạn chế.

Nhưng những năm gần đây, vốn rừng của huyện Thuận Châu đang ngày một giàu lên cả về diện tích và chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Bừng  lý giải: Tại địa bàn này, chúng tôi có 2 hạt kiểm lâm; trong đó một hạt kiểm lâm rừng đặc dụng.

Để  nắm tốt địa bàn, tham mưu đắc lực cho chính quyền trong công tác bảo vệ rừng, kiểm lâm phải lăn xả vào công việc dù phương tiện và nhân lực đều thiếu.

Mục tiêu số một của chúng tôi là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác dụng của rừng và trách nhiệm bảo vệ rừng.

Khi người dân đã hiểu rõ thêm về lợi ích do rừng mang lại, hiểu về trách nhiệm của chủ rừng thì sẽ tham gia tích cực. Nhờ vậy hiệu quả bảo vệ và phát triển vốn rừng ngày một hiệu quả hơn.

 

Ông Lường Văn Hợp chọn cây giống sơn tra để trồng giặm cho vườn của gia đình.

Đến với các xã, bản trong huyện, mới thấy đúng là rừng ở Thuận Châu đang có nhiều thay đổi, sắc xanh ngày một phủ rộng hơn và quan trọng là có nhiều loại cây bản địa cho quả hay vòng sinh trường ngắn như:

Táo mèo (sơn tra), tre, gỗ xoan đào... để tạo thu nhập cho người trồng rừng trong quá trình tích lũy vốn rừng.

Có hàng trăm hộ dân đã trở thành những điển hình về trồng và bảo vệ vốn rừng của huyện; trong đó có lão nông Lường Văn Hợp (ở bản Nông Cốc, xã Long Hẹ) có tới 149ha rừng trồng đã hơn 10 năm tuổi.

Đến nhà ông Hợp, thấy cuộc sống của ông khá sung túc. Ông bảo: Người Long Hẹ vốn sống dựa vào rừng trong bao đời qua, chỉ biết khai thác rừng để sống.

Nhưng bây giờ thì người dân Long Hẹ không phá rừng làm nương bừa bãi, không khai thác lãng phí vốn rừng mà còn quay trở lại trồng rừng. Cả 5 xã ở đây: Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám, É Tòng, Mường É thì dân đều trồng rừng và giữ rừng rất tốt.

Con chim, con thú cũng đã về nhiều hơn…

Khi dân chúng tôi đã hiểu giá trị của rừng thì sẽ giữ rừng rất tốt đấy.

Động lực trồng rừng

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thuận Châu – ông Nguyễn Văn Bừng cho hay

: “Sau hơn một thập kỷ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên vùng cao Long Hẹ, gia đình ông Lường Văn Hợp đã có 149ha rừng thông và cây táo mèo, thu hàng tỷ đồng/năm.

Ông Hợp đã trở thành tấm gương trồng, bảo vệ rừng để nhiều người dân học và làm theo”.

Ông Hợp kể: Năm 2003 tôi mới bắt tay vào trồng rừng theo chủ trương của tỉnh, của huyện.

Lúc đầu gian nan lắm, chỉ dám nhận vài ba ha đất rừng mà nhiều người đã nghĩ mình hâm. Nhưng tôi tin vào đường lối của trên, lại nghĩ mình là đảng viên nên phải gương mẫu, vậy là ngày đêm trồng rừng. Trồng hết đất lại đăng ký nhận thêm.

Có lúc đói, mệt đã nghĩ là dừng lại. Nhưng cứ nhìn cây rừng lên xanh tốt, lại say mê mà trồng tiếp.

Bây giờ thì tôi đã có gần 150ha rừng thông, vừa rồi tôi thử thu hoạch nhựa thông trên một diện tích nhỏ mà đã thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Những vườn sơn tra của tôi cũng bắt đầu cho quả. Sang năm tôi sẽ liên kết với bạn hàng, tổ chức khai thác và tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ hơn thì hiệu quả sẽ rất lớn đấy, nhà báo ạ.

Ông Thào A Nênh (dân bản Hua Ty, xã Long Hẹ), bảo:

Ngày trước trồng rừng cũng chưa có nhiều lợi ích rõ ràng nên người ta trồng rừng chủ yếu là vì niềm tin thôi.

Nhưng bây giờ, việc trồng rừng đã mang lại những ích lợi rất lớn, cả trước mắt và lâu dài nên ai cũng biết yêu rừng, quý rừng và muốn được trồng rừng đấy.

Lại có thêm phí dịch vụ môi trường rừng nên cái nghĩ về rừng trong nông dân cũng khác đi nhiều rồi. Từ đầu năm đến nay, ở xã này không có vụ vi phạm đất rừng nào nữa...”.  


Related news

dung-leu-chong-de-canh-ngo Dựng lều chõng để canh… khoi-sac-nong-thon-moi-xu-nghe Khởi sắc nông thôn mới…