Cá rô phi Dùng cá rô phi để lọc nước cho ao nuôi tôm

Dùng cá rô phi để lọc nước cho ao nuôi tôm

Author Lâm Hà, publish date Wednesday. March 22nd, 2017

Với cơ chế hút thức ăn trong môi trường nước, cá rô phi được mệnh danh là "máy lọc nước sinh học". Do đó, loại cá này được tận dụng thả trong ao lắng, lọc lấy nước sạch để bơm vào bể nuôi tôm.

Trong ảnh: Sử dụng cá rô phi trong cuộc chiến chống lại bệnh EMS trên tôm. Ảnh: Tôm Vàng.

Cá rô phi có thể sống ở cả môi trường nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại thực vật gồm tảo sợi, tảo đơn bào, rong cỏ, mùn bã hữu cơ và một số động vật nhỏ. Điểm đặc biệt của loại cá này là phần mang tiết ra nhiều chất nhầy để bắt các hạt lơ lửng trong nước, tạo thành cục nhầy dính đầy tảo, động vật phù du, thức ăn hữu cơ... làm thức ăn.

Với cơ chế hút thức ăn trong môi trường nước, rô phi được mệnh danh là "máy lọc nước sinh học". Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học đã phát kiến ra biện pháp thả cá rô phi trong ao lắng để nuôi tôm, hay còn gọi là biện pháp nuôi tôm nước xanh. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra nguồn nước sạch cho nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, các điểm nuôi tôm sẽ được thiết kế theo mô hình tuần hoàn gồm: ao nuôi tôm, ao chứa nước thải và ao lắng. Nước bơm trực tiếp từ các nguồn tự nhiên như ao, hồ, sông… sẽ được trữ trong ao lắng. Tại đây, người dân tiến hành thả cá rô phi trong khoảng một tháng. Trong suốt thời gian này, cá không được cho ăn, thay vào đó, chúng sẽ sử dụng nguồn thức ăn là xác tôm, cá, động vật thủy sản chết và các loại tảo có trong nước. Việc làm này giúp tạo ổn định cho môi trường nước, hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài.

Nước sau khi lọc được bơm vào ao nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, người dân bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi định kỳ một lần mỗi tuần. Khi nước ở ao nuôi tôm có dấu hiệu chuyển màu, người nuôi tiến hành bơm nước ra ao thải. Tại đây, nước được lắng cặn một phần rồi cho chảy sang ao lắng thả cá rô phi. Cứ như vậy, nước được tuần hoàn và tái sử dụng, hạn chế việc xả ra môi trường.

Ở nước ta, mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng xuất hiện từ năm 2010 tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu… Phương pháp này giúp cải thiện môi trường ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh; giúp tôm sinh trưởng và phát triển ổn định. Ngoài ra, cá rô phi sau khi nuôi một thời gian có thể cho thu hoạch, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Như vậy, mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng không chỉ giúp tăng năng suất tôm mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế kép cho bà con.


Related news

tien-bo-trong-viec-quan-ly-ca-ro-phi-bo-me Tiến bộ trong việc quản… vai-net-ve-dac-diem-sinh-hoc-sinh-san-ca-ro-phi Vài nét về đặc điểm…