Mô hình kinh tế Đừng Ham Lợi Trước Mắt Mà Gánh Chịu Thiệt Hại Về Sau

Đừng Ham Lợi Trước Mắt Mà Gánh Chịu Thiệt Hại Về Sau

Publish date Thursday. June 28th, 2012

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Phong và nhiều thương lái ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vất vả chạy ngược, chạy xuôi nộp đơn tố cáo các đầu mối thu mua trái thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc giựt tiền. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền bị giựt lên trên 1 tỷ đồng, khiến cho một số thương lái tại chỗ và nông dân trồng thanh long lâm vào cảnh khốn đốn.

Giựt nợ dây chuyền

Ông Nguyễn Văn Phong rầu rĩ cho biết: "Cách nay hơn hai tháng, thương lái Trần Thị Ngọc Loan từ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tìm đến nhà tôi đặt vấn đề thu mua trái thanh long giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ban đầu, bà Loan thu mua và trả tiền sòng phẳng, giá cao hơn thị trường 20% - 30%. Không "câu nệ" quy cách, chất lượng trái. Thấy họ làm ăn có uy tín nên tôi bỏ công tìm đến các vườn thanh long trong vùng thu mua hàng về giao cho bà Loan".

Sau vài chuyến hàng, đột ngột vào một ngày cuối tuần bà Loan yêu cầu ông Phong thu mua giao cho bà số lượng thanh long rất lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc vì thị trường đang hút hàng, giá rất cao. Khi hàng đã đóng lên xe chuyển đi, bà Loan thông báo chưa rút được tiền vì cuối tuần ngân hàng không làm việc, hẹn đầu tuần sau sẽ quay lại thanh toán. Do tin tưởng nên ông Phong vui vẻ cho bà Loan khất nợ số tiền lên đến 210 triệu đồng. Sau đó, bà Loan trốn biệt, không quay lại trả tiền. Khi ông Phong điện thoại đòi tiền, bà Loan cho biết phía Trung Quốc chưa thanh toán tiền nên chưa thể trả cho ông Phong. Giữa lúc bán tín bán nghi chuyện bị giựt nợ, ông Phong càng tá hỏa khi biết trong vùng còn có nhiều thương lái cũng là nạn nhân của bà Loan. Tổng cộng số tiền bà Loan còn nợ các thương lái cung ứng thanh long lên đến gần 700 triệu đồng.

Quá bức xúc, ông Phong cùng những thương lái khác thuê xe ra tận xã Hàm Minh tìm bà Loan đòi nợ. Tại đây, bà Loan tiếp tục cho biết chưa lấy được tiền từ phía Trung Quốc nên chưa thể trả tiền cho ông Phong và những người khác, sau đó tìm cách tránh mặt. Khi ông Phong và các nạn nhân của bà Loan nộp đơn tố cáo chuyện bà Loan giựt tiền mua thanh long ở Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì được nơi đây hướng dẫn về địa phương gửi đơn vì sự việc xảy ra ở huyện Chợ Gạo.

Tương tự trường hợp của ông Phong, nhiều ngày qua các thương lái chuyên mua thanh long cung ứng cho một thương lái tên Lý, chủ DNTN Lợi Phong ở tỉnh Bình Thuận vào thuê nhà kho mở điểm thu mua, đóng gói ở ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh (huyện Chợ Gạo) cũng khốn đốn vì ông Lý đã trốn biệt. Hiện tại, nhà kho của ông Lý thuê đóng cửa im ỉm, bên trong chỉ có đống thùng giấy các-tông đầy bụi. Một người dân sống cạnh nhà kho của ông Lý cho biết số tiền nợ thu mua thanh long của ông này không dưới 500 triệu đồng. Lúc đầu những người đòi nợ gọi điện thoại ông Lý còn trả lời do chưa thu được tiền từ phía Trung Quốc nên chưa thể trả nợ, nhưng sau dó ông này tắt điện thoại luôn.

Vẫn mất cảnh giác

Vùng chuyên canh cây thanh long của hai tỉnh Tiền Giang, Long An chủ yếu tập trung ở hai huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An), với diện tích khoảng 4.300 ha, sản lượng cho trái hàng năm khoảng hơn 100.000 tấn. Lâu nay khoảng 70 - 80% sản lượng trái thanh long được xuất sang thị trường Trung Quốc nên luôn gánh chịu nhiều tổn thất.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, một thương lái chuyên thu mua thanh long ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, Long An cho biết: "Bán thanh long sang thị trường Trung Quốc rất hồi hộp vì chỉ giao kèo miệng, họ không chịu làm hợp đồng. Nhiều lúc thương lái Trung Quốc điện thoại đặt hàng giá cao, không cần quy cách, nhưng khi giao hàng thì họ "chê ỏng chê ẹo", ép giá xuống 30 - 40% vẫn phải bán vì không bán cho họ thì làm sao tiêu thụ được khối lượng hàng quá lớn. Do phần lớn thanh long xuất sang Trung Quốc nên hiện nay có thể nói thương lái của họ đã thao túng hoàn toàn thị trường này, giá cả thu mua đều do họ định đoạt".

Ông Huỳnh Hồng Ửng, nguyên Chủ nhiệm HTX thanh long Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho rằng: "Hiện nay, các thương lái thu mua thanh long xuất sang Trung Quốc đang mất cảnh giác với chiêu thu mua giá cao, trả tiền sòng phẳng lúc đầu để sau đó khi bị o ép hoặc giựt nợ thì gánh chịu thiệt hại nặng nề. Các đầu mối thu mua cung ứng hàng sang Trung Quốc làm ăn giao dịch tiền trăm triệu, bạc tỉ nhưng rất cả tin, chỉ nói miệng với nhau hoặc giao dịch bằng điện thoại chứ không làm hợp đồng mua bán cụ thể nên khi xảy ra tranh chấp xem như trắng tay".

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Đậm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn đang có 7 đầu mối thu mua thanh long với hàng trăm thương lái. Tuy chưa nghe chuyện thương lái thu mua thanh long xuất sang Trung Quốc bị giựt nợ nhưng địa phương đang rất cảnh giác. Từ chuyện khoai lang Vĩnh Long, khóm Tiền Giang, dừa Bến Tre, chúng tôi cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác khi bán thanh long sang thị trường Trung Quốc, đừng ham lợi trước mắt mà gánh chịu nhiều thiệt hại về sau.

Related news

trai-cay-mien-tay-lai-keu-troi-vi-rot-gia Trái Cây Miền Tây Lại… chuoi-laba-tro-lai Chuối Laba Trở Lại