Tin nông nghiệp Đường “sáng” cho nông dân ổn định, bền vững

Đường “sáng” cho nông dân ổn định, bền vững

Author Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT, publish date Thursday. August 17th, 2017

Sản xuất trái cây theo chuẩn “GAP”

Trái cây chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch để hướng đến thị trường tiêu thụ ổn định.

Bến Tre hiện có hơn 29.000ha cây ăn trái đặc sản, với sản lượng hàng năm khoảng 350 ngàn tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư kết nối xây dựng vùng nguyên liệu, làm ăn lâu dài. Tuy nhiên, lợi thế đó vẫn chưa được phát huy do việc sản xuất phân tán, manh mún dẫn đến số lượng, quy cách, chất lượng trái cây không đồng đều. Hệ quả là đời sống, sản xuất của người nông dân chưa được ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Nhiều nông dân còn ngại chuẩn GAP

Bà Huỳnh Thị Phượng, 56 tuổi, ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, kinh tế chính dựa vào 4 công chôm chôm. Bà chăm sóc rất kỹ mảnh vườn, đầu tư phân thuốc dồi dào. Thế nhưng, đã nhiều năm qua, bà vẫn không tích lũy được như mong muốn vì lợi nhuận chỉ đủ chi tiêu trong năm. “Hội Nông dân xã thường xuyên khuyến khích, hướng dẫn tôi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Tôi thấy mảnh vườn mình có đáng bao nhiêu, trồng nhiều chủng loại chôm chôm trong đó. Hơn nữa tôi quen canh tác nhờ vào phân, thuốc hóa học lâu rồi… Khó quá nên thôi, được đồng nào thì ăn đồng đó”, bà Phượng nói.

Theo thống kê của Văn phòng UBND xã Vĩnh Bình, trong hơn 500ha chôm chôm của xã, có rất nhiều hộ gia đình diện tích canh tác nhỏ hơn của bà Phượng. Mặc dù xã đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng đến nay diện tích đất canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP) còn rất khiêm tốn.

Ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Lách cho biết, diện tích cây ăn trái đặc sản trên địa bàn huyện tăng đều đặn hàng năm vì bà con tự chuyển dịch sang cây trồng cho thu nhập cao. “Khoảng 10 năm trước, chúng tôi đã nỗ lực vận động, hỗ trợ nông dân trồng chôm chôm ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng trở thành nơi đầu tiên cả nước đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhưng cho đến nay, trong hơn 3.500ha chôm chôm của huyện chỉ mới công nhận được vài chục héc-ta VietGAP, nói gì đến việc nhân rộng theo chuẩn GlobalGAP”, ông Đơn nêu thực trạng.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện trong hơn 29.000ha cây ăn trái đặc sản của tỉnh thì chỉ có 270ha được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Nguyên nhân người nông dân không mặn mà với sản xuất theo chuẩn GAP vì ngại phải ghi chép nhật ký chăm sóc, canh tác cũng khó khăn do các vườn không đồng loạt thực hiện. Và nguyên nhân lớn nhất đó là giá cả không cao hơn sản xuất bình thường, trong khi năng suất có thể thấp hơn, lại còn phải bỏ ra chi phí tái chứng nhận hàng năm.

Chưa phát huy chuỗi giá trị

Hơn 50ha bưởi da xanh của Tổ hợp tác (THT) bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành đã đạt chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay nhưng thực tế vẫn đồng giá với loại bưởi sản xuất thông thường tại địa phương. Thế nhưng, phong trào tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên THT này lại ngày càng mạnh mẽ hơn. “Nhiều thành viên còn khó khăn nên sau mỗi vụ thu hoạch dù chỉ trích lợi nhuận đủ xây nhà kho, mua cái máy... nhưng ai nấy đều tích cực làm để đầu tư dần cho vườn của mình đạt chuẩn VietGAP. Chúng tôi theo GAP cảm thấy môi trường sản xuất vệ sinh hơn, đặc biệt, các thương lái cũng quan tâm mình hơn trước. Hiện năng suất của những vườn đạt chuẩn GAP đạt khoảng 13 tấn/ha/năm cao hơn so với các vườn chưa đạt”, ông Trịnh Ngọc Trung - Tổ trưởng THT bưởi da xanh Phú Thành cho biết.

Giá trị trái cây sẽ nâng lên khi thu hoạch đúng thời điểm, đúng cách, có nhãn hiệu, thương hiệu và giấy chứng nhận GAP.

Tại hội thảo giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững khu vực Nam Bộ, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đánh giá cao xu hướng và cách làm của các thành viên THT bưởi da xanh Phú Thành. Ông cũng khẳng định rằng năng suất của những vườn bưởi da xanh đạt chuẩn ở THT này vẫn còn khá thấp vì chưa phát huy tối đa kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn này.

Theo GS.TS Sơn, mặt được trước mắt của nông dân canh tác theo chuẩn GAP hiện chỉ là vườn cây ăn quả có sức khỏe tốt, chi phí sản xuất thấp hơn, môi trường lao động, sản xuất của người nông dân được đảm bảo. Quan trọng hơn, trong xu hướng của thị trường hội nhập thì những sản phẩm GAP chắc chắn không bơ vơ. Trên thực tế, giá trị về mặt lợi nhuận vẫn chưa phát huy được do cách tiếp cận của nhiều doanh nghiệp còn một số vấn đề bất cập, chưa mặn mà đầu tư lâu dài để có vùng nguyên liệu ổn định và ý thức của người nông dân chưa cao nên chuỗi giá trị của trái cây GAP vẫn chưa phát huy hết. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Huy - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, hầu hết lô trái cây của Việt Nam khi đến chiếu xạ đều có màu sắc kích cỡ không đồng đều và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao vì không đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… Việc có quá nhiều lô hàng như vậy khiến cho uy tín, thương hiệu của trái cây Việt Nam khó cạnh tranh với trái cây các nước khác khi gặp các khách hàng lớn.

Tái cơ cấu sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu 

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận rằng việc sản xuất, tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh còn tồn tại quá nhiều bất cập. Vì vậy, người nông dân luôn bị “chiếu dưới” khi tham gia giao kết các hợp đồng tiêu thụ. Nguyên nhân căn bản do sản phẩm trái cây của nông dân Bến Tre chất lượng còn quá thấp và dẫn đến việc liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; 90% sản phẩm chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước.

Để khắc phục những tồn tại hiện nay, bà Thu Sương cho biết, Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành khác và các địa phương để thực hiện tái cơ cấu một cách căn bản từ gốc và đẩy mạnh xuất khẩu cho cây ăn trái. Nghĩa là tuyên truyền, tập huấn cho nông dân từ khâu cải tạo đất, chọn giống cho năng suất chất lượng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ trong chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch, tập trung lại và phát triển theo các mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, kêu gọi, hỗ trợ bằng những chính sách thiết thực để các doanh nghiệp đầu tư và liên kết ổn định, bền vững với nông dân. Những kế hoạch trên chỉ thành công bền vững khi GAP được áp dụng xuyên suốt.

“Chọn vùng đất thích nghi để quy hoạch thành vùng chuyên canh. Chọn cây giống có phẩm chất cao, sạch bệnh. Chú ý sử dụng cây giống đầu dòng làm mắt ghép và khai thác ưu thế của gốc ghép khỏe để giúp cây mới dễ ra hoa, đậu trái, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với môi trường. Khi trồng cây nên lên liếp, đắp mô, thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, tưới nước, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học. Thu hoạch trái đúng thời điểm, đúng cách và trái cây bán ra thị trường cần có nhãn hiệu, thương hiệu, giấy chứng nhận GAP… Đặc biệt, giải pháp vận động, hỗ trợ người dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể, chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ đang được tập trung thực hiện”.


Related news

nuoi-tom-trong-lua-ot-nong-dan-an-hiep-tien-tieu-rung-rinh Nuôi tôm + trồng lúa,… con-sot-phat-trien-rau-thuy-canh-o-lam-dong-va-moi-lo-dau-ra Cơn sốt phát triển rau…