Tin nông nghiệp Gấc dược liệu trồng theo phương pháp organic đạt giá trị 1,2 tỷ đồng/ha tại Nghệ An

Gấc dược liệu trồng theo phương pháp organic đạt giá trị 1,2 tỷ đồng/ha tại Nghệ An

Author Thái Dương- Hồng Nhung, publish date Monday. November 11th, 2019

Với đặc tính dễ trồng, có sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, có hiệu quả kinh tế hơn các loại cây trồng khác, cây gấc dược liệu trồng theo phương pháp hữu cơ đã được quy hoạch đưa vào địa bàn huyện Yên Thành với mục tiêu phát triển vùng trồng gấc trọng điểm của tỉnh Nghệ An.

Gấc dược liệu trồng ở Yên Thành. Ảnh: Trân Châu

Cây gấc dược liệu trên đất Yên Thành được doanh nghiệp thuộc tập đoàn TH đưa vào trồng từ năm 2016 trên vùng đất đồi xóm 10 xã Lăng Thành.

Để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, đơn vị đã chỉ đạo đội ngũ kỹ thuật thực hiện tốt các quy trình sản xuất từ khâu chọn giống ban đầu. Hạt giống được tuyển chọn kỹ lưỡng, đất sạch không được nhiễm kim loại nặng, nguồn nước tưới cũng phải kiểm tra định kỳ. Mọi quy trình trồng và chăm sóc đều được tuân thủ nghiêm ngặt, trong đó có khâu phòng trừ sâu bệnh hại.

Anh Nguyễn Văn An - công nhân kỹ thuật của doanh nghiệp này cho biết: Đối với cây gấc thường xuất hiện một số loài gây hại như con bọ dưa phá hoại mầm xanh khi mới ra; bọ xít 6 cạnh, ruồi vàng, bọ cánh cứng phá hoại hoa, quả và cây thường mắc bệnh vàng lá. Do đó, chúng tôi thường xuyên phải bắt diệt bằng thủ công. Đối với bệnh vàng lá đã dùng một số chế phẩm sinh học tự chế để phun, tạo sức đề kháng cho cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt khi cây ra quả non được bọc ngay bằng một loại bao chuyên dùng, không để ruồi vàng hút đục.

Cây gấc có vòng đời từ 15 - 20 năm tùy chất đất, sau một năm trồng sẽ cho quả, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 đến 3 tháng.

Gấc ở Yên Thành được trồng theo phương pháp organic, 1 ha đạt năng suất từ 12 đến 15 tấn quả tươi, qua nhà máy chiết xuất sẽ cho từ 250 - 300 lít dầu gấc. Sản phẩm này được dùng để làm viêm nang thực phẩm có thể xuất khẩu đi các nước.

Hiện Yên Thành đã có 17 ha gấc. Ảnh: Thái Dương

Ông Nguyễn Sỹ Đa - đại diện đơn vị trồng cho biết, về cây gấc sản xuất theo chuỗi bình quân đạt giá trị 100 nghìn đồng, như vậy mỗi ha sẽ cho thu nhập từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, hiện nay, doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương tiếp tục mở rộng diện tích đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch 244 ha trồng gấc và các loại cây dược liệu, với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, nhất là phát triển các loại cây dược liệu ở vùng phía Bắc huyện Yên Thành.


Related news

lao-nong-vung-dat-doi-nghe-an-thu-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-tu-thanh-long-ruot-do Lão nông vùng đất đồi… vao-rung-nhat-hat-de-nguoi-dan-thu-gan-nua-trieu-moi-ngay-tai-nghe-an Vào rừng nhặt hạt dẻ,…