Tin nông nghiệp Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ?

Gạo VietGAP, sao lại đóng bao bì mang tên hữu cơ?

Author Đức Tâm, publish date Friday. March 17th, 2017

Không khó nhận thấy trên thị trường có nhiều loại gạo được đóng bao bì mang tên hữu cơ nhưng chỉ đạt chứng nhận VietGAP. Điều này ngỡ vô lý nhưng mọi việc tồn tại hẳn có cái lý riêng.

Trong ảnh: Gạo hữu cơ Trung An – chứng nhận IFOAM, được giới thiệu ra thị trường gần đây. Ảnh: ĐT

Đầu tiên, việc bất nhất giữa chuẩn đạt được và ghi nhãn như trên có phù hợp với pháp luật?

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TPHCM, việc ghi nhãn trên các bao bì thực phẩm được quy định rõ tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT (Thông tư 34).

Cụ thể, điểm a, khoản 2, Điều 18 Nghị định 38/2012/NĐ-CP nêu rõ: “Thông tin trên nhãn phải đúng bản chất sản phẩm, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người sử dụng”. Tương tự như vậy, các Điều 3, 5, 6, 7 ở Thông tư 34 đều hướng dẩn phải ghi đúng, đủ, không được ghi mập mờ, gây hiểu lầm về công dụng, về tính chất, đặc tính sản phẩm.

Trở lại trường hợp các sản phẩm gạo dán nhãn gạo hữu cơ nhưng không ghi rõ cơ quan nào công nhận hoặc không có giấy chứng nhận sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, luật sư Đức cho rằng ghi như vậy là chưa phù hợp với các văn bản pháp luật đã viện dẫn trên. Tuy nhiên, ông Đức cũng chia sẻ, hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ và việc dán nhãn chứng nhận đối với sản phẩm hữu cơ còn nhiều thiếu sót.

Vậy các doanh nghiệp bán gạo hữu cơ tự chứng nhận nghĩ gì về cách ghi nhãn của chính họ?

Trao đổi cùng người viết, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gạo hữu cơ tự chứng nhận chia sẻ, họ cũng muốn có chứng nhận gạo hữu cơ nhưng Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ nên có muốn cũng chẳng được.

– Vậy sao anh không lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế?

– Chi phí lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế cao, như vậy sẽ đội giá thành sản phẩm lên và rất khó bán.

– Nhưng anh không có chứng nhận, sao lại dán nhãn hữu cơ như vậy?

– Tôi làm gạo hữu cơ, sao lại tôi lại không được ghi nhãn hữu cơ?

– Nhưng làm sao khách hàng tin anh?

– Chúng tôi sẽ thuyết phục khách hàng.

Rõ ràng, qua câu chuyện trên, ta thấy nhà sản xuất có cái lý của riêng họ. Và, giả sử nhà sản xuất trên thật sự làm gạo hữu cơ, khi họ đưa sản phẩm ra thị trường bằng câu chuyện niềm tin, chuyện được khách hàng đón nhận hay không đôi khi rất hên xui.

Người viết có hai người bạn kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Một người từ chối những nhà cung cấp như trên. Bởi như anh nói, đã bán hàng hữu cơ thì phải có chứng nhận, chứ không thể đặt cược uy tín của cửa hàng vào câu chuyện niềm tin được; Một người chấp nhận. Lý do, như anh chia sẻ, anh tin vào nhà cung cấp.

 

Nhờ niềm tin từ những người như anh bạn thứ hai nêu trên, các sản phẩm hữu cơ tự chứng nhận vẫn có đất sống trên thị trường. Và chuyện ghi nhãn tưởng như vô lý vẫn có cái lý để tồn tại. Hệ quả, rất có thể sẽ có những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở từ niềm tin, không sản xuất hữu cơ nhưng vẫn tự dán nhãn hữu cơ. Thị trường thật giả lẫn lộn. Cái khó bị đẩy về phía người tiêu dùng.

Bây giờ, xin đặt một câu hỏi khác, việc ghi nhãn trước hữu cơ, sau VietGAP trên bao bì, có thật sự rõ ràng với người tiêu dùng? Trả lời câu hỏi này không khó nếu bạn từng rơi vào tình huống mua một túi gạo hữu cơ vì chỉ nhìn qua mặt trước của sản phẩm. Sau đó về nhà, nhìn mặt sau, mới vỡ lẽ… Tình huống càng khó xử hơn nếu bạn mua làm quà tặng đinh ninh như đó là một sản phẩm hữu cơ chính hiệu.

Dĩ nhiên, trong tình huống đó, nhà sản xuất có thể biện minh rằng đã ghi rõ thông tin, tại khách hàng không chịu nhìn kỹ. Vậy câu hỏi tiếp theo, ghi thông tin kiểu rõ ràng theo cách giải thích như trên có sòng phẳng với người tiêu dùng?

Trong cuộc sống, có những thứ không thể rạch ròi. Và đôi khi để nhìn rõ một sự việc, cần đặt nó trong mối tương quan với sự việc khác.

Ở đây, xin kể câu chuyện về một bạn trẻ ở Đồng Tháp làm lúa sạch. Bạn trồng lúa không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu hóa học. Sản phẩm của bạn, như ông Nguyễn Lâm Viên, công ty Vinamit, đơn vị vừa được cấp chứng nhận hữu cơ chuẩn USDA, nhận xét có thể xem như lúa hữu cơ.

Thế nhưng bạn trẻ nêu trên chưa bao giờ tuyên bố gạo của bạn ấy là gạo hữu cơ. Bạn ấy làm sao thì nói vậy. Gạo không dùng hóa chất thì nói không dùng hóa chất; không dùng phân bón hóa học thì nói không dùng phân bón hóa học. Bạn thậm chí còn chẳng có chứng nhận VietGAP, thế nhưng sản phẩm của bạn được thị trường đón nhận, thậm chí đặt hàng trước khi lúa được gặt.

Có được thành quả đó vì bạn được thị trường tin tưởng. Và niềm tin đến từ sự rõ ràng, sòng phẳng, có sao nói vậy và luôn nhất quán chứ không lập lờ.

Quay lại câu chuyện ghi nhãn nêu trên, ông Võ Minh Khải, người xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa, cho rằng đó là một phần không tránh khỏi trong câu chuyện thị trường Việt Nam hiện nay. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm hữu cơ trong khi đơn vị sản xuất có chứng nhận không nhiều, cầu lớn hơn cung, cộng với những quy định trong ngành chưa đầy đủ, hiện tượng “tiền hậu bất nhất” như trên vẫn sẽ tiếp diễn.

“Nhưng theo thời gian, khi người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin và khắt khe hơn, những đơn vị sản xuất hữu cơ có chứng nhận nhiều hơn, cơ chế thị trường sẽ tự đào thải những điều vô lý. Lúc đó, sẽ không phải là câu chuyện có chứng nhận hay không chứng nhận mà là chứng nhận theo chuẩn nào và do tổ chức nào cấp”, ông Khải nhận định.


Related news

cho-dau-moi-nong-san-sach-dau-tien-cua-dong-nai Chợ đầu mối nông sản… doan-truong-gom-dat-cua-cac-ty-phu Đoạn trường gom đất của…