Gặp "Ông Trùm" Bò Sữa Suối Thông
Được hỏi về bí quyết làm giàu của mình, ông Bùi Xuân Khôi cười đôn hậu và xòe đôi bàn tay chai sạn, rám nắng nói: “Tất cả là ở đây với cái đầu sáng tạo mà ra thôi”. Ông Khôi là chủ một trong những trang trại bò sữa lớn nhất thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, nơi tập trung bò sữa nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng. Trang trại trên 20 đầu bò của ông được đánh giá là trang trại hàng đầu trong “làng” bò sữa.
Ông Khôi vốn là người Hà Tĩnh, năm 2004 ông mới vào Lâm Đồng và bắt đầu với 1 con bò sữa và 3 sào đất. Sau 10 năm, trang trại của ông đã có trên 20 con bò sữa, 1ha đất chuyên trồng cỏ voi, cỏ sả và bắp cung cấp chất xanh cho bò. Hiện tại, mỗi ngày ông thu 80 lít sữa, với giá trên 14 ngàn đồng/lít, mỗi năm ông thu nhập gần 500 triệu đồng. Ông Khôi tự hào khoe: “Sữa bò của nhà tôi bao giờ cũng được mua với giá cao nhất.
Đó là do tôi chăm sóc bò tốt, cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vi chất như sắt, canxi, nên chất lượng sữa tốt, độ khô, độ béo cao, tạp trùng thấp được nhà máy thu mua đánh giá cao”. Bò của trang trại được ăn 55% chất xanh và cám, 45% còn lại là bắp ủ chua, một loại thức ăn bò rất thích và tốt cho sức khỏe. Bắp được trồng 2 tháng rưỡi, khi trái vừa đọng sữa là cho bò ăn tươi, bắp cứng xay nhỏ toàn cây, ủ với muối, mật đường, nén thật chặt. Sau một tháng, bắp thơm mùi men là có thể cho bò ăn.
Loại thức ăn ủ chua này giúp bò khỏe, nhiều sữa. Bò mẹ được phối giống bằng tinh nhập ngoại, bò con sinh ra được nuôi lớn. Cứ như vậy, chỉ sau 10 năm, ông đã có trang trại trị giá trên 3 tỷ đồng, với những đầu bò khỏe mạnh, cho sữa tốt.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Khôi khẳng định, không thể không nhắc tới những ngày vất vả. Vợ chồng ông vừa sản xuất vườn nhà, vừa làm thuê lấy tiền tích lũy, thuê thêm đất để sản xuất. Chăm sóc bò sữa không nặng nề, nhưng cần mẫn, làm việc không ngơi tay cả ngày.
Cắt cỏ, băm cỏ, cho bò ăn, tắm bò, vắt sữa…, thời gian làm việc của cả gia đình từ 4h sáng tới 8h tối. Chăm chỉ, tiết kiệm, ông Khôi và gia đình đã gầy dựng trang trại từ hai bàn tay trắng. Con trai ông, anh Bùi Xuân Sang đã học trung cấp thú y chuyên chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho bò. Anh Sang chia sẻ: “Bò cần được tiêm ngừa đầy đủ, dinh dưỡng hợp lí và môi trường sống sạch.
Trang trại của nhà tôi xây dựng hệ thống chứa phân hợp chuẩn, cách xa trang trại, không để mùi và côn trùng ảnh hưởng tới sức khỏe của bò”. Trước khi vắt sữa, bò được tắm sạch, sát trùng núm vú. Sữa được vắt hoàn toàn bằng máy, đảm bảo sạch và hợp vệ sinh.
Ông Khôi trồng cỏ, bắp theo cách gối đầu, thời điểm nào bò cũng có cỏ xanh, bắp để ăn, nhất là mùa khô là mùa cỏ ít phát triển. Ông Khôi khẳng định, bò sữa là vật nuôi khó tính, muốn nuôi bò sữa thành công cần nắm bắt kỹ thuật tốt, bản thân ông cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, nâng cao hiểu biết để chăm sóc bò thật tốt.
Và đặc biệt, ông Khôi khẳng định, không thể làm giàu nếu không tiết kiệm, biết chi tiêu hợp lý là chìa khóa của thành công. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn nhận xét, trang trại của ông Khôi là một trong những trang trại kiểu mẫu của xã, thường xuyên được chọn là mô hình để bà con tới học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. 10 năm liền ông giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Suối Thông B2, đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của thôn và xã Đạ Ròn. Trang trại bò sữa của ông Bùi Xuân Khôi vẫn hàng ngày cung cấp những dòng sữa trắng ngọt ngào, mang lại thịnh vượng cho gia đình và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/gap-ong-trum-bo-sua-suoi-thong-2376254/
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao