Giá cà phê giảm sâu, nông dân như ngồi trên lửa
Như vậy, hiện nay giá cà phê ở Tây Nguyên đã giảm sâu, gần bằng cuối năm 2013, khiến hàng nghìn hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên ngày đêm lo lắng không yên như ngồi trên lửa.
Theo các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu ở tỉnh Đác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên thì nguyên nhân giá cà phê giảm mạnh là do tác động giảm giá của cà phê thế giới. Cụ thể, tại thị trường Luân Đôn, giá cà phê robusta các kỳ hạn duy trì đà giảm sâu. Kỳ hạn giao tháng 7-2015, giá giảm xuống chỉ còn 1.622 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 9-2015, giá cũng chỉ là 1.645 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê arabica giao tháng 7-2015 là 125,15 cent/pound; giá giao tháng 9-2015 là 127,8 cent/pound…
Tình hình giá cà phê trong thời gian gần đây liên tục giảm sâu khiến người trồng cà phê ở Đác Lắc nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung hết sức lo lắng, vì hiện nay đang bước vào đầu mùa mưa, thời kỳ đầu tư cho vụ sản xuất cà phê 2015 - 2016.
Trong khi giá cà phê giảm thì ngược lại, giá các loại xăng, dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng khiến người nông dân chỉ đầu tư cầm chừng cho vụ cà phê mới. Thêm vào đó, trong mùa khô vừa qua tình trạng khô hạn xảy ra hết sức khốc liệt trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên làm hàng chục nghìn ha cà phê bị khô hạn nặng, trong đó riêng tỉnh Đác Lắc đã có tới 40 nghìn ha cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê. Vì vậy, các chuyên gia trong ngành cà phê dự đoán, sản lượng cà phê niên vụ 2015 - 2016 sẽ tiếp tục giảm.
Anh Phong, chủ một đại lý thu mua cà phê ở Đác Lắc cho biết: Do giá cà phê giảm sâu nên cả doanh nghiệp lẫn người dân đều “găm” hàng để thăm dò thị trường nên tình hình giao dịch cà phê trên thị trường khá trầm lắng. Mặc dù hiện nay, đã đến thời điểm đầu tư cho vụ mùa cà phê mới nhưng phần lớn các hộ nông dân đều vay vốn ngân hàng để đầu tư, còn tiếp tục “găm” cà phê chờ giá tăng trở lại mới bán.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Bình, ở thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc trồng được hai ha cà phê, trong vụ thu hoạch vừa qua gia đình anh thu được 7,5 tấn cà phê nhân, anh đã bán hai tấn với giá 40.000 đồng/kg để trang trải cho gia đình, năm tấn còn lại anh vẫn cất trữ trong nhà.
Anh Bình tâm sự: “Cuối vụ vừa rồi, giá cà phê tăng lên trên 40.000 đồng/kg nên ai cũng phấn khởi và hy vọng giá còn tăng thêm nữa. Vì vậy, gia đình tôi chỉ bán hai tấn để trang trải trong gia đình, số còn lại tôi cất trữ chờ giá cao mới bán, nhưng thực tế hiện nay giá cà phê đi ngược lại những gì mà người nông dân chúng tôi dự đoán. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá cà phê trên thị trường liên tục giảm và hiện nay chỉ còn 34.000 - 35.000 đồng/kg khiến chúng tôi hết sức lo lắng. Nếu bây giờ bán thì lỗ nặng, còn không bán mà vay vốn ngân hàng đầu tư cho vườn cà phê, vừa bị chịu lãi ngân hàng và sau này giá cà phê không tăng lên thì người nông dân phải chịu lỗ kép”.
Còn anh Võ Văn Quốc, ở xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột trồng được 1,5 ha cà phê, vụ cà phê vừa qua gia đình anh thu được sáu tấn cà phê nhân. Sau khi thu hoạch anh chỉ bán 1,5 tấn để trả công lao động và trang trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình, số còn lại anh trữ trong nhà chờ giá cao mới bán. Thế nhưng, khi trao đổi với chúng tôi, anh Xuân buồn rầu nói: “Thông thường cứ vào thời điểm giữa năm cà phê thường tăng giá, nhưng năm nay xu thế ngược lại, giá cà phê liên tục giảm khiến người nông dân chúng tôi trở tay không kịp. Ai cũng nghĩ chỉ giảm một, hai giá rồi tăng trở lại, nào ngờ hiện nay so với thời điểm đầu năm mỗi tấn cà phê đã mất năm triệu đồng. Trong khi đó giá cả các vật tư đầu vào như phân bón, xăng, dầu… đều tăng giá nên việc đầu tư cho vụ cà phê năm nay cũng cầm chừng, chứ đầu tư nhiều, giá cà phê giảm thấp như hiện nay, người nông dân lỗ nặng”.
Những năm trước đây, vào thời điểm này giá cà phê ở mức 42.000 đến 43.000 đồng/kg, bà con nông dân hết sức phấn khởi, nhiều hộ chỉ sau một vài vụ thu hoạch đã phất lên giàu có. Còn năm nay, giá cà phê giảm sâu và chưa có điểm dừng nên người trồng cà phê ở Đác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hộ lâm vào nợ nần. Vì vậy, ngay những tháng đầu mùa mưa năm nay, nông dân tại nhiều địa phương như huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búc, Cư Kuin, Cư M’gar… của tỉnh Đác Lắc; các huyện Đác Song, Đác R’lấp, Krông Nô, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa… của tỉnh Đác Nông đã chặt bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.
Không chỉ những người sản xuất cà phê mà năm nay, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc kinh doanh cà phê cũng bị thua lỗ nặng. Bởi sau khi vụ thu hoạch cà phê 2014 - 2015 kết thúc, thời điểm ấy giá cà phê ở mức 40.000 đồng/kg. Nhiều người nhận thấy, do ảnh hưởng khô hạn và sâu bệnh bùng phát khiến năng suất, sản lượng cà phê giảm nên đã tung ra một khoản kinh phí lớn, thậm chí nhiều người còn vay tiền ngân hàng để mua cà phê dự trữ. Thế nhưng, thời gian gần đây giá cà phê trên thị trường liên tục giảm sâu khiến họ lỗ nặng, thậm chí nhiều người còn bị phá sản.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên có hơn 550.000 ha cà phê, chủ yếu đã cho thu hoạch. Trong đó, Đác Lắc là địa phương có diện tích cà-phê nhiều nhất, với trên 205.000 ha, với sản lượng hàng năm đạt hơn 450.000 tấn cà phê nhân. Tỉnh Đác Nông có hơn 114.000 ha cà phê, với sản lượng ước khoảng 230.000 tấn… Mặc dù cà phê là loại cây trồng chủ lực nhưng hiện nay do giá cà phê giảm mạnh nên nhiều người dân đang có tâm lý chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng hồ tiêu, bởi giá tiêu hiện đang ở mức rất cao, 182.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu ồ ạt chuyển đổi sang trồng tiêu, làm ăn theo kiểu phong trào mà không tính toán kỹ thì thiệt hại trước hết thuộc về người nông dân, bởi giá cả các mặt hàng nông sản thường lên, xuống thất thường không thể lường trước.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao