Giá Cây Giống Tăng Nhưng Lợi Nhuận Giảm
Giá cây giống tăng, nhưng lợi nhuận của nhà vườn lại giảm.
Từ đầu năm 2012 đến nay, lượng cây giống của nhà vườn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, bán ra thị trường khá nhiều. Song, vấn đề đang được người sản xuất cây giống quan tâm là thị trường miền Đông từng tiêu thụ số lượng lớn nay đã thu hẹp, ngược lại các tỉnh miền Tây nhu cầu cần cây giống lớn. Mặc dù số lượng bán ra nhiều, nhưng lợi nhuận của nhà vườn lại giảm.
Ông Lê Văn Cung, cơ sở bán cây giống ở Phú Phụng, huyện Chợ Lách cho rằng, điều khá bất ngờ diễn ra từ đầu năm đến nay là xoài giống các loại tiêu thụ rất mạnh, có thời điểm khan hiếm. Chỉ riêng thị trường An Giang, cơ sở của ông đã tiêu thụ trên 200 ngàn cây giống, trong đó xoài Đài Loan chiếm 150 ngàn cây. Kế đến là mít siêu sớm tiêu thụ 50 ngàn cây, cam và quýt 20 ngàn cây, sầu riêng 15 ngàn cây, vú sữa Lò Rèn và vú sữa tím 7 ngàn cây... Một điều tất yếu kèm theo là giá của những chủng loại cây giống này tăng đáng kể: xoài Đài Loan từ 10.000 - 12.000 đồng/cây đã tăng lên 15.000 đồng/cây. Vú sữa Lò Rèn từ 12.000 đồng/cây tăng lên 19.000 đồng/cây. Xoài tứ quý từ 10.000 đồng/cây tăng lên 12.000 đồng/cây.
Hiện giá dừa ở Bến Tre giảm mạnh, kéo theo dừa xiêm lùn giá từ 35.000 đồng/cây giảm xuống còn 23.000 đồng/cây và tiêu thụ rất chậm. Các nhà vườn sản xuất cây bơ giống càng khó khăn hơn. Năm 2011, bơ giống được thị trường miền Đông tiêu thụ mạnh, nhà vườn sản xuất số lượng lớn để tiêu thụ trong năm 2012. Thế nhưng năm nay các tỉnh miền Đông chuyển sang trồng các chủng loại cây công nghiệp, giá bơ giống từ 20.000 đồng/cây giảm xuống còn 8.000 đồng/cây mà vẫn tiêu thụ không hết số lượng sản xuất.
Ông Nguyễn Công Thành, cơ sở bán cây giống ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách cho biết, năm 2011, cơ sở ông tiêu thụ trên 500 ngàn cây ca cao. Cơ sở chỉ sản xuất một chủng loại ca cao giống. Hằng năm, số lượng sản xuất căn cứ theo các hợp đồng đã trúng thầu. Nhưng từ đầu năm đến nay, trái dừa khô rớt giá thê thảm, nông dân gặp khó khăn trong mua cây giống ca cao về trồng xen trong vườn dừa. Tỉnh Tiền Giang hợp đồng 3 năm nhận tổng số 600 ngàn cây giống. Năm 2012 là năm cuối phải nhận 200 ngàn cây nhưng đến thời điểm này chỉ nhận hơn 10 ngàn cây. Huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long nhu cầu từ 50 ngàn đến 80 ngàn cây giống nhưng chưa sang nhận. Tỉnh Bình Phước chỉ mới mua 30 ngàn cây. Hai huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam có nhu cầu lớn nhưng chỉ mới mua hơn 10 ngàn cây. Năm 2011, ca cao giống giá 5.700 đồng/cây, năm nay tăng lên 5.800 đồng/cây, trong khi đó chi phí đầu vào tăng 30%, lý ra phải bán 7.000 đồng/cây nhưng chắc chắn thị trường tiêu thụ lại càng khó khăn hơn.
Theo ông Lê Văn Cung, Chủ cơ sở bán cây giống ở Phú Phụng, để có số lượng lớn các chủng loại cây giống cung cấp thị trường, ông phải ứng tiền trước cho các hộ dân sản xuất và khi vào thời điểm tiêu thụ tiến hành thu gom. Những năm gần đây, số hộ sản xuất cây giống trên địa bàn huyện giảm dần và chuyển sang sản xuất hoa kiểng. Số lượng cây giống tiêu thụ hằng năm giảm và không còn ở mức từ 16 - 17 triệu cây/năm. Từ đầu năm 2012 đến nay, giá một số chủng loại cây giống có tăng nhưng cơ sở sản xuất cây giống lợi nhuận không nhiều. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng mạnh, cụ thể một ghe mụn dừa 200 bao giá từ 450.000 đồng đã tăng lên 1,7 triệu đồng, bọc nilon giá từ 18.000 đồng/kg tăng lên 45.000 đồng/kg, công lao động từ 60.000 đồng/người/ngày tăng lên 80.000 đồng/người/ngày, tiền xe tải thuê vận chuyển từ 300.000 đồng/chuyến tăng lên 400.000 đồng/chuyến...
Giờ đây, nhà vườn Chợ Lách phải đối mặt với nhiều cái khó, chi phí đầu vào tăng, giá bán ra không thể tăng nhanh bằng với giá đầu vào, việc đảm bảo có lợi nhuận đang là thách thức đối với hộ dân sản xuất cây giống.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao