Mô hình kinh tế Giá Giảm, Sâu Bệnh Hại Người Trồng Sắn Gặp Khó

Giá Giảm, Sâu Bệnh Hại Người Trồng Sắn Gặp Khó

Publish date Sunday. November 9th, 2014

Vào thời điểm này, nông dân các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) đang thu hoạch sắn chạy lũ. Khác với tâm trạng vui mừng như các vụ sắn trước, năm nay ai cũng lắc đầu trước vụ sắn “đắng”.

Ngoài nắng hạn kéo dài làm sắn giảm năng suất, thì bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng tiếp tục gây thiệt hại cho nông dân trồng sắn. Hơn nữa, giá sắn giảm mạnh làm cho người trồng khốn đốn.

Giá sắn giảm mạnh

Ông Nguyễn Văn Đông ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), thu hoạch đám sắn 900m2, cho biết: “Năm nay, tôi nhổ sắn bán tại đám thương lái chỉ mua với giá 900.000 đồng, năm ngoái cũng đám sắn này tôi bán lên đến 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí phân, thuốc, cày bừa, công thu hoạch… không có lãi là bao”. Còn ông Trịnh Kỳ Thanh ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), đang tất bật thu hoạch 1.000m2 sắn.

Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, ruộng sắn nằm ở vùng trũng bị nước ngâm lâu ngày gây nũng thối, năm nay ông trồng rải vụ thu hoạch sớm, tuy nhiên củ không sai, giá sắn giảm mạnh nên không có lãi. “Tôi bán cho thương lái tại ruộng với giá bán 1.200 đồng/kg, thời điểm này năm ngoái tôi bán 1.800 đồng/kg. Sản lượng sắn năm nay cũng giảm, cân hết đám chỉ có 1,2 tấn sắn tươi, còn mấy năm trước đạt 1,5 tấn”, ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN - PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Niên vụ 2014 - 2015, nông dân toàn huyện trồng được 4.300ha sắn. Thời tiết nắng hạn kéo dài làm cây sắn còi cọc kém phát triển, một nửa diện tích sắn bị chết, người dân phải phá bỏ, chờ trời mưa để trồng lại các loại hoa màu trên vùng đất trước đây cây trồng bị chết do nắng hạn.

Dọc theo trục giao thông phía tây Phú Yên, từ xã Sơn Định qua xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đến xã Đức Bình Tây và xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nông dân đang thu hoạch sắn với tâm trạng buồn bã. Ông Lê Văn Dũng, một nông dân ở xã Đức Bình Tây, cho hay: Năm nay, nhổ một bụi sắn chỉ le que vài củ.

Do đầu vụ, nắng hạn kéo dài làm cho sắn héo lá kém phát triển, sau khi trời mưa thì sắn đã ra củ non, mặc dù bón phân nhưng sắn không lại sức phát triển tốt như các năm trước”. Theo Phòng NN - PTNT huyện Sông Hinh, đầu vụ trồng sắn trên địa bàn huyện không có mưa, nên diện tích gieo trồng bị nắng hạn làm chết khoảng 3.463ha. Hiện nay, trên địa bàn huyện, bệnh chổi rồng tiếp tục gây hại diện tích sắn trồng giống KM 94. Năng suất sắn ước đạt 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt 199.740 tấn.

Với giá trung bình các năm trước từ 2.000 đến 2.100 đồng/kg, thì mỗi héc ta sắn nông dân sẽ lãi từ 20 - 25 triệu đồng, nhưng hiện nay, sắn vừa giảm năng suất vừa giảm chữ bột, giá chỉ có 1.500 đồng/kg nên thu nhập thấp hơn các năm trước.

Sâu bệnh hại “đeo bám”

Bệnh chổi rồng hiện gây hại trên cây sắn tập trung ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân với tỉ lệ cây sắn bị bệnh 5 đến 6%; cá biệt có vùng tỉ lệ hại 30 đến 60%. Trong niên vụ vừa qua, có thời điểm bệnh chổi rồng gây hại hơn 200ha trên giống KM 94 và giống KM 140. Đây là năm thứ 3 liên tiếp bệnh chổi rồng “đeo bám” trên cây sắn gây hại vùng trồng sắn ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân.

Năm 2011, lần đầu tiên bệnh chổi rồng xuất hiện trên giống sắn KM 94 tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), Sở NN - PTNT đã yêu cầu các huyện phối hợp với các nhà máy chế biến tinh bột sắn và ngành Bảo vệ thực vật tăng cường quản lý vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, tuyệt đối không để nông dân sử dụng cây sắn bị bệnh làm giống trồng vụ mới.

Tuy nhiên, nông dân Phú Yên có thói quen trao đổi hom giống qua lại để trồng, chủ yếu là giống sắn cao sản KM 94, dẫn đến giống nhiễm bệnh từ vùng này lan sang vùng khác, vì thế hiện tại niên vụ sắn này có gần 100ha sắn bị nhiễm bệnh chổi rồng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, khi sắn bị bệnh chổi rồng năng suất giảm từ 10 đến 30% và hàm lượng tinh bột giảm ít nhất 20%; nếu diện tích sắn bị nhiễm nặng thì mất thu hoạch.

Không dừng lại ở bệnh chổi rồng, tháng 9 vừa qua, bệnh rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại 15ha sắn ở xã An Hải (huyện Tuy An), rồi lây lan ra các xã An Hòa, An Xuân, với diện tích 20ha, tỉ lệ gây hại từ 20 đến 50%.

Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy vùng sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng. Bà Nguyễn Thị Xin ở xã An Hải (huyện Tuy An) trồng 4 sào sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại, cho hay: “Năm ngoái, đến mùa thu hoạch sắn tôi thu được 12 triệu đồng. Năm nay sắn bị nhổ, đốt và tiêu hủy toàn bộ nên tôi phủi tay, chưa kể tiền thuê công làm cỏ, phân thuốc tốn cả triệu”.

Cạnh đó, ông Biện Văn Xuân trồng 8 sào sắn đều bị rệp sáp bột hồng gây hại làm cho còi cọc, kém phát triển nên phải tiêu hủy hết số diện tích. “Sắn tôi trồng vùng gò đồi gần nhà, thường thì thu hoạch trước tết để sắm sửa, chi tiêu trong gia đình. Không ngờ năm nay bị rệp sáp bột hồng đu bám làm cho sắn quắn đọt, phải tiêu hủy toàn bộ, xem như bị lỗ vốn hoàn toàn” - ông Xuân nói.

Theo tính toán của nhiều người trồng sắn, đến vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí lãi 20 đến 25 triệu đồng/ha (tùy theo trồng ở vùng đất gò đồi hay triền soi). Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: “Khi sắn bị rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không ra củ hoặc củ rất nhỏ nên không cho năng suất.

Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai tập huấn cho nông dân các vùng trồng sắn về tác hại và biện pháp quản lý dịch rệp sáp bột hồng. Đồng thời tiến hành tổng điều tra rệp sáp bột hồng trong toàn địa phương nhằm xác định, đánh giá vùng gây hại.

Do tính chất của chúng lây lan qua đường hom giống, gió… nên nhiều khả năng rệp sáp bột hồng đã xuất hiện nhiều vùng trồng sắn trong tỉnh”.

Thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2014 - 2015, toàn tỉnh trồng 14.700ha sắn, giảm 20,5% so cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến diện tích gieo trồng các loại cây đều giảm là do thời tiết từ đầu năm đến nay nắng nóng liên tục kéo dài, khô hạn cục bộ, nhất là ở khu vực miền núi, gây bất lợi cho việc xuống giống các cây trồng cạn.


Related news

nong-dan-phu-huu-buc-xuc-vu-bap-chet Nông Dân Phú Hữu Bức… lang-gach-sang-lang-nam Làng Gạch Sang... Làng Nấm