Tin nông nghiệp Giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó khăn

Giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó khăn

Author Lâm Thanh, publish date Monday. January 16th, 2017

Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng giá lợn hơi trên thị trường giảm mạnh khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.

Trong ảnh: Giá lợn hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi lo lắng. - Ảnh: Lâm Thanh

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có gần 300 ngàn con, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn tỉnh có gần 220 ngàn con lợn thịt; trên 66 ngàn con lợn nái. Nguyên nhân đàn lợn trên địa tỉnh tăng mạnh như hiện nay, ngoài việc giá lợn hơi đầu và giữa năm 2016 tăng cao khiến người chăn nuôi mở rộng quy mô còn vì thời gian qua, các địa phương ven biển trong tỉnh sau sự cố ô nhiễm môi trường biển đã chuyển đổi sinh kế bằng việc phát triển chăn nuôi trong đó chủ yếu là nuôi lợn. Ngoài chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình, hầu như địa phương nào cũng đẩy mạnh chăn nuôi lợn quy mô trang trại tập trung để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Hiện đàn lợn đến lứa xuất chuồng trong tỉnh tương đối lớn vì người chăn nuôi thường mở rộng đàn để phục vụ nhu cầu trước, trong và sau tết cổ truyền.

Thường thì thời điểm cuối năm lợn hơi có giá cao nhất trong năm, bởi nhu cầu thị trường tăng. Nhưng trái ngược với các năm trước, năm nay giá lợn hơi có chiều hướng giảm mạnh trong khi thị trường Tết Nguyên đán đã cận kề. Hàng trăm hộ nuôi lợn bán vào dịp Tết Nguyên đán đang rất lo lắng vì giá lợn xuống quá thấp. Hiện giá lợn hơi siêu nạc đang ở mức 32 33 ngàn đồng/kg; lợn cỏ 29 30 ngàn đồng/kg, với mức giá này thì người chăn nuôi lợn lỗ nặng. Trong năm 2016, giá lợn hơi có thời điểm đạt trên 55 ngàn đồng/kg. Với giá này, người nuôi lợn có thể lãi gần 1 triệu đồng/con lợn trong vòng 3 - 4 tháng. Vì vậy nghề nuôi lợn đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá lợn hơi giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi lỡ tăng đàn đã không kịp trở tay.

Chị Nguyễn Thị Lý Nhạn, ở thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) cho biết, chi phí nuôi một con lợn khoảng 2,5 triệu đồng (chưa tính công) gồm: Giống 800 ngàn đồng/1 con 8 kg; 5 bao thức ăn công nghiệp 1,5 triệu đồng; vắc xin phòng bệnh 150 200 ngàn đồng. Với thời gian nuôi 3 tháng, trọng lượng lợn lúc xuất chuồng đạt khoảng 60 kg. Với mức giá như hiện nay thì một con lợn nuôi đến lúc xuất chuồng bán chưa tới 2 triệu đồng, trừ chi phí người nuôi lỗ ít nhất 500 ngàn đồng/con lợn. Hơn 10 năm chăn nuôi lợn, chưa bao giờ chị Nhạn lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay. Trang trại chăn nuôi lợn của chị Nhạn có 200 con lợn thịt/lứa. Hơn 1 tháng nay chị Nhạn đã chấp nhận bán lỗ vốn 140 con. Hiện trang trại còn 60 con nhưng thương lái cũng chỉ trả giá rồi “treo” vậy chứ không tiêu thụ lợn vì nguồn cung lợn thịt trên thị trường lớn, trong khi giao thông dẫn vào khu trang trại của gia đình chị có hơn 2 km đường đất đỏ do trời mưa nên lầy lội, đi lại rất khó khăn nên thương lái chẳng muốn vào mua lợn. Tết cận kề, còn 60 con lợn đã quá thời điểm xuất chuồng nhưng vẫn chưa bán được, chị Nhạn đứng ngồi không yên vì nuôi thêm ngày nào, tốn thêm thức ăn ngày đó và như thế thì lỗ càng nặng hơn.

Điều đáng nói là trong khi giá lợn hơi giảm hơn 20.000 đồng/kg so với trước đó, nhưng giá thịt lợn bán tại các chợ không giảm. Có nơi còn nương theo thị trường tết, đẩy giá bán lên dần. Với thị trường diễn biến bất thường gần đây, chỉ người chăn nuôi, tiêu dùng chịu thiệt, còn thương lái, cơ sở kinh doanh, tiểu thương vẫn lãi cao.

Trước khó khăn trên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi không quá hoang mang, không nên bán tháo, tiếp tục ổn định đàn lợn. Đồng thời, lưu ý phát triển đàn lợn dàn trải, tránh nuôi tập trung cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu dễ bị tư thương ép giá. Không riêng gì Quảng Trị mà thời gian qua trên địa bàn cả nước, việc chăn nuôi lợn đã phát triển “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối giữa cung và cầu. Vấn đề này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo các địa phương không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá ngay cả trong thời điểm giá lợn hơi tăng trên 50 ngàn đồng/kg mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt lợn của Việt Nam.

Nhằm giảm thiểu áp lực khó khăn cho người chăn nuôi lợn, cuối tháng 12/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 11205/BNN-CN về việc phát triển ổn định chăn nuôi lợn trong đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết. Chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu. Nghiêm cấm các cơ quan thú y, công an, quản lý thị trường lập các chốt kiểm dịch và thu phí trái quy định. Hạn chế việc dừng chờ đối với các xe chở gia súc, gia cầm sống, nhất là đối với các xe chở lợn sống nếu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững…


Related news

nong-nghiep-cong-nghe-cao-hut-von-nhat-ban Nông nghiệp công nghệ cao… giong-nhan-ido-tai-vinh-long-dat-chuan-my Giống nhãn Ido tại Vĩnh…