Tin nông nghiệp Giá lúa tăng trở lại ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long

Giá lúa tăng trở lại ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long

Author Hương Nguyễn, publish date Wednesday. October 23rd, 2019

Theo nguồn tin từ Báo Cần Thơ, sau một thời gian ở mức thấp, giá nhiều loại lúa tại vùng ĐBSCL hiện tăng trở lại từ 100 - 300 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL như: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… giá lúa tươi IR50404 ở mức 4.100 - 4.400 đồng/kg; lúa tươi OM5451 từ 5.000 - 5.100 đồng/kg; lúa Jasmine 85 có giá 51.000 - 5.300 đồng/kg; lúa tươi Đài Thơm 8 ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg. Giá lúa tăng do nguồn cung lúa hàng hóa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã giảm mạnh so với trước vì phần lớn các diện tích lúa thu đông 2019 đã được nông dân thu hoạch và tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa.

Trong khi đó, gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.

Vụ thu đông 2019, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ gieo trồng được 64.248 ha lúa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến ngày 9/10, nông dân đã thu hoạch được 59.440 ha lúa, với năng suất ước đạt 51,68 tạ/ha. Hiện diện tích lúa còn lại chưa thu hoạch tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh.

Thông tin từ Cục bảo vệ thực vật, trong tuần đến 22/10 dự báo sâu bệnh tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ muộn. Theo đó, tại các tỉnh Bắc bộ: Rầy hại trên trà lúa muộn, giống nhiễm. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại tăng nhất là trên giống nhiễm. Chuột, bọ xít dài, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông,... tiếp tục hại.

Các tỉnh Bắc Trung bộ: Chuột hại ở giai đoạn đòng trỗ tại các tỉnh trong vùng, hại nặng ở khu vực gần khu dân cư, gò bãi. Bệnh bạc lá vi khuẩn, lem lép hạt hại nặng trong điều kiện thời tiết mưa bão, đặc biệt trên các chân đất hẩu, lầy thụt, diện tích bón phân không cân đối.

Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, đen lép hạt,... gây hại trên lúa Mùa muộn, lúa vụ 3 ở giai đoạn trỗ đến chín. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông hại ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ và chín. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân,... gây hại trên lúa vụ 3, lúa Mùa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Chuột hại rải rác.

Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL: Rầy nâu phổ biến trưởng thành mang trứng đến tuổi 1. Bệnh đạo ôn phát triển từ nhẹ đến trung bình, ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng đến trỗ trong điều kiện có mưa nhiều tạo ẩm độ cao như hiện nay. Ốc bưu vàng: cần lưu ý đối với lúa mới sạ <15 ngày và những ruộng trũng, khó thoát nước; bệnh bạc lá, đen lép hạt, chuột ở giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ chín.

Dẫn nguồn tin từ Tri thức trẻ, Philippines chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xem xét thận trọng hợp đồng xuất khẩu gạo vào Philippines và nếu có thể thì nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa rủi ro trên thị trường này.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11/10/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã ra thông báo công khai chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào Philippines.

Đây là vụ việc do Bộ Nông nghiệp Philippines tự khởi xướng điều tra vào ngày 11/9/2019 với lý do nhập khẩu gạo gia tăng đột biến gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân Philippines.

Sau khi nhận được thông báo của Philippines về việc khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã chủ động cung cấp thông tin, khẩn trương trao đổi, làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Bộ/ngành liên quan để xây dựng phương án xử lý vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 9/2019, Bộ Công Thương đã làm việc với một số cơ quan có liên quan của Philippines như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Ủy ban Thuế quan để bày tỏ quan điểm, ý kiến của Việt Nam đối với vụ việc.

Việc Philippines chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian trước mắt, có thể tiếp tục xuất khẩu gạo sang Philippines theo cơ chế hiện hành của Philippines.

Do Philippines vẫn có khả năng sử dụng một số biện pháp khác theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và của ASEAN để tác động vào lượng gạo nhập khẩu nên trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó khi có tình huống mới phát sinh.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương khuyến nghị xem xét thận trọng hợp đồng xuất khẩu gạo vào Philippines và nếu có thể thì nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa rủi ro trên thị trường này.


Related news

trong-rung-go-lon-nang-cao-gia-tri-rung-trong Trồng rừng gỗ lớn nâng… nguon-cung-thap-giu-gia-gao-xuat-khau-neo-o-dinh-2-thang Nguồn cung thấp giữ giá…