Thống kê thủy sản Giá tôm nguyên liệu giảm nhẹ vào cuối năm 2021

Giá tôm nguyên liệu giảm nhẹ vào cuối năm 2021

Author Thủy Chung, publish date Wednesday. January 12th, 2022

Giá tôm thẻ chân trắng của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ trong những tuần cuối của năm 2021, dao động 97.000 - 145.000 đồng/kg tùy loại. Song, giá tôm sú lại có xu hướng ổn định, khoảng 140.000 - 235.000 đồng/kg.

Theo Undercurrent News, giá tôm thẻ chân trắng của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ trong những tuần cuối của năm 2021. Giá tôm nguyên liệu mua vào giảm trung bình 3.000 - 4.000 đồng (0,13 - 0,18 USD)/kg so với những tuần trước đó, tùy thuộc vào kích cỡ.

Các thương nhân cho biết giá tôm thẻ thu mua tại chân ruộng vào cuối tháng 12/2021 (tuần thứ 52 của năm 2021) dao động 145.000 đồng (6,37 USD)/kg cho loại 40 con; 122.000 đồng/kg loại 60 con; 110.000 đồng/kg loại 80 con và 97.000 đồng/kg loại 100 con.

Khác với tôm thẻ chân trắng, giá tôm sú vẫn duy trì ở mức ổn định, khoảng 235.000 đồng/kg 20 loại con; 170.000 đồng/kg loại 40 con và 140.000 đồng/kg loại 60 con.

Các nguồn tin của Undercurrent News cho biết: "Giá tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ do các thị trường nhập khẩu đang trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, nhu cầu đặt hàng giảm".

Tuy nhiên, thương nhân này dự đoán giá tôm năm 2022 có xu hướng giảm vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp có thể tác động đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ở nhiều thị trường.

Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản có thể chứng lại trong quý I vì lượng tồn kho của các quốc gia này vẫn dồi dào.

Mặt khác, Trung Quốc đang ưu tiên sản xuất và tiêu dùng tôm nội địa. Trong khi, sản xuất tôm năm 2022 của Ecuador được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh khi chạm mốc 1 triệu tấn vào năm 2021. Tương tự, Ấn Độ và Việt Nam cũng trong cuộc đua này.

"Theo quy luật cung – cầu, giá tôm khó có thể tăng. Tuy nhiên, trường hợp, dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế toàn cầu dần dần tăng trưởng trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022", thương nhân này cho biết.

Nhìn vào biểu đồ của Undercurrent News, giá tôm của Việt Nam giảm mạnh vào nửa đầu năm 2021, trước khi tăng bật trở lại vào nửa cuối năm 2021.

Cũng theo một thương nhân, giá tôm sú sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc giảm nhẹ cho đến vụ thu hoạch chính vào tháng 2, tháng 3.

"Trong những năm gần đây, tôm sú chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng có vẻ như Trung Quốc không còn mặn mà với sản phẩm này từ năm ngoái đến nay.

Tuy nhiên, tháng 1 là thời điểm nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trái vụ. Nguồn cung ở mức thấp sẽ giúp giá tôm của Việt Nam vẫn ổn định và ở mức cao so với mặt bằng chung của các nước khác", đại diện văn phòng Siam Canadian tại Việt Nam nói.

Đại diện Siam Canadian cho biết tình hình hiện tại không phản ánh xu hướng thực của thị trường. Thông thường, giá tôm sẽ giảm khi các ngày lễ đến, các nhà máy đóng cửa và không mua nguyên liệu để sản xuất.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Việt Nam và thị trường Trung Quốc vào dịp Tết âm lịch sẽ giữ giá tôm nguyên liệu ở mức hiện tại.

Mặt khác, sự thiếu hụt nguồn cung tôm trong quý I có thể khiến giá tôm sẽ tăng bật khi các nhà máy hoạt động trở lại.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cho biết giá tôm nguyên liệu phục hồi trong quý 4/2021 khi nguồn cung bị thắt chặt.

Song, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021 đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020. Với đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp có thể ghi nhận lãi nhẹ trong năm 2021.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất, cước vận tải tăng phi mã đã ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp tôm.

Dù vậy, đại diện Fimex tỏ ra khá lạc quan khi nhìn về triển vọng năm 2022. Sau những gì trải qua năm 2021, các địa phương và doanh nghiệp đều có kinh nghiệm phòng dịch, nên sẽ không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy như năm 2021.

Vào tháng 10/2021, Việt Nam cũng chứng kiến làn sóng hồi hương của lượng lớn người lao động ngoại tỉnh và phần lớn không có ý định quay lại thành phố làm việc.

Đây là cơ hội cho các các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô hoặc xây dựng thêm nhà máy chế biến, thu hút lao động. Khi nhà máy chế biến được xây lên cũng sẽ thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản phát triển.

Ông Robins McIntosh, Phó Chủ tịch cao cấp của Tập đoàn C.P Foods (Thái Lan) cho biết sản lượng tôm của Việt Nam đã tăng từ 570.000 tấn vào năm 2020 lên

630.000 tấn vào năm 2021. Ông kỳ vọng sản lượng tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022, lên 700.000 tấn.

"Ngành tôm của Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời, họ tăng cường ứng dụng nhiều công nghệ mới, nuôi tôm thâm canh trong các ao nổi, giúp tăng năng suất và giảm bệnh dịch ở tôm", đại diện C.P Foods nói.


Related news

xuat-khau-tom-thang-lon-o-thi-truong-my-eu Xuất khẩu tôm thắng lớn… den-nam-2025-tom-xuat-khau-se-dat-tren-5-6-ty-usd Đến năm 2025, tôm xuất…