Tin thủy sản Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Author Nguyễn An (tổng hợp), publish date Tuesday. September 19th, 2017

Hoạt động nuôi trồng thủy sản đang phát triển khá mạnh, cùng đó là quá trình phát sinh các nguồn chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Làm thế nào để đảm bảo môi trường nuôi an toàn là vấn đề bức xúc cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Nuôi thủy sản kết hợp giúp giảm ô nhiễm môi trường Ảnh: Diệu Lữ 

Xử lý các chất ô nhiễm

Một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thức ăn tôm, cá không được hấp thụ vào cơ thể để tạo sinh khối mà bị thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa, phân và chất thải, là nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường.

Hệ thống xử lý: Cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải ao nuôi trước khi xả ra môi trường. Diện tích ao xử lý nước thải tối thiểu bằng 30% diện tích ao nuôi. Bùn thải trong nuôi thủy sản phải có khu chứa riêng trong cơ sở nuôi, hay có phương án xử lý phù hợp như: Bồi đắp nền nhà, tôn cao bờ đê, san lấp mặt bằng... Tránh tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh rạch, dẫn đến tình trạng ô nhiễm hữu cơ, để lại dư lượng hóa chất trong đất, nước và gây ra tình trạng bồi lắng các kênh rạch trong vùng nuôi.

Dùng chế phẩm sinh học: Vi sinh vật nói chung và vi khuẩn nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển vật chất như phân hủy các chất hữu cơ, chuyển đổi các hợp chất vô cơ từ dạng này sang dạng khác. Do đó, cần đưa các vi sinh vật có lợi như vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men vào trong ao nuôi giúp phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong quá trình nuôi. Trên thực tế, có rất nhiều chế phẩm sinh học đã và đang được sử dụng hiệu quả trong nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.

Nuôi trồng kết hợp: Sử dụng một số động vật thân mềm hai mảnh vỏ, rong biển, một số loài cá có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa từ các ao nuôi tôm thâm canh. Cụ thể, Châu Minh Khôi và cộng sự (2012) đã nghiên cứu khả năng xử lý các chất thải dinh dưỡng dư thừa trong nước thải ao nuôi cá tra thâm canh bằng cây lục bình (Eichhorina crassipes) và cỏ Vetiver (Vetiver zizanioides). Kết quả nghiên cứu cho thấy, lục bình và cỏ Vetiver có khả năng hấp thụ các chất thải dinh dưỡng dư thừa và làm giảm 85 - 88% N và 99 - 100% P hữu cơ trong nước thải của ao nuôi cá tra sau 4 tuần. Tiếp đó, Nguyễn Văn Trai (2013) đã nghiên cứu thử nghiệm dùng vọp (Geloina coaxans) và hàu (Crassostrea sp.) để xử lý nước thải từ các ao nuôi tôm thâm canh ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, với các bể xử lý bằng vọp (kích cỡ 37 + 6,6 g, mật độ 60 con/m3, cấp nước thải từ các ao nuôi tôm, sục khí liên tục rất hiệu quả trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa, thể hiện qua việc giảm hàm lượng các thông số COD (92,7%), TSS (81,8%), TN (82,4%) và TP (89%) trong mẫu nước sau khi xử lý.         

Sử dụng bùn ao làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp: Nhiều hộ nuôi ở vùng ĐBSCL đã và đang sử dụng bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để bơm cho các khu cây trồng như ruộng lúa, vườn cây, làm giảm ô nhiễm môi trường và tăng năng suất và lợi nhuận thu được từ các vườn cây, ruộng lúa. Hình thức này càng được nhiều người dân ủng hộ, áp dụng hiệu quả. Tuy nhiên, cần có quy hoạch tổng thể lại vùng nuôi cá tra và vùng đất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi cũng như xem xét các cây trồng, mùa vụ hợp lý để thúc đẩy mô hình này phát triển. Trương Quốc Phú và cộng sự (2012) đã tiến hành xử lý bùn đáy ao nuôi cá tra thâm canh để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng và kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Thực hành tốt quy trình

Trong công tác quản lý môi trường cần kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức, cá nhân; thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cam kết thực hiện đúng theo quy định. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống, nuôi thủy sản thương phẩm áp dụng thực hành hình thức nuôi tốt, nuôi có tránh nhiệm (GAP, VietGAP, GlobalGAP, BAP), Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh… nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nuôi xung quanh.

Giám sát, quan trắc môi trường

Việc giám sát, quan trắc môi trường vùng nuôi cũng góp phần không nhỏ nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; thu thập, ghi chép đầy đủ các số liệu, thông tin có liên quan và kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về môi trường khi có yêu cầu. Cùng đó, áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan quản lý yêu cầu.

Nâng cao ý thức người dân

Chấp hành nghiêm luật môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Người nuôi hạn chế lạm dụng thuốc và hóa chất trong kiểm soát bệnh tôm, xử lý nước, xử lý đáy ao. Giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ nuôi, chủ cơ sở nuôi về bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.


Related news

mo-hinh-nuoi-ca-dua-tren-nen-ao-nuoi-tom-nuoc-lo Mô hình nuôi cá dứa… quy-trinh-nuoi-ca-chep-v1 Quy trình nuôi cá chép…