Tin thủy sản Giải pháp nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Giải pháp nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Author Văn Thọ, publish date Thursday. May 19th, 2016

Thời gian qua, biến đổi khí hậu xảy ra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gây tác động không nhỏ cho hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, các tỉnh ở ĐBSC) đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang xảy ra. Các mô hình này là kết quả của những nghiên cứu khoa học, đã mang lại hiệu quả tích cực cho người nuôi.

Tại Bạc Liêu, người dân đang nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ đó đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, tại vùng ven biển thuộc huyện Đông Hải, mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp và nuôi tôm sinh thái theo mô hình tôm - rừng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 550 hộ nông dân tham gia áp dụng mô hình tôm - rừng với diện tích hơn 2.648ha và mô hình này vẫn tiếp tục được khuyến khích nhân rộng trong năm nay (trong số này, diện tích nuôi tôm kết hợp với rừng phòng hộ ven biển là 1.200ha, rừng trồng trên đất nuôi tôm trên 1.450ha và tập trung chủ yếu ở ba xã Điền Hải, Long Điền Đông và Long Điền Tây). So với nuôi tôm quảng canh, năng suất của mô hình tôm - rừng chỉ đạt từ 700 – 800 kg/ha/năm. Do vậy, lợi nhuận bình quân khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha/năm. Tuy năng suất đạt thấp hơn các mô hình nuôi trồng thủy sản khác, nhưng ở mô hình này, người dân sẽ thu được nhiều lợi ích kinh tế khác, có thể có được nhiều nguồn lợi từ biển như cua giống, cá kèo giống và thu được nhiều loại thủy sản có giá trị khác sống dưới tán rừng.

Ngoài Bạc Liêu thì tại một số tỉnh khác (như Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre), cũng áp dụng mô hình sản xuất tôm - lúa, là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng diễn biến phức tạp, cùng với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt như: xâm nhập mặn, hạn hán, nước biển dâng, môi trường bị ô nhiễm. Từ mô hình tôm - lúa, người nông dân đã tạo được nguồn lợi kinh tế chủ lực là tôm và lúa trên cùng diện tích sản xuất với mức ổn định từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, giúp xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững . Mô hình tôm - lúa không chỉ giúp người dân đảm bảo cuộc sống vì nâng cao chất lượng, giá trị nông sản mà còn bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2015, diện tích sản xuất luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa toàn vùng khoảng 160.000ha, năng suất bình quân đạt 300 - 500 kg/ha. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lợi ích của nuôi tôm - lúa là tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất; giảm chi phí đối với vụ làm lúa về làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tạo sản phẩm lúa và tôm an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Vào mùa khô, nước ngoài sông, rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, khi mùa mưa xuống có nước ngọt rửa mặn đồng ruộng để trồng lúa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi có giá trị kinh tế là tôm và lúa.

Để những mô hình sản xuất bền vững có thể tiếp tục phát triển mạnh, trong thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL cần thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa, vùng nuôi tôm nước lợ. Các diện tích bị xâm nhập mặn cần quy hoạch cụ thể, cho phép chuyển đổi sang mô hình –tôm - lúa trên diện tích vốn chỉ trồng lúa. Cùng với đó, các tỉnh ĐBSCL cũng phải nhanh chóng đầu tư hệ thống thủy lợi phù hợp cho những mô hình này; Đồng thời, phải nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc vùng ĐBSCL, cảnh báo và giám sát chất lượng nước trên hệ thống sông, kênh rạch chính vì đây là nguồn cung cấp nước mặn - ngọt phục vụ sản xuất.

Trước tình hình nguồn nước ngày càng khó khăn về chất lượng, cũng như số lượng, rất cần có một hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh, hợp lý cho từng tiểu vùng, khu vực để có thể gom các diện tích nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán thành một vùng sản xuất lớn. Giải quyết tốt những vấn đề này chính là đi đúng với đường lối, chủ trương xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, qua đó công tác quản lý sản xuất, vận hành khai thác hệ thống công trình thủy lợi sẽ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra phương pháp sản xuất giống tôm có khả năng chịu đựng, thích nghi tốt với nhiệt độ cao (hoặc xác định một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, phát triển và sinh trưởng tốt ở nhiệt độ cao làm đối tượng nuôi thay thế cho tôm).


Related news

quang-tri-ho-tro-tren-13-000-ho-ngu-dan-bi-anh-huong-boi-hai-san-chet Quảng Trị hỗ trợ trên… nguoi-dan-ngai-an-gia-hai-san-giam Người dân ngại ăn, giá…