Tin thủy sản Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững

Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững

Author Thu Hiền, publish date Friday. November 15th, 2019

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến 31/8/2019, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Sản xuất được là 80,3 triệu con tôm giống (trong đó tôm sú là: 19,5 triệu con; tôm TCT: 61,8 trệu con) bằng 102% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số kết quả đạt được

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2019 là năm khó khăn đối với ngành thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng, thời tiết diễn biến bất thường như nắng nóng, mưa bất thường, hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ. Tình hình thế giới xuất hiện nhiều biến động, xung đột thương mại gia tăng; các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2019.

Mặc dù vậy, ngành thủy sản vẫn duy trì được sản xuất ổn định và đạt được một số kết quả. Tính đến 31/8/2019, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Sản xuất được là 80,3 triệu con tôm giống (trong đó tôm sú là: 19,5 triệu con; tôm TCT: 61,8 trệu con) bằng 102% so với cùng kỳ năm 2018. Giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con, mặc dù trong bối cảnh giá thành sản xuất tăng do các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất tôm giống tăng, nhưng các cơ sở sản xuất vẫn giữ ổn định giá bán để hỗ trợ khách hàng.

Về diện tích thả nuôi đến tháng 8 năm 2019 đạt 689.516 ha (tăng 0,5% so với cùng kỳ 2018), trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 600.575 ha; diện tích thả nuôi tôm chân trắng là 88.941 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 444.404 tấn (tăng 15,0% so với cùng kỳ 2018), trong đó sản lượng tôm sú 161.576 tấn; sản lượng tôm chân trắng 282.828 tấn.

Giá bán tôm nguyên liệu khu vực ĐBSCL: Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg: giá dao động từ 80.000-95.000 đ/kg (tăng 2.000-7.000 đ/kg so với tháng 7/2019); Tôm sú loại 30 con/kg giá 190.000-202.000 đ/kg. Khu vực Miền trung: Tôm thẻ chân trắng loại 100con/kg: giá dao động từ 89.000-98.000 đ/kg (tăng 2.000- 3.000đ/kg so với tháng 7/2019). Khu vực miền Bắc: Giá tôm thẻ chân trắng hiện ổn định so với tháng 7/2019 giữ ở mức 85.000-97.000đ/kg.

Theo Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân giảm giá tôm là do một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador … tiếp tục được mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Những tác động này đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá tôm trong nước. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nước ta vẫn cao hơn các nước khác. Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung. Thị trường nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật: Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong khi nhiều doanh nghiệp nước ta chủ quan, chưa đáp ứng yêu cầu.

Về xuất khẩu, tám tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD (giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ giảm đã chậm lại do tháng 7 xuất khẩu tăng trưởng dương. Riêng tháng 7 xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD (tăng 13,4% so với tháng 7 năm 2018). 

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Sao Ta, CP Việt Nam, Camimex...

Các chuyên gia cho rằng mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp trên xuất đi Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Do đó, tôm Việt khi được ưa chuộng ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội tốt để xuất vào các thị trường khác. 

Top 8 thị trường nhập khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu chuyển biến tích cực.

Khó khăn và thách thức của ngành tôm

Bên cạnh những kết quả đạt được, nuôi tôm nước lợ vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững. Đó là các khó khăn: Giá thành sản xuất tôm chi phí nuôi ở nước ta vẫn còn cao so với một số nước. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65-70% giá thành nuôi tôm công nghiệp đồng thời thức ăn qua nhiều khâu trung gian tăng 20-30% so với giá gốc); Chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá điện tăng đồng thời nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện v.v.. (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá thành vận chuyển vật tư, nguyên liệu hiện vẫn còn cao.

Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo: Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, rào cản kỹ thuật và cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khâu ngày càng chặt chẽ.

Một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu tôm các tháng cuối năm 2019

Để giải quyết các khó khăn, Tổng cục Thủy sản đã đề ra một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu tôm. Đó là: Tiếp tục tổ chức tốt các quy định mới theo Luật thủy sản 2017, đặc biệt là công tác đăng ký các đối tượng nuôi chủ lực để đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết khí hậu để có giải pháp kỹ thuật phù hợp, kịp thời. Tiếp tục tham mưu cho Bộ tập trung phát triển sản phẩm quốc gia là tôm theo hướng: giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới; Tổ chức tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất; tăng cường xuất khẩu. Tổ chức các Hội nghị về quản lý giống tôm nước lợ và đánh giá Quy chế phối hợp quản lý giống thủy sản; Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ và bàn giải pháp cho những năm tiếp theo.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Trung Quốc, Ả rập - xê út, Hoa Kỳ, EU; Tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá về các ngành hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam tại một số quốc gia nhập khẩu chính.

Tiếp tục tổ chức kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống triển khai quan trắc tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.


Related news

nang-cao-chat-luong-tom-truoc-khi-thu-hoach Nâng cao chất lượng tôm… xu-ly-phen-trong-ao-mua-mua Xử lý phèn trong ao…