Giải pháp phòng, trị bệnh tổng hợp cho cá biển
Trong nuôi trồng thủy sản vấn đề phòng bệnh được đặt lên hàng đầu và nguyên tắc là “phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”. Do vậy, để tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho cá biển nuôi lồng bè, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng và diễn biến bất thường; người nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp phòng và trị bệnh cụ thể như sau.
Kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi tại xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Một số giải pháp an toàn sinh học
Chất lượng và nguồn gốc cá giống:
– Cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được mua ở cơ sở có uy tín và được chứng nhận không có bệnh, kích cỡ cá giống phải đồng đều;
– Cá giống phải đảm bảo khỏe mạnh, không bị xây xát, tuột vẩy hay có dấu hiệu xuất huyết;
– Cá giống được kiểm tra không nhiễm một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm như VNN, Iridovirus.
Chăm sóc, quản lý:
– Lựa chọn địa điểm nuôi có nguồn nước tốt; không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; tránh chọn những nơi có ô nhiễm dầu;
– Thả nuôi với mật độ hợp lý, không nên thả nuôi với mật độ quá dày;
– Thức ăn phải tươi sống, không ươn thối. Nếu sử dụng thức ăn công nghiệp phải có chất lượng cao, không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng;
– Cá phải được nuôi theo từng nhóm cá và tuổi cá, thường xuyên phân loại và phân đàn cho cá;
– Định kỳ vệ sinh, khử trùng sàng cho ăn; lồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ;
– Các dụng cụ đánh bắt không được dùng lẫn lộn giữa các khu vực, các trang trại nuôi;
– Khi phát hiện cá có bệnh, cần nhốt cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp;
– Cá chết phải được vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra biển để tránh sự lây lan và phát tán mầm bệnh.
Một số giải pháp cụ thể trong phòng bệnh
– Phòng bệnh ký sinh trùng: Định kỳ 10 – 15 ngày treo túi thuốc VICATO (TCCA) liều lượng 1 viên 150 g/10 m3 lồng. Viên thuốc treo sâu dưới mặt nước 1 m.
– Phòng bệnh vi khuẩn: Treo túi thuốc tương tự như bệnh ký sinh trùng. Hoặc tiêm vaccine phòng bệnh vi khuẩn cho cá.
– Phòng bệnh nấm: Treo túi thuốc tương tự như bệnh ký sinh trùng.
– Phòng bệnh virus: Treo túi thuốc tương tự như bệnh ký sinh trùng. Hoặc tiêm vaccine phòng bệnh virus cho cá. Kết hợp trộn Vitamin C liều lượng 20 – 30 mg/kg cá/ngày, mỗi tháng cho ăn một đợt kéo dài từ 7 – 10 ngày để tăng cường khả năng phòng bệnh cho cá.
Một số giải pháp cụ thể trong điều trị bệnh
– Đối với bệnh ký sinh trùng và bệnh nấm:
+ Tắm nước ngọt cho cá, từ 10 – 15 phút;
+ Tắm formol 200 – 300 ml/m3 trong 30 – 60 phút;
+ Tắm thuốc tím (KMnO4) cho cá bệnh nồng độ 10 ppm thời gian 30 phút.
– Điều trị bệnh vi khuẩn: Chỉ nên dùng kháng sinh được phép sử dụng trong NTTS để chữa bệnh vi khuẩn cho cá. Có thể dùng để tắm hoặc trộn vào thức ăn. Trộn thuốc kháng sinh kết hợp Vitamin C vào thức ăn cho cá nuôi, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.
Lưu ý:
+ Phương pháp tắm cần liều lượng cao nhưng ít ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá;
+ Phương pháp trộn, sử dụng liều lượng thấp hơn, dùng trong 5 – 7 ngày, nhưng ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá;
+ Nếu cá bị bệnh cần để riêng và khử trùng nồng độ cao các dụng cụ đựng cá bệnh. Tuyệt đối không dùng cá bệnh làm thức ăn cho cá nuôi.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao