Tin nông nghiệp Giải pháp sinh học là yêu cầu tất yếu

Giải pháp sinh học là yêu cầu tất yếu

Author Lê Bền - Trung Quân, publish date Thursday. March 11th, 2021

Dù muốn hay không, việc đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sinh học là yêu cầu tất yếu trước bối cảnh mới của nền nông nghiệp nước ta.

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước yêu cầu không chỉ năng suất, mà còn cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm. Ảnh: Lê Bền

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho rằng: Trong một giai đoạn dài, nông nghiệp nước ta phải đảm nhiệm vai trò đảm bảo an ninh lương thực, phải đặt vấn đề năng suất và sản lượng lên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, thuốc BVTV và phân bón vô cơ là biện pháp cứu cánh cho sản xuất.

Có thể nói, phân bón vô cơ và thuốc BVTV đã đóng vai trò, sứ mệnh quan trọng trong việc nâng cao năng suất, bảo vệ sản xuất, đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực trở thành một quốc gia lớn về xuất khẩu lương thực, nông sản.

Vì vậy, phân bón hóa học hay thuốc BVTV không nên xem là tội đồ. Kể cả giai đoạn hiện nay, chúng ta vẫn phải sử dụng đến nó với một phương thức canh tác làm sao cho cân đối.

Mặc dù vậy đến nay, có thể nói giai đoạn sản xuất để ăn no đã qua, và đã tiến tới giai đoạn sản xuất để ăn ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ, bền vững với môi trường.

Về xuất khẩu nông sản, hiện nay, Việt Nam đã tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, AFTA cũng như nhiều hiệp định thương mại khác, đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm…

Rõ ràng, nhu cầu trong nước và xuất khẩu đã thay đổi, mục tiêu sản xuất cũng đã thay đổi từ số lượng sang chất lượng, an toàn, bảo vệ hệ sinh thái. Với cách tiếp cận sản xuất, mục tiêu như vậy, việc tái khởi động, lan tỏa mạnh mẽ việc áp dụng IPM (quản lí dịch hại tổng hợp) trong nông nghiệp hiện nay đang là yêu cầu hết sức cấp thiết.

Tiếp cận mới theo “sức khỏe cây trồng”

Ngày 24/11/2020, Bộ NN-PTNT cũng đã có chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV gửi UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc về việc tiếp tục triển khai chương trình IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu.

Trong đó, tập trung xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động theo hướng tiếp cận mới là quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Bởi một trong những nguyên tắc cơ bản của IPM là cây phải khỏe. Đây cũng đang là cách tiếp cận mới của FAO.

Để cây khỏe, sẽ liên quan đến vấn đề tổng thể từ canh tác, giống, quy trình canh tác, chăm sóc... Bên cạnh đó, cần đi đôi với bảo vệ cả hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm cả cây trồng, đất, nước, không khí, các hệ sinh vật trong quần thể của cây trồng… gắn kết với nhau.

Tuy nhiên, cây trồng luôn phải có sâu bệnh. Và đi theo sâu bệnh, luôn có kẻ thù tự nhiên để khống chế sâu bệnh (thiên địch). Sâu bệnh là những mắt xích, tạo chuỗi thức ăn cho thiên địch.

Trong cách tiếp cận của IPM, chúng ta cố gắng quản lý sâu bệnh hại để làm sao sâu bệnh hại luôn “sống chung” với cây trồng, nhưng ở mức gây hại thấp nhất mà chúng ta có thể chấp nhận được.

Trong cách tiếp cận IPM theo hướng sức khỏe cây trồng, nguyên tắc cơ bản cây phải khỏe, bởi khi cây khỏe (từ khâu giống, phân bón, quy trình canh tác…), chính là đã giảm được nguy cơ sâu bệnh.

Nguyên tắc thứ hai là phải bảo vệ thiên địch, xem thiên địch là người bạn của nhà nông. Muốn bảo vệ thiên địch, việc sử dụng BVTV phải hạn chế tối thiểu. Bởi việc sử dụng thuốc BVTV, vừa giúp diệt sâu bệnh, nhưng cũng đồng thời sẽ tiêu diệt luôn cả thiên địch có ích.

Một ví dụ trong áp dụng IPM nhiều năm qua, Cục BVTV luôn khuyến cáo nông dân không nên phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn lúa 40 ngày sau cấy hoặc xạ vì cực kỳ nguy hại, trừ trường hợp mật độ rầy quá cao.

Lý do là bởi ở giai đoạn cây lúa 40 ngày tuổi, việc không phun thuốc BVTV sẽ giúp bảo vệ được hệ thống thiên địch hình thành tự nhiên của nhiều loại sâu hại như rầy, sâu cuốn lá nhỏ…, khiến nguy cơ bùng phát sâu hại ở cuối vụ sẽ rất thấp.

Sẽ xã hội hóa nhằm lan tỏa giải pháp đấu tranh sinh học

Việc đẩy mạnh sử dụng thiên địch thực ra ở nước ngoài đã đi trước chúng ta rất nhiều. Ví dụ sâu đầu nâu đục thân mía, Trung Quốc đang khống chế rất tốt ở vùng trồng mía Quảng Tây hoàn toàn bằng biện pháp đấu tranh sinh học (sử dụng thiên địch).

Tuy nhiên ở nước ta, việc áp dụng biện pháp đấu tranh sinh học, sử dụng thiên địch trong phòng chống sâu bệnh hại cây trồng chỉ mới đang ở mức khuyến khích, khích lệ.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng nhân nuôi các thiên địch có ích có sẵn trong nước, Cục BVTV cũng đã chủ động nhập khẩu một số loài thiên địch.

Một số hiệu quả bước đầu trong sử dụng thiên địch trong sản xuất nông nghiệp những năm qua ở nước ta, có thể kể tới quản lý cbọ cánh cứng hại dừa rất hiệu quả. Hoặc một số địa phương, doanh nghiệp cũng đã sử dụng hiệu quả một số loài thiên địch như ong ký sinh, bọ đuôi kìm… để khống chế bệnh rệp sáp, sâu đục thân mía…

Gần đây nhất, một số cơ sở sản xuất cũng đã bước đầu thành công trong việc sử dụng thiên địch trong sản xuất rau an toàn hưỡng hữu cơ ở Lâm Đồng, nhiều mô hình nuôi thả kiến vàng phòng trừ sâu hại trong các nhà vườn cây ăn quả cũng đã được áp dụng hiệu quả.

Ngoài ra, một số sản phẩm chế phẩm sinh học đối kháng chống lại côn trùng, nấm bệnh trong đất cũng đã được Bộ NN-PTNT đặt hàng các đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện…

Mặc dù vậy, giải pháp đấu tranh sinh học, sử dụng thiên địch hiện vẫn chưa thành một phong trào sâu rộng trong sản xuất. Bởi một phần chúng ta chưa có chính sách cho việc nhân, nuôi thiên địch.

Một ví dụ, chủ trương chúng ta là xã hội hóa việc nhân nuôi, sử dụng thiên địch. Tuy nhiên đối với một số loài thiên địch, khi các đơn vị nghiên cứu ra, lại rất khó có cơ chế để bán cho đối tượng sử dụng. Bởi đặc thù của thiên địch là phải thiết lập được quần thể trên diện rộng, trong khi đặc thù sản xuất của chúng ta lại là nông hộ nhỏ lẻ, nên khó có cơ chế để mua – bán thiên địch cho chủ thể sử dụng…

Vì vậy, nên chăng, đây vẫn cần phải xem là nhiệm vụ của các cơ quan quản lí nhà nước, mang tính chất dịch vụ cộng đồng, cần được giao nhiệm vụ cho các đơn vị, viện nghiên cứu để nghiên cứu, nhân nuôi để thả thiên địch ở các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn…

Bên cạnh đó giai đoạn tới, Cục BVTV cũng đang nghiên cứu cơ chế sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung để áp dụng việc sử dụng thiên địch trong sản xuất.

Thông qua hiệu quả giúp giảm được sử dụng thuốc BVTV, giảm được chi phí sản xuất, cải thiện môi trường, hệ sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm… mà thiên địch mang lại, các doanh nghiệp sẽ có cơ chế để hỗ trợ trở lại nguồn lực tài chính cho các đơn vị, viện nghiên cứu trong việc nghiên cứu, nhân nuôi, sử dụng thiên địch trong sản xuất, qua đó từng bước tạo sự lan tỏa hơn nữa áp dụng giải pháp đấu tranh sinh học cho sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững.

Với định hướng chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cũng như các nguồn lực hỗ trợ từ FAO, trong 5 năm 2021 – 2025, định hướng tới năm 2030, Cục BVTV sẽ tổng kết chương trình IPM và xây dựng chiến lược cho Việt Nam đi theo hướng sức khỏe cây trồng. Theo đó, Cục BVTV sẽ xây dựng chương trình và bộ tài liệu hướng dẫn đào tạo giảng viên và nông dân.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo giảng viên IPM cho các địa phương; phối hợp, hỗ trợ các địa phương để tổ chức lớp đào tạo giảng viên IPM. Bên cạnh đó, phối hợp với FAO, các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các sơ sở đào tạo có ngành nghề nông nghiệp tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật cho chương trình IPM bám sát thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Song song đó, sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp sử dụng trong IPM, nhất là chọn tạo giống chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp canh tác (chăm sóc cây khỏe, tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái) và biện pháp sinh học…


Related news

ipm-tang-hieu-qua-san-xuat-giam-o-nhiem-moi-truong IPM tăng hiệu quả sản… chon-tao-thanh-cong-giong-ca-chua-lai-vt15 Chọn tạo thành công giống…