Mô hình kinh tế Giải quyết khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ

Giải quyết khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ

Publish date Friday. August 14th, 2015

Trong 7 tháng qua, diện tích tôm sú cả nước ước đạt 574.000 ha, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sản lượng giảm 3,7%, đạt khoảng 131.000 tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích tôm sú ước đạt 540.400 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng 124.000 tấn, giảm 8,1%. Một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như Cà Mau giảm 13,5%, Kiên Giang giảm 3,3%, Bến Tre giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với tôm thẻ chân trắng, đến nay cả nước có khoảng 45.600 ha thả nuôi, giảm 23,2%; sản lượng đạt 118.900 tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể thả nuôi được 39.100 ha với sản lượng đạt 84.900 tấn. Một số tỉnh có diện tích, sản lượng giảm nhiều như Bến Tre diện tích giảm 12,4%, sản lượng giảm 17,2%; Bạc Liêu diện tích giảm 38,1%, sản lượng giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, diện tích tôm giảm chủ yếu rơi vào vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân chính của tình trạng giảm diện tích chủ yếu do nắng nóng, xâm nhập mặn và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn khiến tỉ lệ xuống giống thấp.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 16% trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu do xuất khẩu tôm giảm mạnh. Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm mạnh là do giá tôm xuất khẩu giảm, trong khi tôm Ấn Độ và các nước Nam Mỹ đẩy mạnh nguồn cung từ đầu năm đến nay, bên cạnh đó vấn đề biến động tỉ giá cũng gây khó khăn cho xuất khẩu tôm.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vụ tôm nước lợ năm nay diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết và sự biến động của thị trường.

Để tranh thủ cơ hội về thị trường và thời tiết cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tập trung một số giải pháp:

Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và người dân ít nhất 2 lần/tháng. Đồng thời phối hợp Cục Thú y, các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và địa phương làm rõ trách nhiệm và hướng dẫn nhiệm vụ quan trắc môi trường với cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản mà trọng tâm trước hết là tôm nước lợ. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, hộ sản xuất nhỏ, trước hết tại các vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, có biện pháp tăng năng suất; tăng cường tập huấn cho người dân, đặc biệt là người nuôi thâm canh theo quy mô nông hộ. Chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì phối hợp với Cục Thú y tiếp tục tháo gỡ khó khăn về rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, phối hợp với VASEP khởi động lại chương trình “Nói không với tạp chất”.

Cục Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm tra, giám sát thường xuyên và quyết liệt tại các trại giống, tiêu hủy hoàn toàn giống có bệnh, tăng cường đào tạo cho cán bộ địa phương về thú y thủy sản, tổ chức các hội nghị chuyên ngành về thú y thủy sản.

Các sở nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra đồng loạt vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, giống và giám sát theo đúng trách nhiệm. Chỉ đạo giám sát, ngăn chặn việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò đầu tàu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi với người nuôi để giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất.


Related news

hieu-qua-tu-nuoi-ga-bang-dem-lot-sinh-hoc Hiệu quả từ nuôi gà… ca-tra-sang-thi-truong-trung-quoc-tiem-nang-va-rui-ro Cá tra sang thị trường…