Tin nông nghiệp Giảm chi phí phân bón, nhưng đảm bảo năng suất cây trồng

Giảm chi phí phân bón, nhưng đảm bảo năng suất cây trồng

Author Bảo Thắng - Đức Minh, publish date Wednesday. October 27th, 2021

Cục Bảo vệ thực vật chủ trương giảm chi phí phân bón trong sản xuất bằng các giải pháp kỹ thuật, sao cho lượng phân bón giảm nhưng năng suất cây trồng vẫn bảo đảm.

Gía phân bón leo thang quá cao trong năm 2021 đã khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: LHV.

Sản xuất trong nước tăng mạnh

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) về năng lực sản xuất phân bón trong nước, tổng công suất của các cơ sở sản xuất trong nước là 29,25 triệu tấn/ năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,21 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm.

Trong các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ, 15 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ cơ bản, đạt tổng công suất 5,86 triệu tấn/ năm. Theo đó, nếu các nhà máy phân bón vô cơ cơ bản trong nước hoạt động thuận lợi theo công suất thiết kế, sẽ đủ đáp ứng nhu cầu phân đạm và phân lân trong nước. 

Về sản xuất trong nước, trong 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón trong nước đạt 5,668 triệu tấn (vô cơ 3,908 triệu tấn, hữu cơ 1,76 triệu tấn), tăng 234.755 tấn, tương đương tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 74,5% so với tổng sản lượng sản xuất năm 2020.

9 tháng đầu năm, sản lượng phân bón vô cơ cơ bản đã sản xuất được 3.487.855 triệu tấn (Urê, DAP, MAP và phân lân), tăng 333.759 tấn, tương đương tăng 11%,so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tăng nhiều nhất là phân lân.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, các nhà máy sản xuất phân lân đều tăng sản lượng, tổng sản lượng các loại lân sản xuất tăng đáng kể, cụ thể đã sản xuất được 1.207.042 tấn (tăng 151.256 tấn, tương đương tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020). Sản lượng trong tháng 9/2021 đạt 194.293 tấn, tăng 27.191 tấn, tương đương tăng 16% so với tháng 9/2020.

Ngoài phân lân, sản xuất phân DAP cũng tăng mạnh. Dù chỉ có 3 nhà máy tham gia sản xuất, sản lượng sản xuất đạt 435.309 tấn (tăng 183.457 tấn, tương đương tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020). Với phân Urê, sản lượng của riêng tháng 9/2021 đạt 213.000 tấn, tăng 37.935 tấn, tương đương tăng 22% so với tháng 9/2020, trong đó Đạm Ninh Bình sản xuất gấp 5 lần và Đạm Hà Bắc sản xuất tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Về nhập khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2021, đã nhập khẩu 3.888.445 tấn phân bón, tăng 823.770 tấn, tương đương tăng 26,88% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón nhập khẩu nhiều nhất vẫn là SA và kali. Riêng tháng 9/2021, lượng phân bón nhập khẩu là 328.481 tấn, tăng 45.524 tấn, tương đương tăng 16,1% so với tháng 9/2020.

Thống kê của Cục BVTV cho thấy, Việt Nam sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, hàng năm có khoảng 16,88 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất để sử dụng từ các nguồn phụ phẩm sẵn có trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản...

Năm 2020, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,23 triệu tấn (7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ). Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) dự báo, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2021 không tăng so với năm 2020. Nhu cầu phân bón trong các tháng cuối năm 2021 tập trung chủ yếu tại khu vực ĐBSCL cho vụ lúa Đông Xuân. 

Điều này khớp với số liệu của Cục BVTV, khi tổng lượng phân bón tiêu thụ trong nước 9 tháng đầu năm 2021 là là 8.465.306 tấn, tăng 796.215 tấn, tương đương tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 82,7% so với tổng lượng phân bón sử dụng năm 2020.

"Ngoại trừ phân bón DAP, do một số nhà máy trong nước đang dừng hoạt động sản xuất, gây thiếu hụt cục bộ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn diễn ra bình thường theo quy luật hàng năm. Lượng phân bón sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước tăng so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng đủ nguồn cung phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, áp lực về nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm 2021 không cao, không nằm ngoài quy luật của những năm trước đây", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV khẳng định.

Về giải pháp bình ổn thị trường phân bón, Cục BVTV đã tham mưu Bộ NN-PTNT kết hợp Bộ Công thương, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng phân bón, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, Cục sẽ phối hợp để rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm trí tuệ, nhập lậu.

Với Bộ Tài chính, Cục BVTV sẽ tham mưu theo hướng áp dụng thuế xuất khẩu với phân bón sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, Cục sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng để có chính sách ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Sản xuất thích ứng với tăng giá phân bón

Nhu cầu không tăng đột biến, năng lực sản xuất vẫn đáp ứng thị trường, nhưng giá phân bón liên tục tăng trong năm 2021. Theo ghi nhận, giá của nhiều loại phân bón tăng vài chục phần trăm, thậm chí gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Lý giải về điều này, Cục trưởng Cục BVTV, ông Hoàng Trung nêu 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao. Các nguyên liệu chính cho sản xuất như: Khí amoniac tăng hơn 200%, lưu huỳnh tăng hơn 230%...

Thứ hai, chi phí vận chuyển tăng cao do tác động của Covid-19 trên toàn cầu. Các hãng tàu, container vận chuyển đều đội giá thêm gấp 3 - 4 lần.

Thứ ba, nguồn cung phân bón thế giới nhiều nơi bị giảm sút, do các nhà máy lớn phải ngừng hoạt động theo quy trình chống dịch, giá nguyên liệu tăng quá cao. Cuối cùng, một số nước áp dụng chính sách kiểm soát xuất khẩu hoặctăng cường nhập khẩu, dự trữ và đặt hàng trước với khối lượng lớn đáp ứng nhu cầu do mùa vụ, mở rộng diện tích gieo trồng..

"Khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, chúng ta buộc phải tuân thủ theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Giá phân bón thế giới tăng sẽ kéo theo giá phân bón trong nước. Trong 4 nguyên nhân vừa nêu, tất cả đều là những yếu tố khó có thể can thiệp", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về việc nền kinh tế, cũng như sản xuất, kinh doanh phải thích ứng với tình hình bình thường mới sau đại dịch Covid-19, ông Hoàng Trung cho rằng, cần một cái nhìn đúng đắn, đa chiều và xuyên suốt về lĩnh vực phân bón.

Khi xem giá phân bón là một thành tố được chi phối bởi cung cầu thị trường quốc tế, ngành nông nghiệp cần có biện pháp thích ứng, thay vì can thiệp thô bạo vào nguồn cung, cầu, hay thử nghiệm những liệu trình cắt giảm phân bón thiếu cơ sở khoa học. Cục BVTV không đề xuất và khuyến cáo người dân làm việc này, khi chưa có những đánh giá thực tế dựa trên các nghiên cứu.

Thay vào đó, người dân phải được hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng quy trình và bảo đảm nguyên tắc “5 đúng”. Trong trường hợp cấp bách, Cục BVTV sẽ có đánh giá tổng thể, và tham mưu với Bộ NN-PTNT báo cáo Chính phủ để có chính sách hỗ trợ nông dân về vấn đề này.

Ông Hoàng Trung cho biết, là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý phân bón, Cục BVTV đã sớm có những biện pháp thích ứng với việc tăng giá của mặt hàng này.

Cục BVTV đã chủ động hướng dẫn các địa phương cách sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Trên cơ sở bón phân đúng quy trình, hợp thời vụ, chân đất, đối tượng cây trồng, Cục chủ trương giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất, sao cho lượng phân bón giảm nhưng năng suất cây trồng vẫn bảo đảm.

Một giải pháp nữa, được ông Hoàng Trung đưa ra, là tăng sản lượng sản xuất cũng như sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn để thay thế một phần phân bón vô cơ. Đây là kế hoạch đã được Bộ NN-PTNT chỉ đạo sát sao nhằm phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là việc khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...), vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.

Trong năm 2020, lượng phân bón hữu cơ sử dụng là khoảng 2,63 triệu tấn. Sang năm 2021, mục tiêu của Cục BVTV là 3 triệu tấn, giúp giảm thiểu việc sử dụng cũng như lệ thuộc vào phân bón vô cơ.

"Qua khảo sát thực tế, Cục BVTV nhận thấy, các địa phương trên cả nước vẫn duy trì sản xuất. Chưa có địa phương nào bỏ sản xuất vì giá phân bón tăng cao, ngoại trừ một số ít địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất", Cục trưởng Hoàng Trung chia sẻ.

Bên cạnh việc quản lý giá phân bón, Cục trưởng Cục BVTV còn trăn trở câu hỏi: "Làm thế nào để giá phân bón phản ánh đúng giá trị thực". Theo ông, nếu chưa thể hoặc khó can thiệp được vào giá mặt hàng này, ngành nông nghiệp cần có những giải pháp căn cơ như nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng giá trị thặng dư, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sao cho "phân bón tăng một đồng thì nông sản không đứng im".

Cục trưởng Hoàng Trung cho biết, mặc dù quản lý giá không thuộc trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, nhưng Cục BVTV sẽ có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để đưa ra các công cụ hữu hiệu, nhằm đưa ra mức giá hợp lý nhất cho người dân đảm bảo sản xuất.

Ông cho rằng, ngành nông nghiệp cần có trách nhiệm khi đề xuất hay khuyến cáo các vấn đề về phân bón cho người dân, bảo đảm mang lại lợi nhuận cao nhất và gi


Related news

trien-vong-giong-san-km-94-khang-benh-kham-la Triển vọng giống sắn KM… thi-truong-phan-bon-the-gioi-tang-truong-chong-mat Thị trường phân bón thế…