Mô hình kinh tế Gian nan bám biển Hoàng Sa

Gian nan bám biển Hoàng Sa

Publish date Friday. October 16th, 2015

Mùa biển động, tàu cá theo nghề lưới vây của ngư dân các xã Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) vẫn ra khơi.

Ngư trường sản xuất là vùng biển Hoàng Sa, cách đất liền đến vài trăm hải lý.

Nếu là vụ sản xuất chính thì ngư dân có thể chủ động khai thác hải sản, vì thời tiết ít diễn biến thất thường.

Vậy nhưng, thời điểm này đang là mùa biển động, bão có thể ập đến bất cứ lúc nào, ngư dân khó bề trở tay xoay xở.

Thực tế sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa trong mùa biển động trước đây đã cho thấy nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy đến với ngư dân Quảng Nam.

Nhiều tàu cá bị hỏng máy, trôi dạt khi đang khai thác ở vùng biển Hoàng Sa.

Rất may là các tai nạn không để lại hậu quả đáng tiếc khi có các tàu cá gần ngư trường đến ứng cứu kịp thời.

Sản xuất ở vùng biển cách đất liền vài trăm hải lý, ngư dân chủ yếu phải tự lực cánh sinh trong điều kiện gió bão vì không có nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Các ngư dân cho biết, nếu như trước đây, khi có bão đột ngột, tàu cá Quảng Nam vẫn có thể tạm thời vào neo trú tại các đảo Bông Bay, Bạch Quy hay Tri Tôn.

Khi bão lặn thì lại tiếp tục trở lại ngư trường đánh bắt hải sản.

Vậy nhưng, từ 2 năm trở lại đây, việc tránh né bão ở gần quần đảo Hoàng Sa đã không còn thực hiện được do tàu nước ngoài luôn xua đuổi, có khi thừa cơ cướp ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm.

Với tình huống đó vào thời điểm hiện tại, ngư dân chỉ có cách là tránh xa khu vực trung tâm bão, chờ bão đi qua rồi tiếp tục sản xuất.

Nhiều ngư dân cho biết, khi bất ngờ có bão tại quần đảo Hoàng Sa, chỉ có cách di chuyển nhanh để né tránh tâm bão chứ không thể về bờ vì mất phải hơn 2 ngày trời mới đến được.

Ngư dân có vượt qua được tình huống khẩn cấp đó không nhiều khi phụ thuộc vào may mắn.

Bởi, có khi bão đang di chuyển theo hướng này thì đường đột dịch chuyển theo hướng khác, không ai dám chắc có “kịch bản” chống bão khi đang ở giữa biển cả mênh mông.

Để đối phó với những tình huống khẩn cấp khi bám biển giữa Hoàng Sa, ngư dân thường trông dựa vào sự ứng cứu lẫn nhau giữa các tàu cá trong cùng tổ, đội đánh bắt hải sản.

Phương thức này rất khả thi và được nhiều ngư dân tin tưởng bởi các phương tiện khai thác cùng ngư trường, kịp thời ứng cứu.

Hơn nữa các ngư dân lại có mối quan hệ khắng khít trong quá trình bám biển nên dễ hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn.

Đã từng có những trường hợp rất cảm động khi một phương tiện phải bỏ cả chuyến biển với chi phí hàng trăm triệu đồng để lai dắt các phương tiện gặp nạn vào bờ an toàn.

Cũng có trường hợp, khi gặp bất trắc, ngư dân cầu cứu đến các lực lượng hỗ trợ từ đất liền, tuy nhiên do khoảng cách khá xa, lại tốn nhiều chi phí… nên phương thức cứu hộ này về mặt nào đó vẫn hạn chế.

Vậy nên, khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa vào mùa này khiến không ít ngư dân thắc thỏm…


Related news

quan-ly-va-phat-trien-nhan-hieu-san-pham-vung-mien Quản lý và phát triển… hop-suc-vuon-khoi Hợp sức vươn khơi