Mô hình kinh tế Gian Nan Giữ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm

Gian Nan Giữ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm

Publish date Monday. October 28th, 2013

Được khẳng định là mô hình tương đối bền vững, nâng cao kinh tế, ổn định môi trường, mỗi năm, tỉnh giao chỉ tiêu hàng ngàn héc-ta lúa - tôm cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Thế nhưng, thực tiễn sản xuất đã qua, diện tích lúa - tôm cứ giảm dần sau mỗi năm. Nguyên nhân không gì khác là bài toán thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất lúa - tôm đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thừa nhận: “Thực tế đã qua, vấn đề sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm không ổn định. Một phần do trình độ, kỹ thuật của người dân còn hạn chế, phần khác do hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Và những biến động về khí hậu, thời tiết cũng là một trong những mấu chốt quan trọng khiến diện tích lúa - tôm giảm mạnh”.

Khổ vì dự án dở dang

Không chỉ riêng huyện Phú Tân thất bại trong tiến trình quy hoạch lúa - tôm do điều kiện giáp biển, quá trình xâm mặn nhanh mà nhiều huyện khác trong khu vực nội đồng cũng đang đứng bên bờ vực khó có thể cầm cự lâu dài. Điển hình huyện Cái Nước, mỗi năm giảm từ 800-900 ha lúa trên đất nuôi tôm.

Theo báo cáo của huyện, năm 2012, chỉ tiêu giao 3.500 ha nhưng chỉ thực hiện được 2.500 ha. Năm 2013, chỉ tiêu 3.200 ha nhưng đến thời điểm này chỉ thực hiện được 2.100 ha và hàng trăm héc-ta đã thiệt hại sau những đợt nắng cục bộ vừa qua. Như vậy, vấn đề giữ vụ lúa trên đất nuôi tôm đang đến hồi báo động. Nếu không có giải pháp kịp thời thì khó có thể duy trì theo đúng như quy hoạch của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, bộc bạch: “Mỗi năm huyện được giao chỉ tiêu khoảng 3.000 ha lúa - tôm. Nhìn chung đều thực hiện tốt, nhưng kết quả thu hoạch được chỉ khoảng 50%. Thực tế, quy hoạch thuỷ lợi phục vụ sản xuất quá chậm, còn nhiều vấn đề cần phải đưa ra bàn bạc. Chừng nào khép kín được tiểu vùng thì mới mong giữ được vụ lúa trên đất nuôi tôm”.

Là xã chiếm diện tích khá lớn của huyện Cái Nước về quy hoạch lúa - tôm, Phú Hưng cũng đang đứng trước những tình thế bế tắc khi dự án khép vùng dở dang, khiến hàng ngàn héc-ta bị thiệt hại.

Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu thất vọng: “Từ khi có chủ trương quy hoạch lại vùng lúa - tôm của UBND tỉnh, xã có 2.000 ha lúa - tôm. Đây là chủ trương đúng, phù hợp sản xuất bền vững, nhất là con tôm. Thế nhưng, hiện nay hệ thống thuỷ lợi vẫn hở, người dân vẫn chịu cảnh sản xuất phụ thuộc nước trời. Có những năm khắc nghiệt, độ mặn trên sông lên đến 40-50%o, không cây gì sống nổi”.

Nói người dân hám lợi bỏ cây lúa thì chưa đúng. Thật ra, trải qua những khó khăn dịch bệnh trên tôm trong những năm gần đây khiến người dân nhận thức rất tốt về vấn đề giữ cây lúa trên vuông tôm, bởi cây lúa không những cung cấp lương thực mà còn giữ được môi trường bền vững cho con tôm phát triển.

Từ ý thức đó, năm 2013, hầu hết hộ dân rất đồng tình gieo cấy vụ lúa. Nhưng thời tiết bất ổn, họ cũng không thể lấy nước ngoài kinh để bơm lên vuông, thế là hy vọng của họ một lần nữa bị dập tắt.

Nông dân Phan Văn Mùi, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng, ngậm ngùi: “Người dân ai cũng đồng tình việc giữ cây lúa trên đất nuôi tôm, nhưng tình hình này thì khó lòng cầm cự. Tính ra cấy lúa không lời, quan trọng là tạo ra môi trường bền vững để nuôi vụ tôm, nhưng sạ bao nhiêu là chết hết bấy nhiêu nên nản”.

Đang cho xáng múc phần đất sản xuất lúa - tôm để nuôi tôm công nghiệp, anh Ngô Văn Vũ, ấp Cái Rắn B, xã Phú Hưng, cho biết: “Năm nào cũng trồng lúa nhưng đều thất. Thấy người ta múc đầm nuôi tôm trúng nên làm theo, chứ “đeo bám” mô hình lúa - tôm hoài cũng chẳng được gì”.

Cần một giải pháp căn cơ

Hiện nay, người dân muốn cải thiện tình hình sản xuất buộc phải “quay lưng” với cây lúa trong sự tiếc nuối. Anh Tô Văn Dững, ấp Thạnh Phú, xã Phú Hưng, cho biết: “Người dân cứ mòn mỏi trông chờ việc khép kín tiểu vùng nhưng gần chục năm nay chẳng thấy. Thời tiết thì cứ biến đổi liên tục, nông dân không sao lường hết được nên đành bỏ cây lúa”.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, trung bình mỗi năm Nhà nước đầu tư từ 500-600 tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi, nhưng chủ yếu chắp vá, bồi trúc, chống tràn và xây dựng hệ thống cống xung yếu, cấp bách để phục vụ sản xuất.

“Để giữ lại diện tích lúa - tôm, huyện yêu cầu Sở NN&PTNT cân đối các nguồn vốn về thuỷ lợi, tiếp tục đầu tư thuỷ lợi vùng Nam Cà Mau để bà con trên vùng mặn yên tâm sản xuất, cũng như không phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì những năm tiếp theo diện tích lúa - tôm còn lại được bao nhiêu khó dự đoán trước được”, ông Nguyễn Thanh Giảng mong mỏi.

Thuỷ lợi đang được đầu tư “nhỏ giọt”, trong khi đó, theo kịch bản biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo trước chuyện gì sẽ xảy ra. Do đó, hiện tại việc khép kín thuỷ lợi được xem như giải pháp duy nhất có thể cứu vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Thế nhưng, ông Tranh khẳng định, vụ lúa sản xuất trên đất nuôi tôm thành công hay thất bại hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, lượng mưa nhiều hay ít, phân bố đều hay không đều, mùa mưa kết thúc sớm hay muộn.

Mặt khác, Cà Mau thuộc nhóm đất phèn, do đó dù thuỷ lợi có đầu tư khép kín đi chăng nữa thì chất lượng nước vẫn phụ thuộc tương đối vào thời tiết có thuận lợi hay không”.

Mô hình lúa - tôm ở một số địa phương đang bế tắc. Nông dân trong vùng quy hoạch lúa - tôm đang trông chờ những giải pháp căn cơ từ các ngành chức năng./.

Theo kết quả so sánh của Sở NN&PTNT, năng suất tôm của một số huyện biến động khá lớn khi có sự xuất hiện của cây lúa.


Related news

phat-trien-nghe-ba-ba-gai Phát Triển Nghề Ba Ba… da-dang-hoa-doi-tuong-nuoi-thuy-san-de-giam-rui-ro Đa Dạng Hóa Đối Tượng…