Giống cao su, sầu riêng sốt sình sịch, tiêu buồn như "trấu cắn"
Khắp dải Tây Nguyên kéo về vùng Đông Nam Bộ đang bước vào mùa "sáng nắng, chiều mưa". Và nhà nông ở các vùng đất này nơi thì hối hả vào giống cao su, sầu riêng nơi thì buồn hiu hắt nhìn vườn ươm tiêu giống ế ẩm.
Anh Nguyễn Văn Hòa - chủ vườn ươm Yến Hòa ở đường Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku (Gia Lai) buồn thiu vì giá giống tiêu thấp và bán chậm. Ảnh: Thúy Nga (Báo Gia Lai).
Dân buồn thiu thỉu vì giống tiêu ế ẩm
Sau những trận mưa đá đầu mùa, chị Lê Thị Đào - chủ vườn ươm Đức Minh ở đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku (Gia Lai) chán nản, ngồi buồn thiu thỉu cho biết: “Vườn ươm của tôi có 5 vạn bầu tiêu, trước đây gia đình lãi 80-100 triệu đồng/năm. Còn hiện tại thì lỗ đến 30-40 triệu đồng. Đối với tiêu trong bì có khi hạ giá xuống còn 2.000 đồng/bì mà cũng không ai đến mua”. Tiêu ươm ế ẩm là thực trạng gặp phải của hầu hết những vườn ươm trên địa bàn tỉnh hiện nay.
May mắn hơn nhiều chủ vườn ươm khác, anh Nguyễn Văn Hòa-Chủ vườn ươm Yến Hòa (đường Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku) có hơn 40 vạn bì giống tiêu vẫn có thể tiêu thụ được, tuy số lượng người mua ít hơn thời gian trước rất nhiều. “Dây tiêu vẫn bán được, nhưng không có lãi mà chỉ hòa vốn. Thế cũng là may mắn lắm rồi. Nhiều vườn ươm không bán được cây nào mới khổ”-anh Hòa cho biết.
Tiêu giống ế ẩm là do tình trạng giá bán hạt tiêu nguyên liệu giảm liên tục và ở mức giá thấp kỷ lục trong hàng chục năm qua. Tiêu hạt giảm giá kỷ lục, bệnh dịch trên cây tiêu hoành hành mà chưa tìm ra phương thức điều trị hữu hiệu khiến nhiều nhà vườn Tây Nguyên bỏ bê và "không thèm" trồng mới.
Giống cao su, sầu riêng lên cơn "sốt"
Trái ngược với không khí ảm đạm tại các vườn tiêu giống khu vực Tây Nguyên, tại các vườn ươm sầu riêng, cao su vùng Đông Nam Bộ lại đang lên cơn sốt "sình sịch". Tại tỉnh Bình Phước, các chủ vườn ươm 2 loại cây này đang tất bật, hối hả chuyển những chuyến hàng cây giống đi tới khắp các nhà vườn trong và ngoài tỉnh.
Sau thời gian dài giá mủ cao su “chạm đáy” thì cuối năm 2016 giá mủ bắt đầu tăng lên giúp cho nông dân Bình Phước có lãi. Kéo theo đó thị trường mua bán giống cao su trong tỉnh cũng “ấm” lên. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của tỉnh này cũng khuyến cáo người dân hãy thận trọng khi đầu tư kinh doanh giống loại cây này. Bởi đã có nhiều bài học “xương máu” từ việc chạy theo thị trường, mùa vụ dẫn đến nhiều hộ sản xuất cây giống lâm vào cảnh khó khăn.
Hiện người mua chủ yếu sử dụng hai loại cao su giống là BP2-3-5 và lai hoa. Trong đó, giống BP2-3-5 có giá từ 25.000 - 30.000/stump bầu, còn stump trần có giá 5.000 - 6.000 đồng/cây, tăng 3 - 4 lần so với các năm trước đây. Giống lai hoa có giá từ 20.000 - 22.000 đồng/stump bầu, tăng 2 - 3 lần so với những năm trước. Đây được xem là cơ hội cho những người kinh doanh cây giống có điều kiện đầu tư mở rộng diện tích.
Theo khảo sát của phóng viên, từ các cơ sở mua bán giống trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá sầu riêng năm 2017 (chủ yếu là hai loại giống Monthong và Ri6) tăng gấp 2 lần so với năm 2016, nhưng vẫn không đủ cung ứng nhu cầu thị trường.
Trong đó, loại giống sầu riêng ghép 2 năm tuổi có giá từ 120.000-130.000 đồng/cây, thậm chí có nơi bán với giá 140.000 đồng/cây, tăng 60.000 đồng/cây so với năm 2016. Còn loại giống sầu riêng ghép gần 1 năm tuổi có giá từ 45.000-50.000 đồng/cây, tăng 25.000 đồng/cây so với năm 2016.
Đánh giá cao hiệu quả kinh tế từ trồng sầu riêng, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng khuyến cáo, người dân khi bắt đầu tư loại cây trồng này cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín nhằm tránh tiền mất tật mang...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao