Trồng lúa Giống lúa chịu ngập SHPT3

Giống lúa chịu ngập SHPT3

Author PV, publish date Thursday. November 11th, 2021

Giống chống chịu cao với dịch bệnh và thời tiết, đặc biệt thích nghi với chân đất chua và có thể chịu ngập từ 12 - 15 ngày. Gạo rất thích hợp cho chế biến.

Cánh đồng gieo cấy giống lúa SHPT3. Ảnh: CTCC.

Ngày 25/10/2021, Cục Trồng trọt đã ký Quyết định số 204/QĐ- TT- CLT công nhận lưu hành giống lúa SHPT3 tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo quy định mới của Luật Trồng trọt số 31/2018/QH 14 và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 (có hiệu lực ngày 01/02/2020).

Đây là một tin vui với làng giống cây trồng, với bà con nông dân bởi từ nay đã có thêm một giống lúa mới, hội tụ được nhiều phẩm chất tốt như có tính chống chịu cao với dịch bệnh và thời tiết, đặc biệt giống lúa SHPT3 thích nghi với chân đất chua và có thể chịu ngập từ 12 - 15 ngày; năng suất vượt trội và gạo cực kỳ thích hợp cho chế biến (bún bánh, nấu rượu, làm bánh kẹo…). 

Giống lúa SHPT3 do nhóm tác giả của Viện Di truyền Nông nghiệp; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương; Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng Quốc gia cùng nghiên cứu, chọn tạo, gồm các ông, bà: Lê Hùng Lĩnh, Lê Huy Hàm, Đào Văn Khởi, Chu Đức Hà, Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Khuất Thị Mai Lương, Nguyễn Hữu Hỷ và Phạm Xuân Hội. Nhóm tác giả khảo nghiệm giống tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm các ông Đặng Trọng Lương, Lê Đức Thảo và Trịnh Huy Đang. 

Giống lúa mới SHPT3 đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển, tạo ra sản phẩm thóc, gạo có giá trị kinh tế, nâng cao đời sống người trồng lúa.

Trong quyết định số 2645/QĐ-BNN-TT ngày 05/7/2019 chính thức công nhận giống SHPT3, giống lúa này có phạm vi lưu hành tại các tỉnh phía Bắc (đến Thừa Thiên - Huế). Với quyết định mới, phạm vi lưu hành của giống khá rộng, cả trong vụ đông xuân, vụ hè thu tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thời gian lưu hành giống là 10 năm kể từ ngày ký quyết định.

Giống lúa chịu ngập SHPT3 là giống lúa thuần ngắn ngày, cấy 2 vụ/năm, được chọn tạo bằng công nghệ sinh học phân tử (Mas) do các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp tiến hành và lai tạo từ tổ hợp lai giữa giống Khang Dân 18 lai với giống PSBRc68 mang gen chịu ngập Sub1 được nhập nội từ IRRI.

Thời gian sinh trưởng của giống từ 132 - 136 ngày (vụ xuân), 105 - 107 ngày (vụ mùa); chất lượng gạo khá, năng suất cao (đạt 70 - 75 tạ/ha), thích ứng rộng, ít nhiễm sâu bệnh, rất cứng cây, chống đổ tốt, chịu chua, ngập úng, gạo có hàm lượng Amyloza 29%, thay thế giống lúa Khang Dân, phù hợp cho chế biến bún, bánh đa, phục vụ các làng nghề truyền thống.

Giống lúa SHPT3 chiều cao cây 110 - 115 cm, giống sinh trưởng tốt, dạng hình đẹp, đẻ nhánh tập trung, trỗ nhanh, thoát cổ bông, độ thuần đồng ruộng cao. Giống có khả năng chịu rét tốt, ít nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn và rầy nâu.

Khả năng thích ứng rộng, có thể gieo cấy được cả 2 vụ xuân và vụ mùa, trên chân đất vàn, vàn cao, có thể cấy chân trũng. Tiềm năng năng suất cao. Số bông hữu hiệu /khóm từ 6 - 7 bông; số hạt/bông từ 180 - 200 hạt/bông; tỷ lệ hạt lép thấp (14 - 16%); khối lượng 1000 hạt 21 - 22g.

Giống lúa SHPT3 đã được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương tiếp thu công nghệ và bản quyền. Đến nay, Công ty đã sản xuất trên 500 tấn thóc giống SHPT3 để cung ứng trên 10.000 ha diện tích sản xuất gieo cấy lúa thương phẩm; làm lợi khoảng 20 tỷ đồng cho bà con trồng lúa.

Sau khi nhận chuyển giao bản quyền giống lúa SHPT3, đơn vị chủ sở hữu giống đã nhân, mở rộng diện tích gieo cấy giống SHPT3 tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên lên đến 44 tỉnh thành, gồm: Vùng Trung du Miền núi phía Bắc 14 tỉnh; vùng ĐBSH 11 tỉnh; Bắc Trung Bộ 6 tỉnh; Duyên hải Nam Trung Bộ 8 tỉnh và vùng Tây Nguyên 5 tỉnh.

Qua đánh giá tại các địa phương gieo cấy SHPT3, kết quả năng suất đạt khá cao, trung bình từ 7 - 8 tấn/ha, nếu thâm canh đạt 9 - 10 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo khá, dễ tiêu thụ, đáp ứng tốt nguyên liệu phục vụ cho chế biến hàng hóa tại các làng nghề truyền thống ở địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu…,

Do giống có khả năng chịu chua, chịu ngập úng, chống chịu sâu bệnh tốt nên giảm phun thuốc BVTV từ 1 - 2 lần/vụ, góp phần giảm chi phía đầu tư sản xuất lúa, bảo vệ các thiên địch có ích và môi trường sinh thái.


Related news

khoi-phuc-giong-lua-bao-thai Khôi phục giống lúa Bao… co-cach-bon-hop-ly-giam-phan-bon-se-van-dam-bao-nang-suat-lua Có cách bón hợp lý,…