Giống lúa 'Made in Bình Định'
Vụ ĐX 2017 - 2018, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đã phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) xây dựng mô hình trình diễn giống lúa BĐR27 do các nhà khoa học của Viện chọn lọc, lai tạo từ tổ hợp lai DS20/OM3689.
Tham quan mô hình trình diễn giống lúa BĐR27 tại huyện Phù Mỹ
Giống lúa được mang tên vùng đất nó được sản sinh ra là Bình Định (BĐ) đã cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, khiến nông dân tỉnh này mê mẩn.
Tham quan mô hình trình diễn giống lúa BĐR27 tại thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), hàng trăm nông dân, cán bộ ngành nông nghiệp đều trầm trồ trước những ruộng lúa trĩu bông.
Theo ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, mô hình được triển khai tại thôn An Trinh với diện tích 10 ha, 65 hộ nông dân tham gia; đối chứng là giống VĐ8, giống lúa được nông dân SX đại trà trên địa bàn.
Ruộng trong mô hình chỉ được sạ 4 kg/giống sào (500m2) bằng phương pháp sạ lan. Trong vụ ĐX này, giống BĐR27 có thời gian sinh trưởng là 110 ngày, ngắn hơn 5 ngày so với giống đối chứng VĐ8; chiều cao cây trung bình là là 101cm, trong khi đó giống VĐ8 chỉ cao 98cm; số bông của giống BĐR27 là 371 bông/m2, trong khi đó giống VĐ8 chỉ 336 bông/m2; tổng số hạt trên bông và hạt chắc trên bông của giống BĐR27 đều cao hơn giống VĐ8.
“Trên những ruộng SX giống BĐR27 không thấy sâu bệnh hại nào tấn công. Trong khi cánh đồng làm mô hình trình diễn là “cái ổ” của các loại sâu bệnh hại trong những vụ ĐX trước đó. Trên địa bàn xảy ra nhiều trận gió lớn, nhiều diện tích lúa bị ngã đổ, nhưng BĐR27 vẫn đứng vững”, ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết thêm.
Theo đánh giá của huyện Phù Mỹ, năng suất lúa BĐR27 trong mô hình hình diễn đạt trên 83 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng ĐV8 hơn 8 tạ/ha.
Nông dân Phạm Văn Trà (57 tuổi) ở thôn An Trinh, người làm 3 sào lúa BĐR27 còn cho khách tham quan thêm ngạc nhiên khác. Ruộng BĐR27 của ông còn tốt hơn cả cánh đồng chúng tôi vừa tham quan.
Ông Trà cho biết: “3 sào lúa BĐR27 này của tui chắc chắn cho năng suất không dưới 90 tạ/ha. Nguyên nhân được cán bộ chuyên môn đánh giá là do tui bón phân không để thừa đạm nên cây lúa phát triển tốt. Trước khi xuống giống tui bón lót 15kg mụn dừa. Đợt 1 tui bón phân NPK 20-10-5 với liều lượng 10 kg/sào; đợt 2 bón phân NPK 22-4-15 liều lượng 8 kg/sào và lần 3 tui bón 3kg phân urê và 6kg kali/sào”, ông Trà cho biết.
Theo tính toán của ngành chức năng, mỗi héc ta ruộng BĐR27 có tổng chi phí 27,9 triệu đồng, trong khi đó với giống đối chứng VĐ8 là hơn 29,5 triệu đồng, do lượng hạt giống gieo sạ được giảm, phân bón sử dụng ít hơn, chủ yếu chỉ là phân đơn. Với năng suất đạt hơn 83 tạ/ha, giống BĐR27 sẽ cho thu nhập 43,5 triệu đồng/ha, còn giống đối chứng chỉ 37 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí, giống BĐR27 cho nông dân mức lãi ròng hơn 22 triệu đồng/ha, còn giống đối chứng VĐ8 chỉ cho hơn 15,5 triệu đồng/ha.
“Giống BĐR27 đã cho thấy nhiều tính năng ưu việt, nhất là kháng được nhiều sâu bệnh, hạt gạo trắng trong, cơm mềm. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa giống BĐR27 vào bộ giống bổ sung của tỉnh trên chân ruộng 2 vụ”, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao