Tin thủy sản Giữ vững thương hiệu cá khoai

Giữ vững thương hiệu cá khoai

Author Quốc HIệp, publish date Monday. October 2nd, 2017

Tháng 8 vừa qua, huyện Phú Tân công bố Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cá khoai Cái Đôi Vàm. Nhóm sản phẩm được bảo hộ là cá khoai tươi, cá khoai khô và các sản phẩm chế biến từ cá khoai Cái Đôi Vàm. Có 16 hộ ở thị trấn Cái Đôi Vàm được sử dụng chung nhãn hiệu tập thể này.

Người dân Cái Đôi Vàm phơi cá khoai khi vào con nước. 

Được công nhận thương hiệu là một quá trình gian khó, giữ vững và phát huy thương hiệu là một quá trình khó khăn hơn. Trước mắt đòi hỏi người trực tiếp sản xuất phải có biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt khâu bảo quản và tìm thị trường tiêu thụ.

Kinh nghiệm làng nghề

Cá khoai Cái Đôi Vàm, mà nhất là cá khô khoai, mặt hàng chủ lực này từ lâu đã nổi tiếng khắp mọi nơi và chinh phục được tình cảm của những người khó tính với đặc trưng riêng của nó mà nơi khác không có được. Để tạo đặc trưng riêng đó, người sản xuất phải có những biện pháp riêng. Quan trọng nhất là làm sao giữ được cá tươi, ngon và đón nắng, gió đầy đủ.

Ông Đinh Hoàng Vân, Khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm, một trong những hộ sản xuất, chế biến cá khoai được sử dụng nhãn hiệu tập thể cá khoai Cái Đôi Vàm, thông tin: "Thật ra không có bí quyết gì, nhưng quan trọng là phải giữ con cá được tươi. Trong quá trình đánh bắt, bảo quản sản phẩm, các chủ ghe sử dụng đá và muối để ướp nên độ mặn của cá tăng lên. Vì vậy, mình phải rửa qua 2 nước để giảm độ mặn rồi phơi thì cá khoai mới ngon. Chứ để mặn thì cá không bao giờ ngon".

Theo đó, yếu tố quan trọng là có nắng, có gió đầy đủ khi phơi thì khô mới ngon. Có lẽ điều này mà cá khoai chế biến thủ công mới có chất lượng, không thể dùng công nghệ sấy hay phơi kiểu khác mà đòi hỏi phải làm giàn phơi cho cao để đón nắng.

Chính vì vậy, từ khâu bảo quản cá tươi đến cách làm khô phải đảm bảo sạch sẽ. Không phải ngẫu nhiên mà người sản xuất, chế biến cá khô khoai lại làm những giàn phơi cao từ 5-6 m rồi vắt cá thành từng hàng thẳng thớm lên đó, tạo thành những đường nét nghệ thuật độc đáo. Việc làm này lại là khâu quan trọng để cá đón nắng, gió đầy đủ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bà Thái Thị Phấn, ở Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, một trong những hộ được sử dụng nhãn hiệu tập thể cá khoai Cái Đôi Vàm, cho rằng, phơi giàn mới đảm bảo con cá tròn, đẹp, giữ được thịt ngon. Còn nếu phơi vỉ hay các hình thức khác thì cá mất thịt và chỉ nhìn thấy xương. Bởi cá khoai là loại cá mình nước nên phải phơi giàn và đủ nắng mới có chất lượng.

Đó là những thành công bước đầu để xây dựng nên thương hiệu cá khoai Cái Đôi Vàm. Song, để giữ vững thương hiệu, cùng với đó phải có những bước đi vững chắc hơn. Đó là phải từng bước chuyên môn hoá quy trình sản xuất, áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo quản sản phẩm, liên kết sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ... Hơn ai hết, những người trực tiếp sản xuất, những người nắm giữ bí quyết làng nghề này là những người quyết định.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Bà Thái Thị Phấn cho rằng, khi được công nhận nhãn hiệu tập thể thì chắc chắn sẽ cố gắng hơn trong thực hiện quy trình sản xuất. Nhất là đảm bảo vệ sinh, không sử dụng hoá chất bảo quản, áp dụng những kỹ thuật để cho cá ngon hơn. Hy vọng là được mở rộng thị trường xuất khẩu. Khi đó, đời sống người dân mới phát triển lên được.

Rõ ràng, chỉ có xuất khẩu, mở rộng thị trường mới có lượng tiêu thụ dồi dào, thu về ngoại tệ, nâng cao đời sống Nhân dân và góp phần phát triển kinh tế. Để làm được điều đó, cùng với bí quyết nhà nghề để tạo nên cái hồn của sản phẩm, cần phải đảm bảo khâu dự trữ, bảo quản sản phẩm để tiêu thụ lâu dài. Theo đó, người dân cần được hỗ trợ mọi thứ, nhất là khâu sản xuất, bảo quản sản phẩm để chủ động trong buôn bán.

Ông Đinh Hoàng Vân cho rằng, khi có thương hiệu thì thuận lợi là được nhiều người biết đến. Nhưng khó khăn là để nâng cao giá trị con cá khoai bắt buộc phải có kho bãi chứa hàng. Còn như các hộ sản xuất ở đây do không có kho bãi nên chỉ bảo quản với số lượng ít. Vì thế, khi sản xuất xong thì bán cho thương lái liền, nếu sản xuất số lượng lớn mà không tiêu thụ hết sẽ gặp khó khăn.

Để đảm bảo quyền lợi người sản xuất, vấn đề đặt ra là cùng với tổ chức các hình thức làm ăn tập thể, mua chung, bán chung, bà con sản xuất cá khoai nơi đây, nhất là 16 hộ sử dụng chung nhãn hiệu tập thể trên phải được hỗ trợ từ nhiều phía.

Theo ông Trần Minh Huyện, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, trước mắt, huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để quảng bá rộng rãi sản phẩm cá khoai, nhất là khô cá khoai Cái Đôi Vàm. Đồng thời, thành lập hợp tác xã khai thác, chế biến cá khoai. Tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn để hỗ trợ người sản xuất.

Theo đó, người sản xuất cần được hỗ trợ đầu vào, đầu ra ổn định, có thiết bị bảo quản, sân phơi và áp dụng những công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản để đạt tiêu chuẩn quy định cũng như tránh bị ép giá. Khi đó, người sản xuất tại chỗ sẽ có sự chủ động, đảm bảo sản phẩm có sẵn khi cần thiết, từng bước nâng cao chất lượng và giá cả sản phẩm; giữ vững thương hiệu đã được công nhận.


Related news

binh-dinh-nang-tam-tom-nuoi-cong-nghe-cao Bình Định: Nâng tầm tôm… eu-tro-thanh-thi-truong-nhap-khau-tom-lon-nhat-cua-viet-nam EU trở thành thị trường…