Mô hình kinh tế Gỡ Khó Cho Rau Quả Xuất Khẩu

Gỡ Khó Cho Rau Quả Xuất Khẩu

Publish date Friday. May 30th, 2014

Việt Nam và TQ đều là thành viên của WTO nên về nguyên tắc, việc trao đổi buôn bán sẽ không ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.

Tuy nhiên, giao thương được nhắc đến ở đây phải là chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch. Vì vậy, XK hàng qua đường chính ngạch cũng là một giải pháp các DN nên tính đến.

Tìm giải pháp trước mắt cũng như chiến lược lâu dài cho các mặt hàng rau quả XK của Việt Nam, sáng 29/5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức gặp gỡ với các đơn vị có liên quan để cùng bàn, đưa ra kế sách.

THỊ TRƯỜNG ỔN ĐỊNH

Tại buổi làm việc, tổng hợp báo cáo của các đơn vị như: Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (CBNLTS&NM), Cục BVTV, Cục Trồng trọt và một số DN XK rau quả, cho thấy hoạt động XK rau quả của Việt Nam vẫn ổn định.

Trung Quốc (TQ), nơi chiếm thị phần lớn nhất trong XK rau quả của nước ta mọi hoạt động giao thương tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, thậm chí một số mặt hàng lượng XNK tăng mạnh. Thời điểm này, thương lái sang Việt Nam đặt mua vải thiều so với mọi năm không có gì biến động.

Theo báo cáo của Cục CBNLTS&NM, kim ngạch XK rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5%/năm, từ 439 triệu USD năm 2009 tăng lên gần 1,1 tỉ USD năm 2013. Riêng 3 tháng đầu năm 2014, giá trị XK đạt 276 USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.

Rau quả của Việt Nam hiện được xuất đi trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 10 thị trường lớn nhất là: TQ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Trong 10 thị trường XK chính của Việt Nam, TQ vẫn chiếm thị phần lớn nhất với tỉ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch XK rau quả. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2014, thị trường TQ chiếm tới 28,5% với kim ngạch đạt 53,4 triệu USD và thống kê trong 5 năm qua cho thấy kim ngạch XK rau quả sang TQ liên tục tăng. Các mặt hàng XK của Việt Nam sang TQ chủ yếu là: thanh long, xoài, vải, nhãn, chuối, dừa và dứa.

Sau TQ, Nhật Bản đang là thị trường XK rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 8%. Thống kê 3 tháng đầu năm 2014 đạt xấp xỉ 16 triệu USD, tăng 12,7% so với năm 2013. Các mặt hàng XK của ta sang Nhật Bản chủ yếu cải bó xôi, dưa chuột, nấm, sơri, thanh long và xoài. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ với tổng kim ngạch khoảng 5 - 6%, Thái Lan 3,8%, Hàn Quốc 3,5%, Hà Lan 3,15% và các thị trường khác từ 2 - 3%.

Việt Nam đang xúc tiến mở rộng và đẩy mạnh XK rau quả sang các thị trường mới như: Ấn Độ, Chile, Niu Di-lân và các một số nước Đông Âu.

HIẾN KẾ

Dù thời điểm hiện tại hoạt động giao thương, buôn bán vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên trong thời gian sắp tới rất có thể sẽ có những biến động, ảnh hưởng nhất định tới việc XK các mặt hàng rau quả của Việt Nam, đặc biệt là qua thị trường TQ. Do đó, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lí nhà nước và DN cần có bước chuẩn bị thật kỹ lưỡng cả trước mắt và dài hạn, phải làm mới ngành XK rau quả để không rơi vào tình thế lúng túng, bị động.

Vấn đề thứ nhất rất được quan tâm hiện nay vẫn là thị trường TQ, chiếm gần 30% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam. Vậy, giả dụ trong trường hợp giao thương bị gián đoạn hoặc trục trặc, hướng xử lí sẽ như thế nào?

Có một bất cập khi XK rau quả sang TQ là được thực hiện chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Vì vậy, các đối tác thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới địa phương không ổn định nên XK gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.

“Về thị trường TQ, hiện chưa có vấn đề gì và về lâu dài vẫn xác định đây là thị trường lớn, quan trọng với rau quả của Việt Nam nên chúng ta cứ giao thương buôn bán bình thường. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục theo dõi và cập nhật các diễn biến mới nhất để các Bộ, ngành liên quan có những biện pháp xử lí kịp thời trong trường hợp có sự cố xảy ra”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Nhưng, có một thực tế phải thừa nhận là các DN trong nước hiện nay vẫn rất thích XK sang TQ do thị trường này dễ tính về công tác kiểm dịch và ATVSTP. Ngoài ra, khâu vận chuyển, tiêu thụ sang thị trường TQ thuận lợi cả trên bộ và trên biển. Qua đó cho thấy, trước mắt và lâu dài TQ vẫn là thị trường XK rau quả lớn và quan trọng đối với Việt Nam, chưa có thị trường nào thay thế được.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Phó Vụ trưởng Vũ Văn Minh cho rằng: Việt Nam và TQ đều là thành viên của WTO nên về nguyên tắc, việc trao đổi buôn bán sẽ không ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Tuy nhiên, giao thương được nhắc đến ở đây phải là chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch. Vì vậy, XK hàng qua đường chính ngạch cũng là một giải pháp các DN nên tính đến.

Bên cạnh thị trường truyền thống TQ, mấy năm trở lại đây Việt Nam bắt đầu mở rộng và XK rau quả sang các thị trường cao cấp, khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng lượng không được nhiều, mặt hàng chủ yếu vẫn là quả thanh long.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV, XK 1kg thanh long sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU giá trị bằng bán 10kg thanh long sang TQ. Nhưng ngặt một nỗi là các yêu cầu và hàng rào kỹ thuật của các quốc gia này về dịch hại và ATVSTP cực kỳ khắt khe, rất ít DN trong nước đáp ứng được.

Kiến nghị tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) chia sẻ:

“Hiện giá thanh long đang ở mức khá thấp, nhưng đây là quy luật chung của thị trường. Với đặc thù của cây thanh long việc dừng ra quả một thời gian không ảnh hưởng quá lớn. Nhưng vướng mắc cần phải tháo gỡ hiện nay là khi XK thanh long vào các thị trường như Hoa Kỳ, Chile, Niu Di-lân… đòi hỏi phải chiếu xạ diệt mầm sâu bệnh. Nhưng quả thanh long có đặc thù khi chiếu xạ sẽ nhanh bị thối hơn, trong khi quãng đường vận chuyển xa, đến lúc tới tay người tiêu dùng bên nước bạn đã gần hết hạn sử dụng nên tỉ lệ thất thoát rất cao”.

“Thị trường Mỹ, họ yêu cầu mặt hàng rau quả khi XK vào nước họ ngoài kiểm soát dư lượng thuốc BVTV còn phải chiếu xạ. Với Nhật Bản, Hàn Quốc lại yêu cầu xử lí qua hơi nước nóng từ 40 - 48 độ C... Do đó, tôi đề nghị để tránh vi phạm những hoạt chất BVTV mà phía nước bạn hay kiểm tra kỹ, các vùng SX của ta nên loại bỏ không sử dụng.

Bởi quy định và nguyên tắc của họ khi phát hiện hoạt chất hoặc dịch hại nào không nằm trong danh mục sẽ kiểm tra rất gắt gao, vi phạm nhiều lần họ sẽ tạm ngừng NK. Do đó, chúng ta phải hình thành nên những vùng nguyên liệu chuyên XK sang Mỹ, Nhật Bản hoặc EU, Hàn Quốc…

Lúc đó, chắc chắn việc kiểm soát về chất lượng sẽ dễ dàng và an toàn hơn. Bản thân khi đi tham quan chúng tôi nhận thấy các nước XK trái cây lớn vào thị trường khó tính ở trên họ cũng phân vùng quy hoạch như vậy", ông Hồng kiến nghị.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị các đơn vị liên quan sớm xử lí các vướng mắc hiện nay ở các thị trường NK rau quả lớn của Việt Nam tham mưu để Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao có văn bản gửi các cơ quan nhằm tháo gỡ. Đẩy nhanh việc mở rộng các thị trường XK mới như: Ấn Độ, Chile, Niuzilan. Tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Các địa phương, ban ngành, HTX, DN ngay từ bây giờ tập trung khuyến khích tiêu dùng nội địa, đây là giải pháp tức thời rất hiệu quả nhằm giảm tải cho thị trường XK. Về mặt lâu dài, cần nhanh chóng tập trung rà soát cơ chế chính sách về thuế, tín dụng để từ đó có những kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện để thu hút các DN đầu tư công nghệ, máy móc bảo quản, chế biến rau quả XK.


Related news

chanh-rot-gia-manh Chanh Rớt Giá Mạnh nam-rom-de-trong-thu-nhap-kha Nấm Rơm Dễ Trồng, Thu…