Hà Nam rốt ráo diệt trừ "lúa cỏ" trong sản xuất nông nghiệp
Vụ xuân 2022, Hà Nam có gần 220ha bị nhiễm lúa cỏ, một số diện tích bị nhiễm gây thất thu hoàn toàn. Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp và các địa phương rốt ráo các biện pháp diệt trừ lúa cỏ phát sinh.
Theo một hộ dân ở xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm), gia đình có 8 sào bị lúa ma xâm hại. Ban đầu chúng chỉ rải rác nên bà nghĩ giống lúa khác lẫn vào, nhưng qua mỗi vụ, mật độ càng dày. Trước đây, một sào lúa gia đình thu 1,7-1,8 tạ, vụ tốt được 2 tạ. Từ khi lúa ma bùng phát, mỗi sào chỉ được 70-80 kg. Nhưng số thóc này chỉ dùng làm thức ăn cho gà, vịt chứ không ăn được do chất lượng kém.
Hiện có ba loại lúa ma xuất hiện trên cánh đồng huyện Thanh Liêm, gồm: Loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu; và loại cây lùn, hạt thóc không râu. Loại cây cao còn dễ nhận biết, loại cây lùn rất khó vì lẫn với lúa thường, loại này rất dễ rụng, chỉ cần cơn gió thoảng qua hoặc khi chín dùng tay gạt nhẹ là hạt rụng gần hết.
Nói về ảnh hưởng của lúa cỏ đối với diện tích lúa gieo cấy trong vụ xuân 2022, ông Vũ Văn Trấn, Giám đốc HTX DVNN Nam Tân (Thanh Tân, Thanh Liêm0, cho biết: Vụ xuân 2022, tổng diện tích gieo cấy của HTX đạt 110ha. Tổng hợp từ thực tế, HTX có khoảng 20 mẫu bị nhiễm lúa cỏ, trong đó có khoảng 4 mẫu bị mất trắng, phải cắt bỏ.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Liêm, vụ xuân 2022 toàn huyện có 107ha bị nhiễm lúa cỏ, trong đó có 12,7ha bị nhiễm gây thất thu hoàn toàn. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Liêm, cho biết: Lúa cỏ bắt đầu xuất hiện từ cánh đồng thôn Nội, HTX DVNN Bắc Sơn, xã Liêm Sơn từ vài năm trước, sau đó xuất hiện ở Liêm Cần và rải rác ở các xã khác. Lúc đầu diện tích bị nhiễm lúa cỏ ít, sau tăng dần.
Để khắc phục tình trạng lúa cỏ gây hại, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật diệt trừ lúa cỏ, vụ xuân 2022, thực hiện Đề án “Phát triển mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020-2023”, huyện xây dựng được 3 mô hình với 75ha tại Thanh Hà, Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh; thành lập được 2 tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy tại Thanh Tân và Liêm Phong. Toàn huyện đã tổ chức cấy máy được 407ha, đạt 101,7% kế hoạch tỉnh giao...
Vụ mùa 2022, Thanh Liêm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, phấn đấu mở rộng diện tích cấy máy lên 1.000ha. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp, công ty có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp sạ hàng, cấy tay; điều tiết nước hợp lý tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; vệ sinh máy móc sạch sẽ trước khi di chuyển từ vùng lúa bị nhiễm sang diện tích chưa bị nhiễm... nhằm hạn chế thấp nhất sự lay lan, phát sinh của lúa cỏ.
Không chỉ ở Thanh Liêm, lúa cỏ đã xuất hiện trên đồng đất của tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Hà Nam.
Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam), cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lúa cỏ phát sinh, gây hại trên đồng ruộng, đó là: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất không kỹ; lúa cỏ theo dòng nước, theo máy gặt từ những vùng bị nhiễm lan về…
Lúa cỏ phát sinh không được xử lý triệt để, quá trình thu hoạch hạt rụng xuống ruộng (lúa cỏ rất dễ rụng hạt) lẫn vào đất, nảy mầm phát triển khi gặp điều kiện thuận lợi, nhất là trên các ruộng lúa gieo thẳng. Cùng với đó, thời gian chuyển vụ từ xuân sang mùa ngắn, trước khi gieo thẳng lúa mùa người dân chỉ làm đất một lần, không áp dụng việc cày lật đất, phơi ải dẫn đến lúa cỏ tồn tại trong đất.Lúa cỏ đang là đối tượng dịch hại cần quan tâm diệt trừ ở cả 2 vụ lúa.
Để xử lý, hạn chế lúa cỏ phát sinh và gây hại, đơn vị đã xây dựng quy trình kỹ thuật tổng hợp phòng trừ lúa cỏ. Quan trọng nhất, ngay trong vụ mùa 2022 và những vụ tiếp theo, các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo người dân thực hiện nghiêm các quy trình trình kỹ tổng hợp đã xây dựng.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng các giống lúa xác nhận có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không để giống cho vụ sau từ những ruộng đã bị nhiễm lúa cỏ. Cùng với đó, hạn chế việc gieo sạ, chuyển sang cấy máy, cấy hiệu ứng hàng biên; nếu sạ nên sử dụng công cụ sạ hàng để thuận tiện cho việc diệt trừ lúa cỏ.
Những vùng đã bị nhiễm lúa cỏ nhất thiết chuyển phương pháp canh tác sang cấy máy hoặc cấy tay, trên ruộng luôn giữ nước giai đoạn đầu để hạn chế lúa cỏ. Vệ sinh đồng ruộng, kênh mương, làm đất kỹ để diệt trừ hạn chế nguồn lúa cỏ.
Trong quá trình sản xuất, với những ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng (trên 70%) phải cắt sớm, tiêu hủy toàn bộ cây lúa, tránh để hạt lúa cỏ rơi rụng trên ruộng. Đồng thời, tiến hành các biện pháp kỹ thuật loại trừ triệt để lúa cỏ trên ruộng. Vào thời điểm thu hoạch, máy gặt cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi xuống ruộng tránh làm lây lan lúa cỏ.
Trong quá trình sản xuất, thường xuyên bám sát, theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện lúa cỏ xuất hiện chủ động nhổ bỏ bằng tay, cắt bỏ những bông lúa cỏ lẫn tạp khi chưa chín đem tiêu hủy. Có thể dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm trong vòng 4 ngày sau khi gieo cấy...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao