Mô hình kinh tế Hải Lộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Hải Lộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Publish date Monday. May 18th, 2015

Trong lĩnh vực trồng trọt, xã Hải Lộc chỉ đạo nông dân chuyển dịch mạnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng bằng các giống: BT7 kháng bạc lá, Nếp 97, Nhị ưu 838, RVT, BC15… có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất, nhằm đẩy nhanh thời vụ, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, điều kiện thời tiết bất thuận gây ra tăng năng suất lúa và có quỹ đất để mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa.

Ban Nông nghiệp xã luôn chủ động chỉ đạo, thực hiện tốt từ khâu dự tính, dự báo đến việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; tổ chức đánh chuột đúng định kỳ. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, xã còn đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, tỷ lệ gieo sạ lúa của xã ở cả 2 vụ đạt 75-80%. Hiện xã đã xây dựng được vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn tập trung với quy mô 43,2ha áp dụng gieo sạ 100%.

Toàn bộ hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng ở vùng cánh đồng mẫu lớn được kiên cố hóa, thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và điều hành tưới, tiêu nước cho lúa, do vậy đã tiết kiệm được giống, giảm công lao động nặng nhọc, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế lên từ 15-20% so với cấy lúa truyền thống. Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên những năm gần đây, năng suất lúa bình quân của xã Hải Lộc đạt 130,6 tạ/ha/năm. Bình quân lương thực đạt 866 kg/người/năm, đảm bảo nhu cầu lương thực, ổn định tiêu dùng, phục vụ chăn nuôi và hằng năm có khoảng 40% sản lượng lương thực hàng hóa.

Diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa của xã cũng tăng qua từng vụ, đến năm 2014 đạt 41,4ha. Trên địa bàn xã đã hình thành các vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa ở tất cả các xóm, tập trung vào các loại có giá trị kinh tế và thị trường dễ tiêu thụ như: cây ngô, cải dầu, bí xanh… giúp nông dân tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập. Từ 4-5 năm trở lại đây, xã Hải Lộc đã chuyển đổi 4,3ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dây thìa canh.

Cây dây thìa canh là loại cây dược liệu quý, thuộc loại dây leo, thân mềm, dễ trồng, có khả năng chịu hạn cao, thích hợp với cả những nơi đất cằn cỗi, ưa trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Các hộ trồng cây dây thìa canh được Cty TNHH Nam Dược cung ứng trước giống cây, phân bón, tiền đầu tư làm giàn ban đầu, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đã có nhiều hộ dân trong xã như hộ các ông: Lâm Văn Xuân (xóm 3), Trần Văn Thoa (xóm 3), Lã Văn Tấn (xóm 11)… tham gia trồng cây dây thìa canh với diện tích mỗi hộ từ 3-5 sào.

Năm 2013, Cty TNHH Nam Dược đã hợp tác với các hộ nông dân xóm 3 xây dựng vùng trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP-WHO với quy mô 1,2ha nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu chuẩn cho sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng. Đến cuối năm 2013, xã đã thành lập HTX trồng cây dược liệu Nam Lộc. Đồng chí Lâm Thanh Vân, Chủ nhiệm HTX cho biết: Đầu tư ban đầu đơn giản, chỉ cần làm giàn bằng tre, nứa để cây có chỗ leo, bón phân theo đúng quy trình.

Sau trồng 1 năm, nếu chăm sóc tốt, cây dây thìa canh có thể cho thu hái trong nhiều năm liền. Sản phẩm lá và cành non của cây thường được thu hái vào cuối mùa xuân, hè, thu, cho thu lãi 14-15 triệu đồng/sào/năm, gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Ngoài cây dây thìa canh, nhiều hộ nông dân trong xã đã cải tạo vườn tạp, tận dụng nơi đất cao để trồng các loại cây dược liệu khác như: đinh lăng, kinh giới, vọng cách, cối xay… cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 20-50 triệu đồng/sào.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo nông dân trong xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng ủy, UBND xã Hải Lộc đã quy hoạch và chuyển đổi hơn 30ha diện tích vùng đất trũng ven đê cấy lúa kém hiệu quả tại các xóm 9, 10, 11 để phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp.

Đồng chí Lâm Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại, xã đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản. Đồng thời xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao cho nông dân trong xã. Đến nay, trên địa bàn xã có 48 trang trại, gia trại chăn nuôi, thủy sản và tổng hợp.

Tổng đàn lợn duy trì ổn định trên 3.000 con; đàn gia cầm, thủy cầm 35 nghìn con và đàn trâu, bò 115 con. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã được mở rộng lên 44ha, chủ yếu là diện tích nuôi cá truyền thống, sản lượng cá ước đạt 150 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt trên 100 triệu đồng/ha. Nhiều hộ nông dân ở vùng chuyển đổi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hộ ông Trần Văn Yên, xóm 5 nuôi 2.000 gà thịt và nuôi các loại cá truyền thống trắm, trôi, mè, chép… mỗi năm lãi trên 250 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Tâm, xóm 9 nuôi trên 150 con lợn/lứa mỗi năm lãi 200-250 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Triệu, xóm 9 nuôi lợn, gà, vịt kết hợp nuôi thủy sản lãi 300-350 triệu đồng/năm…

Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, phong phú, thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Lộc năm 2014 đạt 29,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,8% (theo tiêu chí mới) góp phần đưa xã thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng NTM và trở thành xã NTM. Những mô hình chuyển đổi của Hải Lộc là điển hình cho các địa phương khác học tập để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng NTM.


Related news

tao-buoc-dot-pha-trong-phat-trien-chan-nuoi Tạo bước đột phá trong… con-sot-cam-non Cơn sốt cam non