Hạn chế bệnh chết nhanh hồ tiêu
Khi bệnh đã có triệu chứng nhận biết được là vàng và rụng lá thì không còn cách cứu chữa.
Vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh ngay từ đầu mùa mưa, trong đó một biện pháp có hiệu quả tốt là sử dụng loại phân hữu cơ đặc hiệu.
Gần đây giá tiêu hạt tăng cao mang lại nhiều lợi nhuận nên diện tích hồ tiêu được mở rộng liên tục. Hiện nay diện tích trồng hồ tiêu cả nước lên tới 80.000 ha, tăng 30.000 ha so với kế hoạch, chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Do diện tích mở rộng nhanh nên nhiều vườn tiêu không đảm bảo điều kiện đất đai, việc chăm sóc cũng không đạt yêu cầu nên năng suất và chất lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp.
Một nguyên nhân quan trọng làm tiêu sinh trưởng phát triển kém là do sâu bệnh, trong đó phổ biến và nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh.
Nhiều vườn tiêu đang ở thời kì cho thu hoạch cao bị bệnh làm chết cây hàng loạt, gây thất thu nghiêm trọng. Bệnh chết nhanh trở thành mối lo thường xuyên của người trồng tiêu.
Bệnh chết nhanh hồ tiêu do loài nấm Phytophthora palmivora. Nấm tồn tại trong đất qua mùa khô tới mùa mưa có nhiệt độ cao thích hợp và nhiều nước thì sinh ra hàng loạt các động bào tử xâm nhập vào cây, làm mức độ tác hại của bệnh tăng nhanh, đồng thời dễ dàng theo nước phát tán lan truyền bệnh.
Bào tử nấm xâm nhập vào rễ cây qua các vết xây xát cơ giới, vết chích của tuyến trùng và rệp sáp. Vào trong cây nấm phát triển rất nhanh, phá hủy bộ rễ làm cây tiêu suy kiệt và chết trong một thời gian ngắn, nhất là đầu mùa khô khi bắt đầu thiếu nước.
Triệu chứng điển hình của bệnh chết nhanh là cây đang sinh trưởng bình thường xanh tốt thì đột nhiên lá biến sang màu vàng rồi rụng hàng loạt, sau đó các đốt thân cũng bị thâm đen và rụng.
Hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống và xảy ra tương đối nhanh chóng, chỉ sau một vài tháng cả cây tiêu héo chết. Nhổ gốc lên thấy bộ rễ bị thối đen, gốc thân cũng bị thối. Khi đã thấy lá vàng và rụng là bộ rễ đã bị nấm phá hại nhiều không thể cứu chữa được.
Bệnh phát triển nhiều ở những vườn đất kém tơi xốp, ít chất hữu cơ và chậm thoát nước.
Với các đặc điểm trên, để phòng trừ bệnh có hiệu quả cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp một cách thường xuyên, bao gồm việc chọn đất và thiết kế vườn, chế độ chăm sóc và các biện pháp tiêu diệt nguồn nấm bệnh.
Đất trồng tiêu cần tơi xốp, có nguồn nước tưới trong mùa khô và thoát nước nhanh trong mùa mưa. Vườn có hệ thống mương rãnh để tưới tiêu nước thuận lợi. Sau đợt mưa lớn không để vườn đọng nước lâu. Chế độ chăm sóc chủ yếu là thường xuyên vệ sinh vườn cây và bón phân.
Cùng với phân NPK đầy đủ và cân đối thích hợp theo thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây cần tăng cường bón phân hữu cơ. Phân hữu cơ không những cung cấp dinh dưỡng cho cây, duy trì và cải tạo độ phì nhiêu của đất để cây tiêu phát triển lâu bền mà còn có tác dụng hạn chế sâu bệnh.
Phân hữu cơ làm đất tơi xốp, đồng thời sinh ra các chất kích thích sự phát triển của bộ rễ làm cây sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với sâu bệnh và các điều kiện môi trường bất lợi.
Phân hữu cơ tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng và nấm bệnh, góp phần rõ rệt hạn chế nguồn bệnh trong đất.
Tiêu diệt nguồn nấm bệnh là yêu cầu quan trong không thể thiếu trong việc phòng trừ bệnh. Biện pháp tiêu diệt nguồn nấm bệnh chủ yếu hiện nay vẫn là dùng thuốc hóa học.
Hiện có nhiều loại thuốc hóa học đặc trị nấm Phytophthora như chất Fosetyl aluminium (Aliette), Metalaxyl (Ridomil), Phosphonate (Agriphos) và một số chất khác.
Ưu điểm của thuốc hóa học là diệt nấm nhanh và tương đối triệt để. Tuy vậy do hiệu lực của thuốc chỉ duy trì trong một thời gian ngắn mà nấm bệnh thì lại phát triển nhanh và trong thời gian dài, không thể liên tục sử dụng thuốc nhiều lần.
Dùng nhiều thuốc hóa học còn ảnh hưởng xấu tới đất và môi trường, làm tăng chi phí SX.
Trong tự nhiên có nhiều loài vi sinh vật đối kháng có tác dụng hạn chế và tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh cây mà không có hại với người và môi trường.
Sử dụng các vi sinh vật đối kháng không những có hiệu quả cao trong việc phòng trừ bệnh mà còn giữ gìn được môi trường sống trong sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là biện pháp ngày càng được chú ý nghiên cứu và áp dụng.
Ở nhiều nước và nước ta hiện nay, nhiều loài vi sinh vật đối kháng đã được sử dụng như các loài vi khuẩn Bacillus subtilis, Pseudomonas fluorescens, nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces.
Gần đây các nhà khoa học ở ĐH Nông lâm Huế đã xác định và phân lập, nuôi nhân loài vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida có khả năng hạn chế rất cao đối với nấm Phytophthora gây bệnh cây, trong đó có bệnh chết nhanh hồ tiêu.
Trong quá trình sinh sống vi khuẩn tiết ra chất men phân giải động bào tử nấm bệnh, đồng thời sinh ra chất IAA ( Indol Acetic Acid) kích thích sự sinh trưởng của cây hồ tiêu.
Nhiều kết quả thí nghiệm sử dụng trong thực tế cho thấy hiệu quả hạn chế bệnh của vi khuẩn có thể đạt trên 70%.
Loài vi khuẩn P.putida được sử dụng là loài bản địa, phát triển thích hợp trong điều kiện đất đai và khí hậu nước ta. Ở Mỹ và nhiều nước loài vi khuẩn này đã sử dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và y học.
Ứng dụng kết quả nghiên cứu này, Cty Cổ phần Bình Điền - Mekong đã đưa loài vi khuẩn P.putida phối trộn trong loại phân hữu cơ vi sinh HCMK8. Chất hữu cơ trong phân bón có tác dụng bảo vệ, duy trì sức sống cho vi khuẩn.
Phân HCMK8 là loại phân đặc hiệu dùng bón cho hồ tiêu ngoài tác dụng như các phân hữu cơ sinh học khác, do có vi khuẩn đối kháng P.putida nên phân HCMK8 còn có thể hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora.
Sử dụng phân HCMK8 được coi là một giải pháp mới góp phần hạn chế hiệu quả bệnh chết nhanh hồ tiêu. Bón cho sầu riêng và cây có múi, phân cũng có tác dụng hạn chế bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytophthora.
Thường xuyên bón phân HCMK8 sẽ bổ sung cho đất một khối lượng đáng kể vi sinh vật đối kháng, cải thiện tính chất và hệ sinh thái đất, tiến tới hạn chế tối đa nguồn nấm bệnh, góp phần phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao