Tin nông nghiệp Hạn hán ở Đăk Lăk người khát, cây khô héo, trâu bò chết

Hạn hán ở Đăk Lăk người khát, cây khô héo, trâu bò chết

Author Duy Hậu, publish date Monday. April 18th, 2016

“Mong nước mắt thành mưa”

Lê Như Tiến (xã Bông Krang, huyện Lăk) kể rằng, 4 năm trước khi vừa bước sang tuổi 15 em “xếp bút nghiên” theo cha làm nông. Sau 4 năm miệt mài, em đã phủ xanh hơn 1ha đất mà bố mẹ cho bằng một vườn cà phê. Nhưng khi chuẩn bị “trả ơn” chăm sóc của chủ nhân thì vườn cà phê ấy có nguy cơ sẽ chết trụi vì thiếu nước. Tiến bảo rằng, nếu nước mắt có thể hóa mưa thì em sẽ khóc để cứu vườn cây. Bởi giờ đã tìm đủ mọi cách mà không sao tìm được nước tưới cho cà phê.

Ở Cư Mốt, huyện Ea H’Leo, đã hơn 1 tháng qua, ngày nào anh Nguyễn Tấn Thành (thôn 1) cũng phải ra suối Cầu Ri để bơm nước tưới vườn cà phê. Suối Cầu Ri đã cạn từ lâu nhưng may mắn vẫn còn một vũng nước đọng lại. Chẳng thể ngồi nhìn hơn 1ha cà phê của mình ngày mỗi héo úa, anh Thành vét vũng nước ấy xuống sâu hơn rồi mỗi ngày 3 bận nổ máy bơm đưa nước về vườn cà phê cách đó hơn 2km.

Tốn nhiều công sức như thế nhưng mỗi lần nổ máy, anh Thành chỉ tưới được chừng 10-15 cây cà phê thì vũng nước cạn, phải chờ hơn nửa ngày nước mới xuất hiện trở lại.

“Quanh khu vực này không thể tìm đâu ra nguồn nước. May còn vũng nước này dù biết rằng rất tốn kém nhưng cũng phải cố bơm cứu được cây nào hay cây đó”- anh Thành nói. Vất vả là vậy nhưng anh Thành vẫn thấy mình còn may mắn vì dù sao anh vẫn còn chút hi vọng chứ nhiều người cùng thôn giờ chỉ còn biết ngửa mặt trông trời chứ chẳng thể tìm đâu ra nước tưới. Anh kể rằng, chỉ vì vũng nước mà tình làng nghĩa xóm sứt mẻ, họ không chỉ chửi nhau mà thậm chí vác cuốc đuổi đánh nhau để tranh được bơm nước trước.

Không chỉ ở Ea H’Leo mà hầu hết các huyện như Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar, Ea Kar...hàng ngàn người dân khác giờ cũng chỉ biết...cầu trời chứ chẳng thể tìm đâu ra nguồn nước tưới cho cà phê. Trong đó, nặng nhất là Cư M’Gar, thống kê của huyện cho thấy đã có hơn 2.700ha cà phê mất trắng vì không còn nước tưới.

Ông Lê Thăng Long, nói như than vãn: “Trong tổng số hơn 30 ngàn ha cà phê của huyện thì giờ đã có ít nhất là 1/3 diện tích có nguy cơ mất trắng. Hàng ngàn ha khác sẽ bị sụt giảm năng suất đến hơn 50%. Nếu trời tiếp tục không có mưa thêm chừng nửa tháng nữa thì chưa biết mức thiệt hại còn nặng nề đến đâu. Song một điều chắc chắn rằng, hiện cơn hạn đã khiến hàng trăm hộ dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số vùng khó khăn đứng trước nguy cơ tái nghèo”.

Ở Ea Sin (huyện Krông Buk), ông Bí thư xã Nguyễn Đức Lĩnh cũng cùng tâm trạng đó. Ông Lĩnh cho hay, xã có 50% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo toàn xã hiện chiếm đến hơn 62%. Giờ hơn 2000 ha cà phê (trong tổng số 3492 ha) của dân bị hạn hán hoành hành thì chưa biết con số hộ nghèo sẽ tăng thêm bao nhiêu.

Người khát, trâu bò hết thức ăn


Hàng chục ngàn hộ dân ở Đăk Lăk hiện không còn nước sinh hoạt, họ phải bỏ tiền mua nước về dùng.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 25 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hiện theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều hộ dân phải đi mua nước về để sinh hoạt với mức giá có nơi lên đến hơn 100 ngàn/khối.

Không thiếu nước nghiêm trọng như ở nhiều nơi, nhưng vừa qua ở huyện Ea Súp lại xảy ra tình trạng trâu bò chết hàng loạt. Theo ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch huyện, thì nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn thức ăn cho gia súc bị cạn kiệt do nắng nóng. Ông cho biết: “Ở các xã biên giới Ea Rvê, Ia Lốp do nền nhiệt rất cao nên gần như toàn bộ đất đai vào mùa khô bị hoang hóa như sa mạc, cây cỏ chẳng thể mọc nổi. Trong khi đó, ở các địa phương này, người dân trồng lúa ít nên cũng không có nhiều rơm rạ để làm thức ăn cho đàn gia súc”.

Cũng theo ông Toản chiều 14.4, UBND huyện này đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tìm cách cứu đàn gia súc. Theo thống kê, hiện đã có hơn 100 con gia súc, và gần 100 gia cầm bị chết. Để cứu đàn gia súc còn lại, huyện đã thống nhất phương án sẽ vận động người dân đưa đàn gia súc đến các vùng gần suối còn nước và có thức ăn để chăn thả.

Tính đến chiều 14.4, toàn tỉnh Đăk Lăk có 42.365 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 6.148 ha mất trắng (chủ yếu là diện tích cà phê với gần 33.000 ha bị hạn và hơn 4.400 ha mất trắng). Thiệt hại về cây trồng ước tính 1312 tỷ đồng. Về nước sinh hoạt, toàn tỉnh có 25.136 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Hiện các địa phương đang tích cực dùng nhiều biện pháp như hỗ trợ xăng dầu thuê xe chở nước sinh hoạt cung cấp cho dân. Theo dự báo, tình hình hạn hán còn tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 5 tới sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 80 ngàn ha cây trồng và khiến 30 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 12.4, với người dân xã Ea Sin là một mốc thời gian rất đáng nhớ. Hôm đó, công trình nước sinh hoạt do sáng kiến của ông bí thư và chủ tịch xã đã chính thức đưa vào sử dụng. Đã 6-7 tháng nay, hơn ngàn dân của xã phải lặn lội hàng cây số để cõng về từng ít nước để dùng. Giờ chỉ cần đến ngay đầu xã vặn vòi là có ngay nước để dùng còn gì hạnh phúc hơn. Ami Manh chia sẻ với chúng tôi, chị cảm thấy rất vui mừng vì có công trình nước này.

Ông bí thư xã, Nguyễn Đức Lĩnh kể, mấy ngày trước, một hôm tình cờ ông phát hiện trên đỉnh núi Cư Tao, chỗ đám thợ làm đường có mạch nước rỉ ra. Ông về bàn với chủ tịch rồi cả hai ông tức tốc lên huyện trình bày ý tưởng. Huyện nghe đồng ý ngay. Hai ông nhận hơn trăm triệu về đào giếng kéo ống, mua hai bồn nước loại 3.000 lít đặt ngay đầu xã. Chưa đầy một tuần công trình của hai ông hoàn thành, giếng ở trên cao, bồn nằm dưới thấp, thế là chẳng cần bơm hút, nước cứ vậy tự động từ trên núi chảy về đầy bồn.


Related news

xuat-khau-sua-ong-chua-sang-my-kiem-ty-dong-moi-nam Xuất khẩu sữa ong chúa… nhieu-hop-dong-xuat-khau-gao-tang-manh Nhiều hợp đồng, xuất khẩu…