Hành Trình Đầu Ra Ong Mật
Sau gần 6 năm ròng vất vả, mật ong của Việt Nam mới có mặt tại thị trường ở 27 nước trong khối EU và được xuất khẩu nhiều hơn sang các nước khác.
* 6 năm ròng vất vả, mật ong Việt Nam đã có mặt tại 27 nước EU
Trong nhiều năm trước đây, việc xuất khẩu mật ong gặp vô vàn khó khăn do chưa đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong và người nuôi ong gặp nhiều rủi ro, bị thua lỗ nhiều.
Tuy nhiên, trong gần hai năm nay, mật ong của Việt Nam đã XK được sang nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là vào thị trường của 27 nước trong khối các nước châu Âu (EU) và đây cũng là thị trường đòi hỏi yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm khắt khe nhất.
Từ việc mở cửa thị trường đối với mật ong XK vào EU, các nước khác cũng tin tưởng chất lượng mật ong của Việt Nam và NK ngày một nhiều hơn. Do vậy, sản lượng mật ong XK của Việt Nam đã tăng vượt bậc.
Cụ thể: Năm 2013 đã XK được trên 40 nghìn tấn (cao gấp đôi so năm 2012); 9 tháng đầu năm 2014 đã XK được trên 40 nghìn tấn và được xếp vào tốp 3 của thế giới về XK mật ong. Dự kiến trong năm nay sẽ XK được khoảng 60 nghìn tấn, với giá trị hàng trăm triệu đô la Mỹ, mang lại việc làm cho trên 35 nghìn nông dân và 4 nghìn người nuôi ong chuyên nghiệp.
Để có được những thành quả này, đó là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống thú y, các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong và người nuôi ong ở khắp mọi miền của đất nước đã vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước mới XK được.
Cụ thể, vào đầu năm 2007, Đoàn thanh tra an toàn thực phẩm của EU đến Việt Nam để thanh tra, kiểm tra cả chuỗi của quá trình quản lý vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm từ khâu chế biến thức ăn cho ong, nuôi ong, thu mật, chế biến mật ong; hệ thống sản xuất, quản lý, sử dụng thuốc thú y cho ong; hệ thống giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm…
Do còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định việc quản lý nguồn gốc, giám sát chất tồn dư trong mật ong và phía EU đã cấm mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bắt đầu từ giữa năm 2007, hệ quả là việc XK mật ong của Việt Nam sang các nước khác cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Phía EU chỉ đồng ý mở cửa thị trường trở lại sau khi Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Từ năm 2007 – 2012, sau nhiều lần thanh tra và yêu cầu của phía EU, Cục Thú y đã phối hợp với Hội Nuôi ong Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mật ong tổ chức khắc phục những tồn tại mà phía EU đưa ra.
Để thực hiện đúng các yêu cầu đòi hỏi của các nước NK mật ong từ Việt Nam trên cơ sở các văn bản quy định mà phía Việt Nam đã gửi cho các nước, đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất thức ăn cho ong, thuốc thú y cho ong, chăn nuôi ong, thu gom, chế biến mật ong để XK và tiêu thụ trong nước cần phải thực hiện đầy đủ các quy định theo yêu cầu của nước NK sản phẩm mật ong, nhằm giữ vững thị trường; nếu không lại uổng công 6 năm trời ròng rã, vất vả của hàng chục nghìn người và tốn kém nhiều tiền của của nhân dân.
Đó là bổ sung các văn bản quy định nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, bao gồm:
1) Phải có hệ thống sổ sách ghi chép vận chuyển ong mật, sản phẩm mật ong để truy xuất nguồn gốc thông qua việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển để kiểm soát ong mật, mật ong từ cơ sở nuôi ong đến cơ sở thu gom, chế biến;
2) Các đàn ong, cơ sở nuôi ong, chế biến mật ong phải có mã số để quản lý;
3) Phải tổ chức giám sát bệnh ong;
4) Khi chẩn đoán, điều trị cho ong phải có cán bộ thú y kê đơn thuốc;
5) Phải có nhà máy sản xuất thuốc thú y cho ong;
6) Phải có cửa hàng chuyên bán thuốc thú y cho ong;
7) Mật ong phải được giám sát gần 50 chỉ tiêu chất tồn dư như thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và nhiều chỉ tiêu vệ sinh thú y khác, với tần suất 2 lần/năm bằng các thiết bị xét nghiệm hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng;
8) Mật ong khi phát hiện có chất tồn dư kháng sinh phải tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi;
9) Phải tổ chức tập huấn cho người nuôi ong, cơ sở thu gom, sản xuất, chế biến mật ong…
Cụ thể, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật của Bộ NN-PTNT đã được rà soát, tổng hợp hoặc ban hành mới để gửi cho phía EU như: Quyết định số 47/2005/QĐ-BNN-TY ngày 25/7/2005 quy định về việc phải kiểm dịch ong mật và mật ong khi vận chuyển ra khỏi huyện, với mục đích để truy xuất nguồn gốc; Thông tư số 23/2009/TT-BNN ngày 29/4/2009 quy định về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y đối với sản xuất, kinh doanh mật ong; Thông tư số 52/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 quy định về Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y được phép sử dụng trong chăn nuôi ong và nhiều văn bản hướng dẫn bổ sung liên quan đến sản xuất, chế biến, xử lý mật ong không đạt yêu cầu… theo yêu cầu của phía EU.
Đồng thời Cục Thú y đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất mật ong tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định. Với các yêu cầu nêu trên, phía EU đã chấp thuận cho phép Việt Nam được XK mật ong vào thị trường EU vào cuối năm 2012.
Như vậy, sau gần 6 năm ròng vất vả, mật ong của Việt Nam mới có mặt tại thị trường ở 27 nước trong khối EU và được xuất khẩu nhiều hơn sang các nước khác.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc mật ong được XK vào thị trường EU và các nước khác đã khó, nhưng việc giữ vững uy tín thị trường khó hơn nhiều. Muốn vậy, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định đã được ban hành như việc khai báo kiểm dịch ong mật và mật ong khi vận chuyển ra khỏi huyện và các quy định khác.
Theo báo cáo của 771 cơ quan thú y ở địa phương (gồm có 63 Chi cục Thú y và 708 Trạm thú y cấp huyện), từ đầu năm đến nay mới chỉ thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với mật ong khi vận chuyển ra khỏi tỉnh tại 2 tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai, với số lượng 6 nghìn tấn (mỗi lần kiểm dịch 1 lô hàng khoảng 10 tấn mật ong) và đã cấp khoảng 600 giấy chứng nhận kiểm dịch để vận chuyển ra khỏi tỉnh; tuy nhiên, số lượng mật ong từ đầu năm đến nay đã XK được trên 40 nghìn tấn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao