Hậu Giang Trồng Mía Trên Vùng Đất Phèn
Mặc dù sống và canh tác trên vùng đất bị nhiễm phèn, thế nhưng, nhiều nông dân trồng mía nhờ biết áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nên vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Nhờ áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật, mà những ruộng mía trên vùng đất phèn của nông dân luôn xanh tốt và đảm bảo năng suất, chất lượng.
Xã Tân Tiến là một trong những địa phương có đất bị nhiễm phèn nhiều của thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Do đó, đa phần người dân nơi đây sản xuất tập trung vào cây mía và khóm, riêng diện tích trồng mía toàn xã là 1.019ha, chiếm khoảng 60% so với các loại cây trồng khác trên địa bàn và tập trung chủ yếu ở ấp Mỹ Hiệp 2 và 3, Tư Sáng, Thạnh Quới 1.
Mặc dù diện tích đất trồng mía nhiều, thế nhưng, trước đây do bà con chưa ứng dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật, nhất là chưa nắm rõ kỹ thuật canh tác mía trên vùng đất phèn, nên hiệu quả kinh tế đem lại từ loại cây này còn thấp, lợi nhuận không cao.
Vài năm trở lại đây, một số nông dân đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khoa học, những nông dân trồng mía giỏi ở các vùng khác để đem về áp dụng ngay trên mảnh đất của mình. Nhờ vậy, tuy ngành mía đường hiện đang gặp nhiều khó khăn, không ít nông dân phải bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác, nhưng do biết vận dụng linh hoạt và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, nên nhiều hộ trồng mía vẫn đạt năng suất cao và cho nguồn thu nhập ổn định, xem cây mía là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn kinh tế chính cho gia đình.
Điển hình là ông Nguyễn Văn Thơ, ở ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến. Ông Thơ cho biết: “Trước đây, năng suất mía của tôi chỉ khoảng 100 tấn/ha. Tuy nhiên, qua thời gian học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các nông dân trồng mía giỏi mà kỹ thuật chăm sóc mía của tôi không ngừng mang lại hiệu quả.
Hiện năng suất mía của tôi đã được nâng lên hơn 150 tấn/ha, có năm gần 200 tấn/ha và nhiều năm liền là thành viên Câu lạc bộ (CLB) trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm do Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) thành lập”.
Để có được thành quả trên, một trong những điều mà ông Thơ quan tâm là khâu chọn giống mía. Do canh tác trên vùng đất phèn nên bà con cần phải lựa chọn những giống mía cho phù hợp với thổ nhưỡng của đất, có thể kể đến như: K88-92, K95, ROC 16, Sunphan Buri 7, M30-3566,…
Ngoài ra, hiện việc canh tác mía cho sản lượng nhiều không phải là vấn đề chính yếu, mà vấn đề ở đây là chất lượng và lợi nhuận. Để có được lợi nhuận cao thì phải biết cách giảm chi phí sản xuất mà vẫn giữ được năng suất, chất lượng cây mía.
Do đó, bên cạnh yếu tố giống mía thì ông Thơ còn thường xuyên cải tạo đất và theo nguyên tắc “cung cấp những gì cây mía cần chứ không phải cho cây mía những gì ta có”. Nghĩa là phải bón phân hợp lý theo tình trạng đất, loại giống mía và giai đoạn sinh trưởng của cây mía.
Chia sẻ kinh nghiệm về cách trồng và bón phân cho mía đạt hiệu quả, ông Thơ cho biết thêm: Bà con cần làm đất kỹ trước khi đặt hom mía, sau đó khử trùng và cải tạo đất với vôi, liều lượng 40kg/công (1.000m2); khi mía khoảng 15 ngày sau trồng, tiến hành bón urê từ 3-5kg/công, đồng thời kết hợp bón lót với phân lân nhằm tạo tiền đề cho rễ khỏe, chồi to, liều lượng 100kg/công.
Khi mía được 1-1,5 tháng tuổi sẽ tiến hành bón thúc đợt 1 với liều lượng cho 1 công là 25kg urê, 25kg DAP, 25kg phân hữu cơ và 1kg Regen; bón thúc đợt 2 khi mía 3-3,5 tháng tuổi, gồm 25kg urê, 10kg DAP, 15kg phân hữu cơ; bón thúc đợt 3 khi mía 5-6 tháng tuổi, gồm 25kg urê và 25kg kali, thời kỳ này, bà con không nên lạm dụng nhiều phân đạm mà bón thêm kali và dứt điểm sử dụng phân bón vào lần bón này để cây mía tích lũy, dự trữ chữ đường được tốt hơn.
Được biết, hiện ông Thơ đang là chủ nhiệm CLB trồng mía Mỹ Hiệp 3 và toàn bộ 21,6ha diện tích mía của các thành viên trong CLB đã và đang thành công với cách làm của ông.
Cũng thành công như ông Thơ, ông Lê Hoàng Đông, nông dân trồng mía ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cũng là một trong những người trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất chua phèn. Ông Đông bộc bạch: “Xác định vùng đất của mình canh tác không được màu mỡ như những nơi khác, nên cần phải có giải pháp canh tác cho phù hợp.
Chính vì vậy, tôi thường đi học tập kinh nghiệm từ các anh nông dân trồng mía giỏi, kết hợp với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật địa phương, nhà máy đường,… nhờ vậy mà năng suất và chất lượng mía của tôi năm nào cũng đạt khá”.
Trong canh tác mía, ông Đông thường chú trọng đến chữ đường nên ông chọn những giống mía có chữ đường cao để trồng, điển hình là giống ROC 16. Về cách chăm sóc, ngoài các biện pháp giống như những nông dân khác, ông Đông còn sử dụng bã bùn làm phân hữu cơ để bón lót trước khi trồng, đồng thời rải một lớp mỏng phân Đầu Trâu TE-mía 1 dưới hộc và lấp lên một lớp đất mỏng từ 3-5cm trước khi đặt hom.
Với cách làm này, giúp cho cây mía nhanh bén rễ, sớm đâm chồi, đẻ nhánh tập trung. Một điều ông Đông lưu ý bà con là khi mía đã có lóng và cao trên 1m, nếu có chồi mới thì nên nhổ bỏ vì đây là những chồi vô hiệu, sẽ cạnh tranh dinh dưỡng của những thân chính làm giảm chữ đường và là nơi trú ngụ phát sinh sâu bệnh.
Với cách trồng và chăm sóc mía như trên mà năng suất, chất lượng mía của ông Thơ, ông Đông và nhiều hộ nông dân khác hàng năm đều đạt khá cao, đảm bảo nguồn thu nhập và cuộc sống gia đình ổn định. Điều này càng quan trọng hơn khi ngày nay, cây mía đang bị cạnh tranh bởi nhiều loại cây trồng khác, diện tích mía khó có thể gia tăng mà thậm chí nhiều vùng còn có xu hướng thu hẹp.
Chính vì vậy, việc trồng mía như thế nào vừa tiết giảm chi phí, vừa mang tín hiệu quả để có lợi nhuận như các nông dân trên cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là những nông dân trồng mía trên vùng đất phèn.
Ông Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: Để giúp người trồng mía không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng nguồn mía nguyên liệu, nhất là những nông dân ở vùng đất bị nhiễm phèn, hàng năm, Casuco thường hỗ trợ hàng trăm tấn bã bùn cho bà con làm phân hữu cơ để cải tạo đất.
Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lựa chọn và giới thiệu những giống mía có khả năng chịu phèn,… từ đó, giúp người dân có những định hướng và giải pháp phù hợp để canh tác mía đạt hiệu quả.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao