Mô hình kinh tế Hệ Lụy Từ Vỡ Quy Hoạch Trên Tôm Nuôi

Hệ Lụy Từ Vỡ Quy Hoạch Trên Tôm Nuôi

Publish date Wednesday. July 16th, 2014

Mấy năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang phát triển ồ ạt, vượt tầm kiểm soát của hầu hết các tỉnh, không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà nghiêm trọng hơn, nó đang làm “vỡ quy hoạch” hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy.

Thiếu và đắt

Huyện Cái Nước có hơn 30.600 ha nuôi tôm, chiếm khoảng 11% diện tích nuôi tôm của cả tỉnh Cà Mau (tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước). Trong đó, nuôi công nghiệp gần 1.500 ha, chiếm 20% cả tỉnh.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, ông Nguyễn Thanh Giảng, chỉ tay lên bản đồ theo quốc lộ 1A, hướng từ TP Cà Mau về Năm Căn, đoạn đi qua huyện Cái Nước; ông giới thiệu: Trước đây chỉ nuôi tôm sú, quy hoạch vùng nuôi công nghiệp ở bên tay trái. Từ ngày phát triển tôm thẻ chân trắng (TTCT), người dân tự phát nuôi bên tay phải vì chất đất thích hợp hơn. Thế là vỡ quy hoạch.

Vì “vỡ quy hoạch” nên các vùng nuôi tôm công nghiệp đang rất thiếu điện. Xã Tân Hưng Đông có diện tích nuôi tôm công nghiệp hơn 260 ha, lớn nhất huyện Cái Nước. Ông Đặng Hòa Hợp (ấp Ông Khâm) đang nuôi 9 ao TTCT với khoảng 3 ha, than thở: “Điện quá yếu, một ngày cầu dao tự động cúp cả trăm lần”.

Các hộ nuôi tôm có chung đường dây đã phải thuê một gia đình ở gần cầu dao một tháng 3,5 triệu đồng, để bật công tắc điện mỗi khi cúp. Tuy nhiên, lắm khi phải chờ rất lâu mới bật trở lại được, mà TTCT thả dày sẽ ngạt thở nếu ngừng quạt. Nên ông Hợp phải mua máy nổ dự phòng, cứ một ao chuẩn bị sẵn hai máy và thuê một người trực.

Vì "vỡ quy hoạch" nên các vùng nuôi tôm công nghiệp đang rất thiếu điện - Ảnh: Phan Thanh

Cái thiếu thứ hai là giao thông đường bộ. Vùng nuôi tôm công nghiệp được quy hoạch hay tự phát ở Cái Nước, đường bộ chủ yếu do dân góp tiền làm chỉ ghép tấm đan rộng hơn 1 m, xe hai bánh chạy còn khó. Toàn bộ đầu vào và đầu ra của ao tôm phải vận chuyển bằng đường thủy, giá đắt và chậm hơn đường bộ.

Theo ông Hợp, bán tôm cho vỏ lãi chạy đường thủy, giá rẻ hơn 3.000 đồng/kg nếu có đường bộ. Mỗi hecta một năm thu hoạch hơn 20 tấn tôm. Nhiều loại vật tư khác có khối lượng lớn hơn nữa. Tổng cộng chi phí tăng thêm do giao thông trắc trở lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi hecta nuôi tôm.

Nguy cơ ô nhiễm

Để khắc phục tình trạng thiếu điện, mấy tháng đầu năm 2014, lãnh đạo huyện Cái Nước đã tổ chức 6 cuộc họp bàn nhưng chưa tìm được giải pháp. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết: Năm ngoái ngành điện tạm ứng của tỉnh hơn 130 tỷ đồng để đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp, chưa trả; năm nay lại xin tạm ứng thêm, trong khi vốn của ngành điện hứa năm nay chỉ có 40 tỷ đồng.

Đó là những con số rất nhỏ so với nhu cầu. Thế nên ở vùng nuôi tôm công nghiệp huyện Cái Nước, có nơi cúp điện hai tuần liên tục trong một tháng. Cũng ở huyện Cái Nước, mấy tháng đầu năm đã nổ hơn 30 bình điện hạ thế do quá tải, mỗi bình giá 25 - 50 triệu đồng.

Khó khăn lớn tiếp theo là thủy lợi. Nhu cầu nuôi tôm công nghiệp đúng kỹ thuật để bảo vệ môi trường, cần hệ thống thủy lợi tách riêng giữa cấp nước và xả nước. Các vùng nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh Cà Mau đang phải tận dụng hệ thống thủy lợi của trồng trọt trước đây, đưa vào phục vụ nuôi tôm, chỉ có một hệ thống kênh mương. Thế nhưng việc khơi thông dòng chảy cũng chưa đáp ứng.

Ở huyện Cái Nước, Trưởng phòng Giảng cho hay, có 7 con kênh trục lớn, 80 kênh cấp 2 và khoảng 130 kênh cấp 3. Kinh phí nạo vét mấy năm nay, một năm chỉ đủ để nạo vét 10 con kênh cả lớn lẫn nhỏ. Bên cạnh, 3.300 hộ nuôi tôm công nghiệp cần được tập huấn kỹ thuật nhưng kinh phí tập huấn một năm chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.


Related news

cap-bu-lai-suat-phat-trien-thuy-san Cấp Bù Lãi Suất Phát… nguon-ca-dong-tu-nhien-ngay-mot-giam Nguồn Cá Đồng Tự Nhiên…