Tin thủy sản Hẹ nước - đặc sản vùng Đồng Tháp Mười

Hẹ nước - đặc sản vùng Đồng Tháp Mười

Author Hoàng Nam, publish date Monday. September 12th, 2016

Hẹ nước là một loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước, mà còn ở các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn Đồng Tháp Mười.

Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước lũ, từ tháng 7 đến tháng 8.

Do năm nay lũ thấp nên hẹ nước tự nhiên cạn kiệt.

Gần hai tháng nay, ông Nguyễn Như Phúc, nông dân tại Thạnh Hóa (Long An) đã tận dụng lợi thế ruộng luôn có hẹ tự nhiên vào các năm trước, hạt giống còn tồn lưu, sau đó chủ động không gieo sạ vụ lúa hè thu mà bơm nước ngập ruộng tạo lũ giả để hẹ mọc và thành công.

Mỗi ngày, tại ruộng hẹ rộng 1,3 hecta có khoảng hơn 10 người nhổ, một kg hẹ 13.000 đồng họ được chủ trả 6.000 đồng.

Ruộng hẹ thường nước rất trong nên người thu hoạch phải đi theo lối, nhổ hết chỗ này mới đến chỗ khác để tránh làm đục nước không thấy hẹ.

Bụi hẹ mềm, rễ chùm ngắn bám vào đất bùn nên nhổ cũng không quá tốn sức.

Thông thường, khi nhổ từ đầu đến cuối ruộng thì hẹ mới cũng đã mọc lên thay thế lứa đã khai thác.

Bình quân một người làm thuê nhổ mỗi ngày khoảng 30-50 kg hẹ, thu nhập vài trăm nghìn đồng, một khoản đáng kể khi lũ không về, cá tôm cạn kiệt.

Dân nhổ hẹ chuyên nghiệp muốn kiếm thêm thu nhập thường dậy sớm, khoảng 3h là đã ra đồng.

Họ dùng đèn pin đội trên đầu để nhổ hẹ.

Hẹ nước trồng tại ruộng của ông Phúc mỗi ngày thu hoạch 200-400 kg, trừ chi phí ông có lãi từ một triệu đến hơn 2 triệu đồng.

Đây là một trong những ruộng hẹ trồng hiếm hoi tại huyện Thạnh Hóa.

"Từ khi cày đất, bơm nước đến khoảng một tháng là bắt đầu thu hoạch hẹ.

Nếu so với lúa thì hẹ lãi hơn 4 lần.

Nhưng nó chỉ trồng được từ khoảng khoảng 2 tháng mùa nước", ông Phúc cho biết.

Sau khi nhổ, hẹ sẽ được chất ngay bên bờ ruộng để giữ độ ẩm và thường xuyên được tưới nước, dùng vải bạt phủ lên trên trong thời gian chờ sơ chế.

Nếu thiếu nước và bị nắng chiếu trực tiếp trong thời gian ngắn hẹ cũng sẽ bị héo khô, thương lái chê không mua.

Công đoạn sơ chế hẹ cũng không quá khó khăn, ai cũng có thể làm được.

Một bụi hẹ khoảng gần 20 lá sẽ được tỉa bỏ bớt khoảng 5 đến 6 lá già, lá úa rồi lặt bỏ phần rễ, để lại phần cuống trắng muốt và những lá non mọng nước.

Do không có ruộng đất nên mỗi ngày bà Nguyễn Thị Hai (77 tuổi) đi xe đò 20 km để tới ruộng nhổ hẹ mướn.

"Ruộng nước càng sâu, lá hẹ càng dài, màu lá càng xanh nhạt, trong sáng, bề rộng lá lớn khoảng một phân.

Ruộng nước thấp lá hẹ ngắn và màu sậm hơn, lá cũng dày hơn, bề rộng lá nhỏ hơn.

Hẹ ở ruộng thì xốp, giòn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương", bà Hai chia sẻ kinh nghiệm.

Để chống chọi với cái lạnh vì trầm mình lâu dưới nước từ 5h đến 15h, bà lão 75 tuổi này phải mặc áo mưa trong lúc làm sạch hẹ.

Những bàn tay người nhổ hẹ thường rộp lại vì ngâm nước quá lâu.

Hẹ nước được người ta dùng ăn sống như một loại rau, chấm nước cá kho, thịt kho… nhưng ngon nhất là chấm mắm kho.

Thị trường được tiêu thụ nhiều nhất ở TP HCM, Tây Ninh, Tiền Giang...

"Tuy nhiên có không ít người thành phố hay miền Tây vẫn chưa biết tới loại rau độc đáo này", người phụ nữ thu hoạch hẹ nói.

Sau khi hết vụ, người dân tiếp tục cày xới đất để làm lại vụ lúa.

Những bụi hẹ già được bỏ lại ruộng, sau đó chúng sẽ mục rữa, chìm xuống đáy làm phân xanh bón cho đất, rồi hồi sinh vào năm sau.


Related news

doanh-nhan-nang-long-voi-con-tom Doanh nhân nặng lòng với… tan-muc-hang-loat-sinh-vat-ngoai-lai-tan-cong-mien-tay Tận mục hàng loạt sinh…