Nuôi lợn (Heo) Heo Táp Ná

Heo Táp Ná

Author Bảo Hân, publish date Friday. July 27th, 2018

 Khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp nên thơ, đậm chất núi rừng mà còn nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó, heo Táp Ná cũng được ghi danh.

Táp Ná là giống heo nội của Việt Nam, được bà con nuôi từ rất lâu. Do trước đây heo được mua bán tại chợ Táp Ná, nên dần dần người ta gọi là heo Táp Ná. Giống heo này được nuôi chủ yếu tại các bản làng hẻo lánh ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng nhiều nhất là ở huyện Thông Nông, Cao Bằng.

Đặc điểm

Giống vật nuôi này có màu sắc lông da rất đặc trưng, lông và da đều đen, ngoại trừ 6 điểm trắng ở giữa trán, 4 cẳng chân và chóp đuôi. Đặc biệt, bụng heo có màu đen và không có dải yên ngựa màu trắng bắt qua vai như giống heo khác. Đây là những điểm ngoại hình khác biệt rõ nét của heo Táp Ná với các giống heo nội khác.

Đầu heo to vừa phải, tai hơi rủ cúp xuống, bụng to nhưng không bị sệ và võng xuống. Chân to, cao, chắc khỏe, lưng tương đối thẳng, mặt thẳng và không bị nhăn nheo như heo ỉ. Heo thường có từ 8 - 12 vú, phổ biến nhất là 10 vú. Heo có tầm vóc nhỏ, khối lượng thấp và tốc độ lớn chậm, thường phải nuôi đến ngót 1 năm mới có thể giết thịt, nhưng thịt heo có mùi vị rất thơm ngon. Heo Táp Ná nuôi thả rông, chọn lọc tự nhiên nên hầu như không mất công chăm sóc, phàm ăn, chống chịu bệnh tật rất tốt. Tỷ lệ mắc bệnh chết của heo nái và đực giống, heo con từ sơ sinh đến cai sữa cũng như heo trong giai đoạn nuôi vỗ béo, việc khai thác thịt của giống heo này nuôi tại huyện Thông Nông rất thấp, chỉ 3 - 4%.

Thực trạng

Heo Táp Ná được nuôi ở vùng cao, hẻo lánh, nên hiện vẫn giữ được mức độ thuần chủng cao, chưa bị lai tạp nhiều với các giống heo khác, song bị cận huyết khá cao. Giống heo này được coi là loài nuôi cung cấp thịt chủ yếu cho người dân trong vùng nên vẫn được duy trì nuôi với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do tốc độ “săn lùng” thịt đặc sản của người miền xuôi ngày một tăng trong khi heo tỷ lệ sinh thấp, số con nái sinh sản tốt bình quân đạt 2 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 7 - 9 con/ổ nên vật nuôi này đang có nguy cơ suy giảm đàn nghiêm trọng. Hơn nữa, do heo có tốc độ sinh trưởng thấp, tiêu tốn thức ăn cao nhưng hiệu quả kinh thế thấp nên cũng ít được bà con lựa chọn là loài nuôi chủ đạo để phát triển kinh tế gia đình.

Để bảo tồn loài vật nuôi quý bản địa, giống heo này hiện đang được nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen, nhằm tránh nguy cơ bị suy giảm do lượng tiêu thụ ngày một tăng.

Heo Táp Ná là một trong những nguồn gen thuộc danh sách 20 nguồn gen bản địa vật nuôi ở nước ta đã được công bố và là nguồn vật chất di truyền duy nhất có ở Việt Nam. Để phục vụ công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen quý này, năm 2011, Công ty CP Giống và TĂCN Cao Bằng phối hợp với Viện Chăn nuôi, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Bảo tồn và phát triển nguồn gen heo đen Táp Ná tại tỉnh Cao Bằng”. Ngay sau đó, Công ty đã bảo tồn và phát triển được nguồn gen đối tượng nuôi này, cung cấp ra thị trường hàng trăm con heo giống đen Táp Ná mỗi năm.


Related news

can-bang-dien-giai-tren-khau-phan-heo Cân bằng điện giải trên… giai-phap-tiem-phong-prrs-som-cho-heo-con Giải pháp tiêm phòng PRRS…