Mô hình kinh tế Hiện Tượng Ngao Chết Tiếp Tục Lan Rộng Ở Tiền Hải (Thái Bình)

Hiện Tượng Ngao Chết Tiếp Tục Lan Rộng Ở Tiền Hải (Thái Bình)

Publish date Saturday. August 23rd, 2014

Từ những ngày đầu tháng 8, hàng trăm héc ta ngao ở hai xã Ðông Minh, Nam Thịnh (Tiền Hải - Thái Bình) chết trắng. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục hiệu quả thì những ngày gần đây, ngao chết tiếp tục lan ra trên diện rộng ở tất cả các xã có diện tích nuôi ngao trong huyện.

Năm 2014, Tiền Hải có tổng diện tích nuôi ngao 2.366 ha ở 7 xã, trong đó 1.992 ha nuôi ngao thương phẩm và 374 ha ương giống ngao. Những ngày đầu tháng 8, hiện tượng ngao bị chết tập trung chủ yếu tại hai xã Ðông Minh và Nam Thịnh. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây ngao chết tiếp tục lan rộng trên diện tích lớn ở các xã có nuôi ngao trong huyện.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến ngày 17/8/2014 tổng diện tích ngao bị chết là 1.010,33 ha; trong đó 202,8 ha ngao bị chết dưới 30%, 381,07 ha ngao chết từ 30 - 70%, 426,11 ha ngao chết trên 70%. Tổng sản lượng ngao bị chết ước khoảng 7.000 tấn, trị giá 84 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy ngao chết trên diện rộng ở tất cả các xã nuôi ngao ngoài bãi triều và đang tiếp tục chết với số lượng ngày càng nhiều hơn, chủ yếu tập trung ở các xã Ðông Minh, Nam Thịnh, Ðông Hoàng, Ðông Long.

Ðặc biệt là xã Ðông Minh với tổng diện tích ngao bị chết là 446,2 ha, trong đó 223,31 ha chết trên 70%; Nam Thịnh có 382,3 ha ngao bị chết, trong đó 166,8 ha chết trên 70%. Xã Ðông Hoàng và Ðông Long ngao chết nhiều trong những ngày gần đây (ngao bị chết ở xã Ðông Hoàng là 139,7 ha, xã Ðông Long là 41,78 ha) và đang tiếp tục lan rộng.

Ông Trần Xuân Thắng (thôn Ðồng Lạc, xã Nam Thịnh) một trong những hộ có diện tích ngao bị chết nhiều và thiệt hại nặng chia sẻ: Gia đình tôi có 2,4 ha ngao nuôi thương phẩm, ngao sắp đến ngày thu hoạch thì từ ngày 7/8 đến nay ngao tự nhiên bị chết, thiệt hại đến thời điểm hiện tại khoảng 30 tấn, trị giá trên 300 triệu đồng.

Thêm vào đó, tôi phải mất thêm khoản tiền lớn nữa để thuê người thu xác ngao chết, mấy ngày nay tìm thuê người mà vẫn chưa được vì các chủ bãi khác có ngao bị chết đã thuê trước rồi. Trong thời gian tới, tôi rất lo ngại vì những con ngao đã chết sẽ gây ô nhiễm làm ngao chết nhiều hơn.

Theo ông Phạm Văn Chế, cán bộ lâm sinh, thủy sản xã Nam Thịnh, trong những ngày gần đây thời tiết mát mẻ nên ngao bị chết đã giảm. Tuy nhiên, số ngao trong các bãi lớn theo đánh giá là còn sống nhưng đã rất yếu, vì vậy trong thời gian tới ngao sẽ còn chết rải rác. Nếu các bãi có ngao bị chết không làm tốt công tác thu dọn xác ngao, bảo đảm vệ sinh tốt thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Ông Bùi Kiên Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh buồn rầu tâm sự về những nhọc nhằn của bà con nuôi ngao nơi đây: Cơn bão số 8 năm 2012 đã gây thiệt hại 30 - 70% sản lượng ngao của xã, tiếp đó là đợt dịch bệnh hồi tháng 3/2013 đã gây chết 90 ha của một số hộ.

Thêm vào đó là sự xuống giá thảm hại từ 22.000 đồng/kg xuống còn 11.000 đồng/kg ngao trong những năm gần đây đã làm người nuôi ngao “sống dở, chết dở”. Hiện nay, diện tích thực nuôi ngao khoảng 1.150 ha, trong đó khoảng 800 ha hiệu quả, còn lại rất bấp bênh. Nay thêm đợt ngao chết này, không biết các hộ nuôi ngao xã Nam Thịnh làm sao để tái sản xuất.

Dẫn chúng tôi đi trên những bãi ven triều nuôi ngao ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Minh chưa hết bàng hoàng trước cảnh ngao chết chất thành đống ở các bãi ngao trong xã mình.

Mỗi khi nước triều rút, nhìn cảnh bà con nhọc nhằn kéo từng bao đựng xác ngao chết lên thuyền, ông càng thấy xót xa. Từ ngày ngao chết, ông và các cán bộ xã Ðông Minh luôn có mặt trên các bãi ngao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm cách ngăn chặn ngao chết, tháo gỡ khó khăn cho bà con.

Ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng ngao bị chết bất thường tại các vùng nuôi ngao của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Hải đã phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản và UBND các xã tiến hành khảo sát, lấy mẫu để xác định tỷ lệ, nguyên nhân và diện tích ngao chết.

Nguyên nhân ngao bị chết, theo đánh giá ban đầu là do yếu tố môi trường, nhiệt độ tăng cao (do ảnh hưởng của gió Tây Nam trái mùa), độ mặn tăng cao bất thường gây sốc cho ngao, thêm vào đó là các hộ nuôi với mật độ cao (800 - 1.000 con/m2).

Hiện tại, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I vẫn đang xét nghiệm mẫu ngao chết để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất, từ đó đưa ra giải pháp ngăn chặn. Trước mắt các địa phương cần tập trung hướng dẫn bà con tổ chức thu dọn sạch ngao chết, thối rữa, tránh gây ô nhiễm môi trường làm ngao chết nhiều hơn. Gom ngao chết xử lý theo đúng nơi quy định, không được đổ trực tiếp ra sông, biển. San thưa mật độ ngao bảo đảm dưới 500 con/m2.

Trước tình hình ngao chết với diện tích lớn gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi ngao ở Tiền Hải, các chủ bãi ngao đa số đang nợ vốn vay ngân hàng, việc hạn chế thiệt hại và tháo gỡ khó khăn cho bà con trong thời gian tới để tiếp tục tái sản xuất là rất cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Ngoài việc chỉ đạo sát sao bà con làm tốt công tác thu dọn xác ngao chết để tránh gây ô nhiễm môi trường, hạn chế ngao chết thêm, huyện đề nghị với các ngành chức năng, nhất là ngành Ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ bà con khoanh nợ cũ, cho vay mới để có vốn tái sản xuất; giảm thuế thuê đất và nhiều chương trình hỗ trợ khác.


Related news

bayer-viet-nam-ho-tro-con-em-cac-ho-nuoi-tom-vao-dai-hoc Bayer Việt Nam Hỗ Trợ… xuat-khau-sang-my-vung-luat-thi-khong-thiet Xuất Khẩu Sang Mỹ Vững…