Hiệu Quả Bước Đầu Từ Trồng Cây Thức Ăn Chăn Nuôi
Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.
Để giải quyết vấn đề về nguồn thức ăn, phục vụ cho mục đích nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh; đồng thời đi trước đón đầu, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho trang trại bò sữa Thanh Hóa 2, thực hiện chỉ đạo của ngành nông nghiệp, vụ xuân 2014, huyện Như Thanh đã thực hiện mô hình trồng cây ngô dày với quy mô 5 ha tại xã Phú Nhuận.
Theo như các hộ dân thực hiện mô hình cho biết, khác với ngô thương phẩm trồng để lấy hạt, cây ngô dày được trồng chỉ để lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Xét về lợi ích kinh tế, đây là loại cây không những đem lại giá trị dinh dưỡng cao cho gia súc mà còn đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác đang được canh tác trên một đơn vị diện tích.
So sánh hiệu quả kinh tế của loại cây làm thức ăn chăn nuôi, bà Lê Thị Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Theo tính toán bước đầu từ mô hình vừa thực hiện, 1 ha ngô dày được canh tác trong khoảng thời gian 75-80 ngày cho năng suất 35 đến 40 tấn/ha/vụ, với giá bán 850-900.000 đồng/tấn, bà con nông dân thu về khoảng 29-35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 24-30 triệu đồng/ha/vụ.
Như vậy, với 1 ha được bố trí trồng ngô dày có thể canh tác 3 vụ/năm, nếu thâm canh tốt đạt 4 vụ/năm sẽ giúp bà con nông dân thu lãi khoảng 80-100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 2 lần so với trồng ngô thương phẩm lấy hạt.
Với hiệu quả kinh tế trên, vụ đông 2014 - 2015 tới đây, huyện Như Thanh dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi gia súc lên 130 ha. Được biết, toàn bộ diện tích này đã được trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 nhận thu mua làm thức ăn cho 600 con bò sữa sẽ được nhập về vào cuối tháng 10 năm nay.
Ngoài hiệu quả kinh tế đem lại, theo bà Dung: xét về lâu dài, huyện Như Thanh hy vọng, việc mở rộng diện tích trồng thức ăn chăn nuôi gia súc sẽ giúp người dân dần nhận thấy tầm quan trọng của nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi, từ đó thay đổi tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, hướng đến nền chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiệu quả cao.
Nếu ở huyện Như Thanh, việc mở rộng diện tích trồng thức ăn chăn nuôi mới đem lại hiệu quả về canh tác thì ở huyện Thọ Xuân, người dân đã triệt để tận dụng những khu đất cằn cỗi, đất bạc màu, đất ven đê, đầu bờ ruộng, thậm chí là đất vườn nhà để trồng cỏ voi. Gần đây, huyện chuyển những diện tích đất canh tác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ngô, rồi lấy sản phẩm trồng được làm thức ăn chăn nuôi, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với việc chỉ trồng để bán sản phẩm.
Điều này được chứng minh ở xã Hạnh Phúc. Với 1 tấn ngô dày và cỏ được trồng để bán thu được 850-900.000 đồng (chưa trừ chi phí), nhưng người dân dùng làm thức ăn để vỗ béo 1 con bò trong 2 tháng, khi xuất bán, trừ chi phí còn lãi tới 2 triệu đồng, cao hơn gấp 2,5 lần so với trồng cây thức ăn để bán và gấp 4,5 đến 5 lần so với trồng ngô thương phẩm. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, nên hiện tại, ngoài 109 ha cỏ voi, huyện Thọ Xuân đang tiếp tục rà soát những diện tích sản xuất hiệu quả kinh tế thấp đưa sang trồng cỏ và ngô dày.
Hiệu quả từ thực tế cho thấy, việc mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi là một chủ trương đúng của ngành nông nghiệp, bởi nó không chỉ đơn thuần là chuyển đổi cây trồng trong trồng trọt, mà còn là lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc những năm tới.
Với mục tiêu nâng cao giá trị chăn nuôi gia súc, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi; phấn đấu, ngoài duy trì vùng trồng cây ngô dày hiện có cung cấp nguyên liệu cho các trang trại bò sữa, năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 8.100 ha trồng cỏ, đến năm 2025 diện tích này sẽ được tăng lên 15.000 ha.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao