Mô hình kinh tế Hiệu Quả Chuyển Đổi Cây Trồng Ở Long An

Hiệu Quả Chuyển Đổi Cây Trồng Ở Long An

Publish date Tuesday. October 15th, 2013

Long An là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất lúa đứng hàng đầu đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lúa hơn 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Long An đã phát triển thêm nhiều loại cây trồng khác mang lại hiệu quả cao, nhờ đó đời sống của người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện.

Lợi nhuận cao hơn lúa

Cứ mỗi chiều về, không khí tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lại sôi động hẳn lên bởi những chuyến xe của các thương lái từ khắp nơi về đây lấy rau. Anh Trần Phước Ðạo, ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết, nhiều năm nay, người dân trong xã Phước Hậu đều sống nhờ vào cây rau. Cũng như phần lớn người dân trong xã, anh Ðạo đã "chia tay" cây lúa hơn 10 năm để đến với cây rau. Anh chia sẻ: "Trước đây, mỗi năm tôi trồng hai vụ lúa trên ba công đất của gia đình. Nhưng trồng lúa hoài mà không thấy dư dả gì, tôi bàn với gia đình chuyển sang trồng rau". Từ ngày không trồng lúa nữa, anh Ðạo chuyên canh trồng các loại rau như cải xanh, cải ngọt. Nếu trước đây, với ba công đất lúa, anh Ðạo chỉ kiếm được vài triệu đồng tiền lời, thì ngày nay, cũng trên diện tích ấy, mỗi năm anh thu hoạch khoảng tám đợt, thu lợi hơn 100 triệu đồng/năm. Cùng với xã Phước Hậu, tại các xã khác như Phước Lâm, Mỹ Lộc, Long Thượng, cây rau đang trở thành cây chủ lực của người dân. Hiện nay, diện tích trồng rau của huyện Cần Giuộc là 1.750 ha, nhiều nhất cả tỉnh, chủ yếu là rau ăn lá, rau gia vị... Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc Ðặng Văn Công cho biết, ngoài vùng nuôi thủy sản ở các xã vùng hạ của huyện, Cần Giuộc đang tập trung để phát triển tốt vùng sản xuất rau ở các xã vùng thượng. Do giá trị của loại cây trồng này tăng cao và ổn định nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng chuyên canh cây rau thay cho cây lúa. Nhiều hộ khác thì vẫn luân canh trồng lúa với rau.

Khi nói đến cây chanh, người dân ở các xã ven sông Vàm Cỏ Ðông trên địa phận huyện Bến Lức đều tỏ ra phấn khởi. Tuy là loại trái có vị chua nhưng gần 10 năm qua, cây chanh luôn mang lại vị ngọt cho người dân sau mỗi vụ thu hoạch. Tại Bến Lức, cây chanh được trồng tập trung tại các xã Thạnh Hòa, Lương Hòa, Bình Ðức, Thạnh Lợi... với tổng diện tích gần 3.000 ha. Anh Phan Văn Trạng, ấp 2, xã Thạnh Hòa đã trồng chanh được sáu năm nay. Trước khi đến với cây chanh, anh Trạng đã trồng nhiều loại cây như mía, mì, nhưng đều thất bại. "Mấy loại cây đó giá cả không ổn định nên trồng vài năm, tôi chuyển sang trồng chanh luôn"- anh Trạng giải thích. Từ ngày trồng chanh có hạt, với 1,3 ha, anh Trạng thu được gần 200 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Chính vì lợi nhuận cao, nên hầu hết các hộ dân ở xã Thạnh Hòa, Bến Lức đều chuyển sang trồng cây chanh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Phạm Văn Trài, xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 2.400 ha, nhưng có đến 1.611 ha trồng chanh. Lợi nhuận từ cây chanh mang lại cho bà con trong xã từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nếu trồng chanh không hạt, lợi nhuận có thể tăng gấp đôi.

Ðến nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp. Nhiều loại cây mang giá trị cao đã được chính quyền địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi, thay vì chỉ trồng lúa. Ngoài cây thanh long, cây chanh, cây rau đang mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho người dân, hiện nay, Long An còn phát triển thêm nhiều loại cây trồng mới như cây mè, cây bắp, khoai mỡ... Những giống cây trồng này đang từng bước góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Giải pháp phát triển cây trồng bền vững

Với việc ngày càng có nhiều cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình cánh đồng giá trị tăng thêm xuất hiện trên địa bàn tỉnh Long An. Là vùng "đất trắng" trong chiến tranh, nhưng ngày nay, xã Mỹ Thạnh Ðông, huyện Ðức Huệ, tỉnh Long An đã trở thành một trong những xã phát triển nông nghiệp tiêu biểu của huyện. Từ vùng đất chỉ chuyên canh cây lúa, Mỹ Thạnh Ðông giờ đây được biết đến như là một trong những địa phương có mô hình hai lúa - một màu tiêu biểu của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Ðông, huyện Ðức Huệ Lâm Thị Tú Thi cho biết, từ năm 2004, xã đã mạnh dạn đưa cây bắp, cây mè, cây thiên lý vào trong kế hoạch sản xuất của xã. Chính từ sự chuyển đổi này đã mang lại sự đột phá về lợi nhuận trên đồng ruộng của bà con. Anh Bùi Văn Thống, ấp 4, xã Mỹ Thạnh Ðông, huyện Ðức Huệ là một trong những người trồng bắp đầu tiên của xã, nhớ lại: "Lần đầu trồng bắp, tôi cũng lo lắm. Nhưng nhờ sự động viên của các đồng chí lãnh đạo xã nên tôi cũng bạo gan trồng thử sáu công đất. Ai ngờ năm đó lại thắng lớn". Từ thành công đó, anh tiếp tục chuyển đổi gần ba ha đất sản xuất để trồng bắp vào các vụ sau, xen canh với việc trồng lúa. Khác với nhiều nơi, anh Thống và người dân trong xã đều trồng bắp vào vụ đông xuân, hai vụ hè thu, thu đông thì trồng lúa. "Khi thu hoạch bắp xong, thân bắp sẽ được bà con ủ lại trên đồng làm phân, cải tạo đất. Nhờ thế, vụ lúa hè thu bà con trồng lúa rất trúng, năng suất bao giờ cũng đạt hơn sáu tấn/ha" - anh Thống cho biết. Chỉ riêng mỗi vụ bắp, sau khi thu hoạch với năng suất đạt tám tấn/ha, trừ chi phí anh Thống lãi được ít nhất 25 triệu đồng. Cùng với hai vụ lúa, kết hợp chăn nuôi bò, mỗi năm anh Thống có lãi hơn 100 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, mô hình cánh đồng giá trị tăng thêm năm 2013 tăng nhiều hơn so với năm 2009 về số lượng lẫn hiệu quả. Ðiều này đã chứng minh cho việc phát triển cây trồng ở Long An đang đi đúng hướng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 39 mô hình sản xuất hai lúa - một màu, mô hình chuyên canh đạt giá trị tăng thêm từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Ðặc biệt mô hình chuyên canh cây thanh long tại huyện Châu Thành đạt giá trị tăng thêm hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Ðể các loại cây trồng mới phát triển ổn định và mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh các loại cây có tiềm năng của tỉnh như thanh long, chanh, cây rau, cây mía, cây bắp, cây mè, khoai mỡ... Tuy nhiên, theo đồng chí Truyền, để cây trồng phát triển bền vững đòi hỏi đầu ra cho các sản phẩm phải được bảo đảm. Việc xây dựng vùng nguyên liệu phải gắn với nơi tiêu thụ để giữ giá ổn định cũng như phát triển bền vững, tránh lập lại tình trạng "chặt, phá" thay đổi cây trồng của người dân như trong thời gian qua.

Ngoài ra, xây dựng mô hình kinh tế tập thể hiệu quả tại các vùng nguyên liệu cũng là hướng đi nhằm giúp các loại cây trồng phát triển bền vững. Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cần Giuộc (Long An) Ðồng Quang Ðôn cho rằng, mô hình xây dựng hợp tác xã kiểu mới sẽ giúp người dân trong vùng nguyên liệu có được đầu ra và thu nhập ổn định hơn. Hiện huyện Cần Giuộc có bảy hợp tác xã thu mua sản xuất rau. Tuy nhiên, các hợp tác xã hiện nay chỉ thu mua được 1/3 sản lượng rau của xã viên. Ðây cũng là một trong những khó khăn của người trồng rau trên địa bàn huyện. Nếu như các hợp tác xã mở rộng thêm đầu ra hơn nữa, người trồng rau sẽ an tâm hơn trong sản xuất.

Một giải pháp quan trọng nữa để cây trồng ở Long An phát triển bền vững là tỉnh phải đẩy nhanh sản xuất theo mô hình VietGap tại các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh cây trồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho các loại cây trồng là thế mạnh của tỉnh. Chỉ có sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì mới hy vọng sản phẩm các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh vào được các thị trường khó tính. Khi đó, sản xuất cây trồng mới thật sự mang lại hiệu quả và phát triển bền vững.


Related news

tien-giang-anh-tran-van-hon-xu-ly-chom-chom-trai-vu-loi-nhuan-gan-100-trieu-dong-nam Tiền Giang: Anh Trần Văn… quang-thuan-bac-kan-vao-vu-thu-hoach-quyt Quang Thuận (Bắc Kạn): Vào…