Mô hình kinh tế Hiệu quả lớn từ nuôi vịt chạy đồng

Hiệu quả lớn từ nuôi vịt chạy đồng

Publish date Friday. October 9th, 2015

Tiết kiệm chi phí

Những ngày này, trên cánh đồng thôn Quảng Minh (xã Mỹ Hưng, Thanh Oai), anh Trần Văn Quân luôn tất bật với đàn vịt 500 con.

Theo anh Quân, chăn vịt thả đồng vất vả hơn kiểu nuôi nhốt truyền thống, bởi bất kể ngày mưa hay nắng đều phải theo sát đàn vịt, tránh để vịt đi lạc.

Nuôi vịt thả đồng cũng nhiều rủi ro hơn, nhất là về dịch bệnh, do vịt thường ăn tạp nhiều loại thức ăn, khó kiểm soát.

Dù vậy, việc nuôi vịt thả đồng giúp chất lượng vịt thương phẩm tốt hơn, năng suất trứng cũng cao hơn. Đặc biệt là tiết kiệm được lượng thức ăn tiêu tốn.

“Với một đàn vịt khoảng 500 con, nuôi thả đồng có thể tiết kiệm được khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng…” - anh Quân cho biết. Bên cạnh tận dụng được nguồn thức ăn rơi vãi trên cánh đồng sau vụ gặt, vịt chạy đồng thường nhanh nhẹn, ít mỡ, thịt thơm và chắc hơn.

Nhờ đó, vịt thương phẩm bán “được giá” hơn.

 

Một hộ chăn nuôi vịt chạy đồng tại huyện Sóc Sơn.

Theo nhiều người nuôi vịt chạy đồng, khi đồng cạn, việc chăn thả ít vất vả hơn

. Thêm nữa, nếu cánh đồng nào nhiều tôm cá, thóc lúa là may mắn, ngược lại, người nông dân sẽ phải lùa đàn vịt tới những cánh đồng xa hơn. Ngày chăn thả, tối lùa vào quây lưới và cho ăn thêm thức ăn hỗn hợp.

Chừng 45 - 50 ngày tuổi, vịt thương phẩm nặng khoảng 2 - 2,5kg là có thể bán được.

Đối với vịt đẻ, năng suất và chất lượng trứng cũng được người nuôi đánh giá là tốt hơn nhiều so với nuôi vịt truyền thống.

Đồng ruộng được xem là bãi chăn thả lý tưởng cung cấp nhiều loại thức ăn cho vịt mà không mất tiền mua.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tỷ lệ thóc lúa rơi vãi trên đồng chiếm khoảng 2% tổng sản lượng, sâu hại còn sót lại trên đồng cũng rất nhiều, và vịt là loài có thể tận dụng được nhiều nhất số thức ăn này.

Đây cũng là lý do nuôi vịt thả đồng được nhiều bà con nông dân lựa chọn.

Chỉ mang tính thời vụ

Dù vất vả nhưng nuôi vịt thả đồng vẫn được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế tương đối khá.

Đó là lý do nhiều năm qua, người chăn nuôi vịt vẫn gắn bó với cái “nghề” dẫu còn nhọc nhằn này. Tuy nhiên, bên cạnh việc phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, nuôi vịt chạy đồng suy cho cùng vẫn chỉ là một “nghề” mang tính… thời vụ.

Thông thường, mùa vịt thả đồng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng sau vụ Xuân (tháng 5) và vụ Mùa (tháng 9) hàng năm.

Ruộng đồng sau đó sẽ được tháo cạn nước, cày ải để chuẩn bị đất cho vụ sản xuất mới.

Việc chăn thả vịt trên đồng khi đó không thể thực hiện được, và trên thực tế nếu có chăn thả, hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Thay vào đó, các hộ chăn nuôi quay trở lại với mô hình nuôi vịt truyền thống.

Ông Nguyễn Khắc Ninh - Trưởng thôn Đan Thẩm (xã Mỹ Hưng) chia sẻ, bên cạnh không kéo dài lâu, người nuôi vịt chạy đồng cũng cần lưu tâm tới những nguyên tắc “tối kỵ” như:

Không thả vịt vào khu vực nuôi trồng thủy sản của các gia đình khác, và không thả vịt chạy đồng vào thời điểm lúa của bà con bắt đầu trổ bông, kết hạt

. Nếu vi phạm, người chăn nuôi có thể bị phạt rất nặng!

Đây chỉ là “nguyên tắc” mang tính làng xã, nhưng tất thảy người nuôi vịt thả đồng đều ghi nhớ rất kỹ và thực hiện nghiêm túc.

Khi nuôi thả đồng, vịt ăn thức ăn tạp nên rất dễ mắc bệnh. Khi phát thành dịch có khả năng lây lan rộng cho cả đàn, thậm chí là sang cả đàn vịt của những hộ chăn nuôi khác.

Thiệt hại khi đó sẽ rất đáng lo ngại. Vì vậy, khi nuôi vịt thả đồng, bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện vệ sinh chuồng trại, công tác tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Đặc biệt, khi phát hiện có vịt bị bệnh, cần nhanh chóng tách đàn, thông báo cho cán bộ thú y địa phương biết để kịp thời có biện pháp can thiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại… (Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn)


Related news

nganh-chan-nuoi-truoc-thach-thuc-hoi-nhapnganh-chan-nuoi-truoc-thach-thuc-hoi-nhap Ngành chăn nuôi trước thách… dien-dan-khuyen-nong-nong-nghiep-voi-chu-de-phat-trien-chan-nuoi-dai-gia-suc-theo-huong-an-toan-ben-vung-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac Diễn đàn Khuyến nông @…