Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Biển Ở Nghĩa Hưng (Nam Định)
Trước đây ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cua biển từng là mặt hàng xuất khẩu được khách hàng ưa chuộng, đem lại nguồn thu lớn cho ngư dân ở các xã ven biển của huyện. Lượng cua biển này đều được khai thác từ tự nhiên, người dân chưa biết cách duy trì nguồn giống để phát triển nghề nuôi cua biển nên sản lượng khai thác cua biển tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất giống cua biển từ các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa… để áp dụng vào thực tế tại địa phương.
Điển hình như trang trại sản xuất cua giống của ông Nguyễn Văn Trào, xóm 7, xã Nghĩa Thắng. Ông Trào đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây 100 bể xi măng ương giống cua biển, mỗi bể rộng từ 1 đến 32m2, cao 1-1,3m có mái che toàn bộ hoặc một phần, đáy bể rải một lớp cát dày 3-5cm, sắp một số gạch để làm nơi ẩn cho cua, đáy có van xả để thay nước. Mực nước trong bể từ 0,7 đến 1m, mỗi bể đều có một hệ thống sục khí. Ông Trào cho biết, cua giống có thể nuôi chung hoặc chia ô để nuôi riêng từng con.
Nuôi trong bể xi măng dễ quản lý, chăm sóc cua nhưng phải có điện và cấp nước chủ động. Năm 2012, trang trại của ông xuất bán gần 4 triệu con cua giống cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình… Nhờ đó, cho gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Do chủ động được nguồn con giống nên phong trào nuôi cua biển ở huyện ngày càng phát triển, theo phương thức nuôi cua xen canh với các đối tượng khác như tôm, cá bống bớp, cá vược...
Hiện toàn huyện có trên 1.000ha nuôi cua biển với hàng trăm hộ tham gia nuôi. Cua biển là đối tượng thủy sản thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên, tăng trưởng nhanh ở vùng đất trũng, phèn chua, có độ mặn từ 0-30%, dễ nuôi, vốn đầu tư không nhiều, không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với cá bống bớp, con cua biển cũng cho người nuôi ở huyện Nghĩa Hưng thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha. Năm 2012, tổng sản lượng cua biển của toàn huyện đạt hơn 500 tấn.
Nhiều hộ nuôi cua giống kết hợp với nuôi cua thương phẩm, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như hộ các ông: Trần Văn Hưng (xã Nam Điền) mỗi năm thả 20 vạn con; Nguyễn Văn Định (nông trường Rạng Đông) mỗi năm thả hơn 10 vạn con; Vũ Mạnh Chiểu (Nam Điền) mỗi năm 5-7 vạn con… Gia đình ông Nguyễn Văn Thông, xóm 3, xã Nam Điền có tổng diện tích nuôi thủy sản 2ha với 5 ao nuôi cua biển xen canh tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá vược...
Năm 2012, ông đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua hơn 2 vạn con cua giống. Sau hơn 3 tháng nuôi, cua phát triển ổn định, tỷ lệ sống đạt 70%, thu được trên 1,5 tấn cua thương phẩm. Với giá bán tại đầm dao động từ 250-300 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông đã thu lãi gần 200 triệu đồng. Ông Thông cho biết, gia đình ông thường thu gom ốc, cá nhỏ về cho cua ăn, khẩu phần ăn khoảng 4-6% trọng lượng cơ thể, được chia làm hai lần trong ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát. Thức ăn được rải đều quanh đầm nuôi.
Cũng theo ông Thông, trong quá trình nuôi cua biển, khâu chọn và thả giống là quan trọng nhất, bởi đây là khâu quyết định tỷ lệ cua sống hay chết. Khi thả cua giống thường thả trong khoảng tháng 3, 4 dương lịch là tốt nhất vì lúc này nguồn thức ăn tự nhiên nhiều, điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho cua sinh trưởng, phát triển. Khi thả phải chọn cua giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị nhiễm bệnh. Tùy theo kích cỡ cua giống mà định ra mật độ thả cho phù hợp. Cua giống càng nhỏ thì mật độ thả càng cao, cỡ cua giống 50-100 con/kg thì thả với mật độ từ 3-5 con/m2; cỡ 40 con/kg thì thả từ 1-2 con/m2 là vừa.
Mô hình nuôi cua biển ở huyện Nghĩa Hưng đã mở ra hướng phát triển kinh tế ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao